Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm định lượng canxi (xét nghiệm canxi tổng, canxi ion, canxi huyết thanh)
Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu, Nước tiểu.
Tìm hiểu chung
Xét nghiệm định lượng canxi là gì?
Xét nghiệm định lượng canxi nhằm giúp bác sĩ đánh giá chức năng tuyến cận giáp và sự chuyển hoá canxi, cũng như chẩn đoán các bệnh như suy thận, ghép thận, cường cận giáp, và các bệnh ác tính khác.
Khoảng nửa lượng canxi trong máu tồn tại dưới hình thức tự do (dạng ion Ca2+), và khoảng một nửa tồn tại ở dạng bất hoạt liên kết với protein (chủ yếu là với albumin). Lượng canxi huyết thanh là tổng canxi tự do và canxi liên kết. Khi nồng độ albumin huyết thanh thấp (như ở bệnh nhân suy dinh dưỡng), nồng độ canxi huyết thanh sẽ còn ở mức thấp và ngược lại. Thông thường, tổng nồng độ canxi huyết thanh giảm khoảng 0,8 mg khi albumin huyết thanh giảm 1g. Người ta sẽ đo albumin huyết thanh và canxi huyết thanh với nhau, còn lượng canxi ở dạng ion không bị ảnh hưởng bởi lượng albumin huyết thanh.
Khi bệnh nhân có ít nhất 3 kết quả xét nghiệm khác nhau đều xác nhận lượng canxi huyết thanh tăng, bệnh nhân được chẩn đoán tăng canxi máu (hypercalcemia). Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng tăng canxi máu là bệnh cường cận giáp. Hormone tuyến cận giáp làm tăng lượng canxi bằng cách tăng sự hấp thụ canxi trong tiêu hóa, giảm bài tiết qua nước tiểu, và tăng tái hấp thu xương. Các bệnh ác tính là nguyên nhân phổ biến thứ hai của tăng canxi máu. Bệnh có thể làm tăng nồng độ canxi bằng hai cách. Đầu tiên, khối u di căn (u tủy, ung thư phổi, vú, tế bào thận) đến xương phá hủy xương, gây ra sự tái hấp thu và đẩy canxi vào máu. Thứ hai, các bệnh ung thư (phổi, vú, tế bào thận) có thể sản xuất một hormone tương tự horomne tuyến cận giáp, làm tăng canxi huyết thanh. Thừa vitamin D đường uống có thể làm tăng canxi huyết thanh do tăng hấp thụ canxi ở thận và đường tiêu hóa. Nhiễm trùng tạo u hạt, chẳng hạn như sarcoidosis và bệnh lao, có liên quan với tăng canxi huyết.
Giảm canxi máu xảy ra ở những bệnh nhân bị giảm albumine. Các nguyên nhân phổ biến gây giảm albumine gồm suy dinh dưỡng (đặc biệt là ở những người nghiện rượu) và truyền tĩnh mạch lượng lớn. Truyền máu nhiều gây giảm lượng canxi huyết thanh thấp do các chất bảo quản như muối citrate được sử dụng để chống đông máu gắn kết với canxi tự do trong máu của người nhận. Kém hấp thu đường ruột, suy thận, tiêu cơ vân, nhiễm kiềm, và viêm tụy cấp tính cũng gây hạ canxi máu. Giảm canxi máu lâu ngày gây ra giảm magiê máu.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm canxi nước tiểu (canxi niệu). Tăng bài tiết canxi nước tiểu gặp ở tất cả các bệnh nhân bị tăng canxi huyết. Bệnh nhân giảm canxi huyết có lượng canxi nước tiểu giảm. Xét nghiệm này hữu ích trong việc xác định nguyên nhân gây ra sỏi thận tái phát.
Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm định lượng canxi?
Bác sĩ sử dụng xét nghiệm canxi để đánh giá chức năng tuyến cận giáp và sự chuyển hoá canxi bằng cách trực tiếp đo tổng lượng canxi trong máu. Bác sĩ cũng xác định lượng canxi huyết thanh để theo dõi các bệnh nhân bị suy thận, ghép thận, cường cận giáp, và các bệnh ác tính khác. Đồng thời bác sĩ cũng sử dụng xét nghiệm để theo dõi nồng độ canxi trong và sau khi truyền máu khối lượng lớn.
Xét nghiệm canxi máu có thể được thực hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng của hạ canxi máu. Các triệu chứng này bao gồm: vọp bẻ, cứng cơ, giật cơ ở các ngón tay hay ở miệng.
Xét nghiệm canxi máu có thể được thực hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng của tăng canxi máu. Các triệu chứng này bao gồm: mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán ăn, buồn nôn và nôn, táo bón, tiểu nhiều, đau bụng, hay đau xương.
Xét nghiệm canxi máu có thể được thực hiện như một phần của xét nghiệm máu thường quy.
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là nhũ nhi chưa trưởng thành và nhẹ cân, thường được theo dõi trong những ngày đầu đời để tránh hạ canxi máu sơ sinh bằng xét nghiệm định lượng ion canxi. Điều này có thể xảy ra vì tuyến cận giáp ở trẻ chưa trưởng thành và trẻ không luôn có các triệu chứng.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng canxi?
