Xạ hình tưới máu cơ tim (Myocardial Perfusion Scan)

(3.82) - 44 đánh giá

Chú ý: Xạ hình tưới máu cơ tim còn được gọi là xạ hình tim, xạ hình “thallium”, xạ hình “MIBI”. Những thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn chung. Việc chuẩn bị và cách thức thực hiện xạ hình có thể thay đổi giữa các bệnh viện khác nhau. Luôn luôn tuân theo các hướng dẫn từ bác sĩ của bạn hoặc bệnh viện thực hiện xạ hình cho bạn.

Xạ hình tưới máu cơ tim là gì?

Xạ hình tưới máu cơ tim dùng một lượng nhỏ chất phóng xạ để xem lượng máu đến nuôi cơ tim có đủ hay không. Một vài bác sĩ gọi kỹ thuật này là xạ hình “thallium” hay xạ hình “MIBI”. Xạ hình tưới máu cơ tim thường được thực hiện sau gắng sức nhẹ nhàng để đánh giá đáp ứng của cơ tim đối với hoạt động gắng sức.

Cơ tim là gì?

Thành phần cấu tạo chính của quả tim là một loại cơ đặc biệt được gọi là cơ tim. Cơ tim bơm máu từ tim vào động mạch, từ đó động mạch mang máu đến mọi cơ quan trong cơ thể.

Giống như các loại cơ khác, cơ tim cần được cung cấp máu tốt. Khi lượng máu đến nuôi cơ tim giảm, cơ tim sẽ phản ứng lại bằng triệu chứng đau; triệu chứng này được gọi là cơn đau thắt ngực.

Động mạch cung cấp máu nuôi cơ tim được gọi là động mạch vành. Nguyên nhân thường gặp gây ra cơn đau thắt ngực là hẹp một hoặc nhiều nhánh động mạch vành. Lượng máu đến nuôi cơ tim có thể vẫn đủ khi bạn đang nghỉ ngơi, không có hoạt động gắng sức. Tuy nhiên, cơ tim sẽ cần nhiều máu và oxy hơn khi nó làm việc nhiều hơn. Ví dụ, khi bạn đi nhanh hoặc leo cầu thang, nhịp tim sẽ tăng lên để cung cấp cho cơ tim nhiều máu hơn. Nếu có hẹp động mạch vành, lượng máu bổ sung này không đến được với cơ tim, tim sẽ “than phiền” bằng triệu chứng đau thắt ngực. Hình dưới đây minh họa cơn đau thắt ngực xảy ra như thế nào.

Hình minh họa cơn đau thắt ngực xảy ra như thế nào

Xạ hình tưới máu cơ tim dùng để làm gì?

Xạ hình tưới máu cơ tim được dùng để tìm nguyên nhân đau ngực hoặc đau ngực khi gắng sức. Kỹ thuật này cũng được dùng để:

  • Thấy được lượng máu đến nuôi cơ tim có đủ hay không.
  • Thấy được động mạch vành có bị hẹp hay không và hẹp mức độ nào.
  • Xác định mức độ tổn thương cơ tim sau nhồi máu cơ tim.

Xạ hình tưới máu cơ tim hoạt động như thế nào?

Xạ hình tưới máu cơ tim sử dụng một dược chất đặc biệt được gọi là đồng vị phóng xạ. Đồng vị phóng xạ là một chất hóa học phát ra một loại phóng xạ được gọi là tia gamma. Trong xạ hình tưới máu cơ tim, một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể, thường bằng đường tiêm tĩnh mạch.

Có nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau. Mỗi loại có xu hướng tập hợp hay tập trung trong những mô cơ quan khác nhau. Vì vậy, việc dùng loại đồng vị phóng xạ nào tùy thuộc vào phần nào của cơ thể được ghi hình. Loại đồng vị phóng xạ tập trung ở cơ tim sẽ được dùng cho xạ hình tưới máu cơ tim. Những loại xạ hình như xạ hình xương hay xạ hình tuyến giáp sẽ dùng những loại đồng vị phóng xạ khác.

