Đồ chơi cho trẻ em không những giúp tay chân con yêu được vận động linh hoạt hơn mà còn kích thích não bộ phát triển toàn diện. Hiểu được tầm quan trọng ấy, nếu đang phân vân không biết lựa chọn món đồ chơi nào phù hợp với độ tuổi của con thì bạn đừng bỏ qua bài viết sau mà Chúng tôi giới thiệu.
Theo các chuyên gia phân tích, trẻ em thường không cần những đồ chơi mới lạ. Đôi khi, chỉ cần một vài món đồ đơn giản như 1 cái chảo và 1 cái thìa cũng khiến bé hứng thú không kém gì những món đồ chơi nhấp nháy đắt tiền kia. Nói như vậy không có nghĩa là bố mẹ không nên mua đồ chơi cho bé, dưới đây là một số những lưu ý cho bố mẹ khi chọn mua chúng cho con.
4 tiêu chí để chọn đồ chơi cho trẻ em an toàn
Bất cứ loại đồ chơi nào bạn mua về cho con phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sau đây là một số mẹo nhỏ cho bố mẹ trong việc lựa chọn đồ chơi an toàn cho bé:
- Bố mẹ cần đọc kỹ nhãn hiệu trước khi mua để đảm bảo chúng thích hợp với lứa tuổi của con
- Bạn nên kiểm tra các cạnh sắc và những bộ phận rời, vì những loại này có thể gây thương tích cho bé
- Cẩn thận nguy cơ nghẹt thở vì những chi tiết nhỏ có thể mắc kẹt trong khí quản của bé
- Đảm bảo âm thanh của đồ chơi điện tử không to quá. Những món đồ chơi có cường độ âm thanh quá lớn có thể gây hại đến thính giác của bé.
Cách lựa chọn đồ chơi cho trẻ em phù hợp với độ tuổi của bé
1. Đồ chơi cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi (6 – 24 tháng)
- Đối với trẻ từ 0-6 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, đồ chơi cho trẻ em lý tưởng là những món đồ có thể kích thích được các giác quan của bé như thị giác, thính giác và xúc giác. Do đó, bố mẹ nên chọn những món có màu sắc, âm thanh, kết cấu để các giác quan của con phát triển và nhạy bén hơn.
Khi trẻ lớn hơn, vào khoảng 4 tháng tuổi, bé đã có thể cầm nắm được đồ vật và có thể nhận ra mình có thể tác động đến sự vật. Bạn có thể cho bé chơi lúc lắc hay những loại đồ chơi khác dễ cầm và lắc bởi chúng dễ mang lại niềm vui cho bé. Khi con bạn lắc đồ chơi, bạn hãy bắt chước động tác của bé, vì trẻ rất thích việc này.
Khi bé bắt đầu biết ngồi là lúc bé thực sự chơi đồ chơi. Đồ chơi xếp hình thường có màu sắc và hình dạng khác nhau. Việc bé cần làm là xếp chồng những thanh gỗ hoặc thanh nhựa lên nhau dựa trên đúng hình dạng và kích cỡ của chúng. Điều này giúp bé sử dụng tay một cách nhuần nhuyễn cũng như nâng cao kỹ năng nhận thức. Ngoài ra, đồ chơi xếp hình còn giúp bé cải thiện thị giác, hỗ trợ phối hợp giữa tay và mắt, nắm bắt được kích cỡ và hình dáng của vật thể. Bên cạnh đó, việc chơi đồ chơi còn giúp con biết cách giữ cân bằng cơ thể khi ngồi.
- Đồ chơi cho trẻ 1 tuổi (trẻ mới tập đi)
Một tuổi là thời điểm quan trọng đối với trẻ nhỏ, vì lúc này, con đã có thể thu thập dữ liệu, đi bước nhỏ, vẫy tay chào, vỗ tay… Ở giai đoạn này, bé cũng đã phát triển khả năng nhận thức và có thể phân biệt mọi thứ bằng màu sắc. Lúc này, ngoài việc chơi những khối xếp hình nhiều màu thì những món đồ chơi có thể kéo hoặc có nút bấm cũng rất có ích với bé. Bố mẹ nên chọn cho trẻ những loại càng đơn giản càng tốt vì chúng sẽ giúp bé tự lực làm mọi việc và kích thích trí tưởng tượng của bé hơn.