Đo nồng độ canxi trong máu và nước tiểu không thể xác định được lượng canxi có ở xương. Một xét nghiệm tương tự như chụp X-quang, được gọi là đo mật độ xương, được sử dụng cho mục đích này.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm gồm:
- Ngộ độc vitamin D làm tăng canxi;
- Uống quá nhiều sữa có thể làm tăng canxi;
- Độ pH huyết thanh có thể ảnh hưởng đến giá trị canxi. Sự giảm pH gây tăng canxi;
- Thời gian garô kéo dài sẽ làm giảm pH và làm tăng nồng độ canxi;
- Thường có một biến đổi nhỏ canxi trong ngày. Mức canxi cao nhất thường vào khoảng 9 giờ tối (23h);
- Giảm albumine liên quan với giảm canxi tổng;
- Những thuốc có thể làm tăng canxi trong huyết thanh bao gồm các thuốc kháng acid có tính kiềm, androgen, các muối canxi, ergocanxiferol, hydralazine, lithium, hormone tuyến cận giáp (PTH), thuốc lợi tiểu thiazid, hormon tuyến giáp, và vitamin D;
- Những thuốc có thể làm giảm canxi huyết thanh bao gồm acetazolamide, albuterol, thuốc chống co giật, asparaginase, aspirin, canxitonin, cisplatin, corticosteroid, thuốc lợi tiểu, estrogen, heparin, thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu dùng lặp lại, muối magiê, và thuốc tránh thai.
Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng canxi?
Những việc bạn nên làm trước khi thực hiện xét nghiệm bao gồm:
Lắng nghe bác sĩ giải thích và hướng dẫn qui trình thực hiện.
Không cần phải nhịn ăn. Tuy nhiên bạn cần phải thực hiện các xét nghiệm khác yêu cầu nhịn ăn cùng với xét nghiệm định lượng canxi. Bạn nên hỏi lại bác sĩ để đảm bảo thông tin.
Quy trình thực hiện xét nghiệm định lượng canxi như thế nào?
Khi thực hiện xét nghiệm định lượng canxi, chuyên viên y tế lấy máu sẽ:
- Quấn một dải băng quanh tay để ngưng máu lưu thông;
- Sát trùng chỗ tiêm bằng cồn;
- Tiêm kim vào tĩnh mạch. Có thể tiêm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết;
- Gắn một cái ống để máu chảy ra;
- Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu;
- Thoa miếng gạc băng hay bông gòn lên chỗ vừ tiêm;
- Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm.
Bác sĩ sẽ thu thập mẫu máu từ tĩnh mạch và cho vào ống nghiệm nắp đỏ.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm định lượng canxi?
Sau khi lấy máu bạn cần băng và ép lên vùng chọc tĩnh mạch lấy máu để giúp cầm máu.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Hướng dẫn đọc kết quả
Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?
Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.
Kết quả bình thường
Canxi tổng:
- Trẻ dưới 10 ngày tuổi: 7.6-10.4 mg/dl hoặc 1.9-2.6 mmol/l;
- Máu dây rốn: 9.0-11.5 mg/dl hoặc 2.25-2.28 mmol/l;
- Trẻ 10 ngày – 2 năm tuổi: 9.0-10.6 mg/dl hoặc 2.3-2.65 mmol/l;
- Trẻ em: 8.8-10.8 mg/dl hoặc 2.2-2.7 mmol/l;
- Người lớn: 9.0-10.5 mg/dl hoặc 2.25-2.62 mmol/l.
Canxi dạng ion hóa:
- Trẻ mới sinh: 4.20-5.58 mg/dl hoặc 1.05-1.37 mmol/l;
- Trẻ 2 tháng – 18 tuổi: 4.80-5.52 mg/dl hoặc 1.20-1.38 mmol/l;
- Người lớn: 4.5-5.6 mg/dl hoặc 1.05-1.3 mmol/l;
- Ở người già, các giá trị có xu hướng giảm.
Giá trị cảnh báo:
- Canxi tổng: < 6 hoặc > 13 mg/dL;
- Canxi ion hóa: < 2.2 hoặc > 7 mg/dL.
Kết quả bất thường
Tăng canxi máu (hypercalcemia)
- Cường cận giáp;
- Khối u không ở tuyến thượng thận nhưng có khả năng tiết hormone tương tự như hormone thượng thận (như phổi ung thư biểu bì thận);
- Khối u di căn đến xương;
- Bệnh paget xương;
- Hội chứng sữa kiềm;
- Bất động kéo dài;
- Ngộ độc vitamin D;
- U lympho;
- Nhiễm trùng u hạt (ví dụ, sarcoidosis và bệnh lao).
- Bệnh Addison;
- Bệnh to đầu chi;
- Cường giáp.
Giảm canxi máu (hypercalcemia)
- Suy tuyến cận giáp;
- Suy thận;
- Chứng tăng phosphate thứ cấp suy thận;
- Suy dinh dưỡng;
- Sự thiếu hụt vitamin D;
- Loãng xương;
- Kém hấp thu;
- Viêm tuỵ;
- Nghẽn mạch do nhiễm mỡ trong máu;
- Nhiễm kiềm;
- Giảm albumine.
Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.