Xem thêm bài Xạ hình xương , Xạ hình tuyến giáp và nghiệm pháp hấp thu .

Đồng vị phóng xạ này theo dòng máu đến cơ tim. Khi dòng máu đi qua cơ tim, những vùng nào của cơ tim được nuôi dưỡng tốt sẽ hấp thu tốt đồng vị phóng xạ. Những vùng không hấp thu tốt đồng vị phóng xạ có thể bị nuôi dưỡng kém do hẹp động mạch vành, hoặc đã bị tổn thương do nhồi máu cơ tim. Vì vậy, mô cơ tim nào được nuôi dưỡng tốt sẽ phát ra nhiều tia gamma hơn so với vùng bị nuôi dưỡng kém hoặc đã bị tổn thương.

Tia gamma giống với tia X và được ghi nhận bởi một thiết bị gọi là gamma camera. Các tia gamma phát ra từ bên trong cơ thể ghi nhận lại bằng gamma camera, được biến đổi thành tín hiệu điện và được chuyển vào một máy tính. Máy tính này sẽ tạo ra hình ảnh có màu sắc hay độ xám khác nhau tương ứng với những tín hiệu thu nhận có cường độ khác nhau.

Ví dụ, những vùng mô cơ quan cần ghi hình phát ra nhiều tia gamma có thể đươc biểu diễn bằng những điểm màu đỏ (vùng nóng) trên hình ảnh được tạo ra bằng máy tính. Những vùng mô cơ quan đích phát ra ít tia gamma có thể được biểu diễn bằng màu xanh dương (vùng lạnh). Nhiều màu sắc khác có thể được dùng trong “khoảng giữa” tùy theo mức độ tia gamma phát ra.

Thực hiện xạ hình tưới máu cơ tim như thế nào?

Thực hiện xạ hình tưới máu cơ tim

Hình: Xạ hình tưới máu cơ tim

Xạ hình tưới máu cơ tim có thể được thực hiện theo nhiều cách. Xạ hình có thể được thực hiện nối tiếp lúc nghỉ tĩnh, gắng sức sau đó, hoặc kết hợp nghỉ tĩnh và gắng sức ở hai lần riêng biệt.

Thứ tự chính xác của việc thực hiện xạ hình nghỉ tĩnh hay gắng sức thay đổi tùy theo bệnh viện.

Nghiệm pháp gắng sức có thể được thực hiện bằng cách tiêm một loại thuốc làm cho tim của bạn đập nhanh và mạnh hơn. Sau khi tiêm thuốc, vài bệnh nhân có cảm giác nhói ở ngực hoặc cảm thấy tim đập rất mạnh. Những cảm giác này thường biết mất nhanh chóng sau khi kết thúc nghiệm pháp. Chất phóng xạ thường được tiêm ở cánh tay, khi tim bạn đang đập ở một tần số xác định.

Nghiệm pháp gắng sức có thể được thực hiện bằng cách đạp xe đạp nếu bạn có khả năng thực hiện. Thời gian đạp xe đạp sẽ phụ thuộc vào khả năng gắng sức của bạn.

Hình: Nghiệm pháp gắng sức có thể

Trong khi thực hiện nghiệm pháp, bạn sẽ được theo dõi điện tâm đồ thường xuyên. Vì vậy, vài điện cực sẽ được đặt trên ngực bạn. Những điện cực này được nối vào một thiết bị hiển thị đáp ứng của tim bạn đối với nghiệm pháp gắng sức.

Thỉnh thoảng bạn sẽ được ghi hình ngay sau khi tiêm thuốc phóng xạ. Một vài bệnh viện có thể đề nghị bạn ăn gì đó trước khi ghi hình. Điều này có thể giúp cho hình ảnh được rõ hơn. Khi ghi hình, bạn nằm trên một bàn dài, trong khi camera ghi nhận các tia gamma phát ra từ cơ thể bạn. Máy tính sẽ biến đổi những thông tin này thành hình ảnh. Bạn cần nằm yên trong quá trình ghi hình để hình ảnh không bị nhòe. Thời gian ghi hình có thể từ 16-30 phút tùy thuộc vào loại máy camera được sử dụng.

