Viêm amidan thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng người lớn cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, tin vui là viêm amidan ở người lớn có tiên lượng nhẹ nhàng hơn nếu được điều trị đúng và kịp thời.
Amidan là tên gọi của hệ thống tổ chức lympho có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn. Chúng gồm hai khối mô mềm nhỏ nằm ở sau cổ họng. Khi phát hiện thấy vi khuẩn xâm nhập, amidan sẽ ngay lập tức bắt lấy, sinh ra các kháng thể hoặc tiến hành thực bào bằng cách men sinh hóa để tiêu diệt vi khuẩn. Nhờ vậy, vi khuẩn không thể tiếp tục xâm nhập sâu vào bên trong.
Amidan là cơ quan hình thành từ lúc chúng ta mới sinh ra, hoạt động mạnh mẽ nhất trong những năm đầu đời, sau đó thoái hóa dần khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành. Do đó, nhiều người lầm tưởng viêm amidan là căn bệnh chỉ gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu bệnh không được trị dứt mà tái đi tái lại (do môi trường ô nhiễm hoặc hệ miễn dịch kém), amidan sẽ bị kích hoạt và sưng viêm mãn tính, kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Triệu chứng viêm amidan ở người lớn
Các triệu chứng viêm amidan ở người lớn tương tự như ở trẻ em, đó là:
- Viêm họng
- Đau khi nuốt
- Amidan sưng đỏ
- Xuất hiện mảng trắng hoặc vàng trên amidan
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Hôi miệng
- Giọng nói khó nghe
- Đau tai
- Sốt
- Đau đầu
- Đau bụng
- Ho
- Cứng cổ
Nguyên nhân gây viêm amidan ở người lớn
Viêm amidan thường do virus gây ra, nhưng đôi khi vi khuẩn cũng là tác nhân gây bệnh.
Virus có khả năng dẫn đến viêm amidan bao gồm:
- Virus cúm
- Virus cảm lạnh thông thường
- Herpes simplex virus
- Virus Epstein-Barr
- Cytomegalovirus
- Adenovirus
- Virus sởi
Ngoài ra, sức đề kháng kém, cơ địa dễ dị ứng với thời tiết thay đổi đột ngột (nhiệt độ giảm mạnh hoặc tăng nhanh), môi trường ô nhiễm cùng một số bệnh lý như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang… cũng là nguyên nhân gây viêm amidan ở người lớn.
Phương pháp chẩn đoán viêm amidan ở người lớn
Gặp bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 4 ngày mà không có sự cải thiện rõ rệt. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây viêm amidan bằng cách đặt câu hỏi cho bạn về những vấn đề liên quan đến bệnh tình, sau đó kiểm tra cổ họng của bạn.
Bạn cũng có thể phải chà xát cổ họng để xem có bị nhiễm vi khuẩn hay không. Bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc vô trùng chà dọc theo phía sau cổ họng bạn để lấy mẫu, sau đó đem mẫu này đi xét nghiệm. Phải mất vài phút hoặc tối đa 48 giờ để cho ra kết quả, tùy thuộc vào loại xét nghiệm được sử dụng.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ còn đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu toàn phần (CBC) của bạn. Những kết quả này sẽ giúp xác định xem bệnh viêm amidan của bạn là do virus hoặc vi khuẩn gây nên.
Viêm amidan được điều trị thế nào?
Không có cách điều trị cụ thể cho viêm amidan do virus, nhưng bạn có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu bằng cách:
- Nghỉ ngơi nhiều
- Giữ nước cho cơ thể bằng cách uống đủ nước (ít nhất 2 lít/ngày)
- Dùng thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin)
- Súc miệng bằng dung dịch nước muối loãng
- Sử dụng máy tạo độ ẩm
- Ăn, uống chất lỏng ấm hoặc lạnh, chẳng hạn như nước dùng, trà, súp, canh…
- Ngậm viên ngậm để giảm đau họng
Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc steroid nếu bạn cảm thấy khó thở do sưng amidan.
Nếu bạn bị viêm amidan do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê toa một loại kháng sinh, chẳng hạn như penicillin.
Nếu viêm amidan do vi khuẩn không được điều trị, áp xe có thể phát triển. Dấu hiệu của hiện tượng này là mủ hình thành và phát triển trong một túi ở phía sau cổ họng của bạn. Lúc này, bác sĩ cần dẫn lưu áp xe bằng kim, hoặc trong một số trường hợp sẽ thực hiện phẫu thuật cắt amidan.
Có nên phẫu thuật cắt amidan?
Không có nhiều nghiên cứu để xác nhận lợi ích của phẫu thuật cắt amidan ở người lớn. Nhưng, trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2013, các nhà khoa học Phần Lan đã xem xét 86 người trưởng thành bị viêm họng tái phát. 46 người trong số họ được phẫu thuật cắt amidan và 40 người không thực hiện thủ thuật.
Sau 5 tháng, chỉ có 39% những người bị cắt amidan có cơn đau họng cấp tính so với 80% những người không phẫu thuật. Những người trưởng thành được cắt amidan cũng báo cáo rằng họ đã giảm tải được số lần đi khám cũng như nghỉ học/nghỉ làm vì chứng viêm họng.
Cho nên, nếu bạn mắc phải bệnh viêm họng mãn tính hoặc tái phát liên quan đến amidan, hãy nói chuyện với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của việc phẫu thuật cắt amidan. Bác sĩ sẽ cân nhắc xem có cần thực hiện thủ thuật này với bạn hay không.
Phẫu thuật cắt amidan được thực hiện thế nào?
Phẫu thuật cắt bỏ amidan thường được khuyên dùng cho các trường hợp viêm amidan rất nặng hoặc thường xuyên.
Viêm amidan thường gặp được định nghĩa là:
- Hơn 7 đợt viêm amidan trong một năm
- Hơn 4 đến 5 lần xuất hiện một năm trong mỗi hai năm trước
- Hơn 3 lần xuất hiện một năm trong ba năm trước
Phẫu thuật cắt amidan thường là một thủ tục ngoại trú, có nghĩa là nó diễn ra khá nhanh chóng và bạn sẽ được xuất viện trong ngày.
Phẫu thuật được thực hiện theo cách tương tự ở cả trẻ em và người lớn, nhưng quá trình phục hồi sẽ càng mất nhiều thời gian nếu bạn càng lớn tuổi. Trẻ em thường lành nhanh hơn, có nghĩa là chúng chỉ cần khoảng một tuần để hồi phục, trong khi người lớn phải nghỉ ngơi ít nhất hai tuần trước khi trở lại làm việc.
Trẻ em cũng ít khi gặp phải các biến chứng so với người lớn, chẳng hạn như chảy máu hoặc đau dữ dội, sau khi làm thủ thuật cắt amidan.
Trong một số ít trường hợp, amidan có thể mọc lại sau phẫu thuật.
Triển vọng
Viêm amidan phổ biến hơn ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có khả năng phát triển tình trạng này. Nếu bạn bị viêm amidan, virus chính là thủ phạm, song bệnh cũng có khi xảy ra do nhiễm vi khuẩn.
Nhiều trường hợp viêm amidan ở người lớn sẽ tự khỏi, thường trong vòng một tuần. Nhưng nếu sau đó bệnh tiếp tục quay trở lại, nghiêm trọng hơn hoặc không đáp ứng với liệu trình điều trị đơn giản, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc phẫu thuật để xem thủ thuật này có phù hợp với bạn hay không.