2. Trẻ nhỏ (24 – 36 tháng)
- Đồ chơi cho trẻ em: Bảng chữ cái và số
Khi biết đi, bé đã sẵn sàng bắt tay vào việc học. Việc dạy bé học bằng cách thông thường có khi lại phản tác dụng vì chúng rất khô khan, khiến con yêu luôn từ chối tiếp nhận kiến thức. Vì vậy, bạn hãy mua cho bé một bảng chữ cái hoặc chữ số cơ bản, sau đó dạy cho bé học bằng cách cầm chữ cái lên và chỉ cho bé đây là chữ A, chữ B… Bằng cách này, việc học của bé sẽ trở nên thú vị và dễ dàng hơn rất nhiều.
Nếu muốn trẻ giỏi toán, hãy cho bé chơi với một số đồ chơi phân loại. Hoạt động phân loại này sẽ giúp phát triển các kỹ năng toán học của bé ngay từ khi con còn rất nhỏ, vì bé có thể tiếp xúc với toán học trong khi bé phân loại đồ chơi. Ngoài ra, đồ chơi này còn giúp bé nhận biết hình dạng, kích cỡ và phát triển kỹ năng vận động.
- Đồ chơi cho trẻ em: Đồ chơi âm nhạc
Bạn hãy cho bé bước vào thế giới âm nhạc bằng cách tặng cho con một món đồ chơi có phát những bài hát liên quan đến bảng chữ cái, màu sắc hoặc con số, như bài hát ABC chẳng hạn. Âm nhạc sẽ giúp kích thích ngôn ngữ, thính giác và khả năng cảm thụ nhịp điệu của con. Hơn thế nữa, đồ chơi âm nhạc còn giúp kích thích các giác quan của bé để con có thể vừa học vừa chơi thật vui.
3. Trẻ mầm non (hơn 36 tháng)
- Đồ chơi nhập vai
Trẻ mẫu giáo thường có trí tưởng tượng phong phú nên những món đồ chơi nhập vai như bộ đồ nghề làm bác sĩ, dụng cụ làm thợ mộc, bộ đồ làm bếp… rất phù hợp với trẻ. Con yêu sẽ có xu hướng bắt chước những hành động và việc làm của những người con từng tiếp xúc và diễn tả lại giống nhất có thể. Điều này sẽ giúp bé nâng cao khả năng quan sát và hiểu biết về các ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, đồ chơi nhập vai còn giúp phát triển trí tưởng tượng và sự sáng tạo, nhờ đó bé cũng trở nên cởi mở và tự tin hơn.
Ngoài những món đồ chơi kể trên thì một trong những đồ chơi bạn không nên bỏ qua để giúp bé phát triển toàn diện là sách. Hãy lựa chọn những quyển sách phù hợp với độ tuổi của con chẳng hạn như những quyển sách tương tác, chúng sẽ là cơ sở cho sự phát triển trí óc của bé. Bên cạnh đó, bạn nên biết rằng trẻ nhỏ rất thích được tương tác với người khác. Bạn có thể trò chuyện với con, hát hò, đọc sách và cùng bé đi dạo. Chỉ cần những khoảnh khắc vui vẻ với con cũng có thể tạo ra những điều kì diệu để phát triển tình cảm, nhận thức và kỹ năng xã hội của bé bên cạnh những món đồ chơi phù hợp.
Ngày nay, đồ chơi được thiết kế thông minh để bé có thể vừa học vừa chơi. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm với đa dạng chất lượng khác nhau. Do đó, bạn cần lựa chọn cẩn thận trước khi mua đồ chơi cho bé.
Bên cạnh những món đồ chơi cho trẻ em mà bố mẹ nên mua cho con, có những món mà bạn cần tránh cho trẻ chơi. Bố mẹ hãy tham khảo bài viết “7 loại đồ chơi trẻ em không an toàn mà bạn nên tránh cho trẻ chơi“.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.