Tùy thuộc vào lý do bác sĩ chỉ định làm xạ hình tưới máu cơ tim, bạn có thể được ghi hình lần thứ hai. Lần ghi hình thứ hai này có thể được thực hiện trong cùng ngày, 24 giờ sau đó hoặc vài ngày sau đó. Thông thường, bạn chỉ cần làm xạ hình tưới máu cơ tim có gắng sức một lần. Ở lần ghi hình thứ hai này (xạ hình nghỉ tĩnh), bạn được ghi hình sau khi được tiêm thuốc phóng xạ mà không cần thực hiện gắng sức hay dùng thuốc làm tăng nhịp tim.

Cần chuẩn bị gì trước khi làm xạ hình tưới máu cơ tim?

Bệnh viện của bạn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin riêng để giúp bạn chuẩn bị cho làm xạ hình. Bởi vì các kỹ thuật này có liên quan đến một lượng nhỏ tia phóng xạ, do đó không nên thực hiện trên phụ nữ có thai. Nói cho bác sĩ của bạn biết bạn đang, hoặc nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết nếu bạn đang cho con bú.

Thường không cần chuẩn bị gì nhiều trước xạ hình. Tuy nhiên, bạn có thể được dặn dò không được ăn hoặc uống một vài thứ có chứa caffeine trước khi làm xạ hình. Trong vài trường hợp, bác sĩ của bạn có thể khuyên bạn không uống một số thuốc trong vài ngày trước khi thực hiện xạ hình. Bạn cũng có thể được dặn mang theo toa thuốc của bạn đến vào ngày làm xạ hình. Bệnh viện của bạn sẽ hướng dẫn cho bạn nếu cần.

Tôi có thể bị gì sau khi làm xạ hình tưới máu cơ tim?

Thông thường, xạ hình tưới máu cơ tim không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Thông qua quá trình phân rã tự nhiên, lượng nhỏ chất phóng xạ trong cơ thể bạn sẽ mất tính phóng xạ theo thời gian. Nó cũng có thể được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu hoặc phân trong vài giờ hay vài ngày đầu sau khảo sát. Bạn có thể được chỉ dẫn các phòng ngừa đặc biệt sau khi đi tiểu, cần xả nước bồn vệ sinh hai lần và rửa tay kỹ.

Nếu bạn tiếp xúc với trẻ em hoặc phụ nữ mang thai, bạn cần cho bác sĩ của bạn biết. Mặc dù mức độ phóng xạ dùng trong xạ hình rất nhỏ, họ cần phải được chỉ bảo những phòng ngừa đặc biệt. Bệnh viện của bạn sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn về vấn đề này.

Có những nguy cơ hay biến chứng nào liên quan đến xạ hình tưới máu cơ tim?

Hầu hết bệnh nhân thực hiện xạ hình tưới máu cơ tim không có vấn đề gì sau đó. Một số trường hợp hiếm, việc gắng sức hoặc thuốc làm tăng nhịp tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim. Thuốc tăng nhịp tim thỉnh thoảng có thể làm cho bệnh nhân “khò khè”, nguy cơ này sẽ cao hơn nếu bạn đã bị hen suyễn hay có bệnh lý ở phổi trước đó.

Thuật ngữ “phóng xạ” có thể gây lo lắng. Nhưng các chất phóng xạ dùng trong xạ hình được xem là an toàn và chúng được thải ra ngoài nhanh chóng qua nước tiểu. Cơ thể bạn nhận một liều phóng xạ rất nhỏ. Trong nhiều trường hợp, mức độ phóng xạ không khác biệt nhiều so với một vài kỹ thuật có dùng tia X. Tuy nhiên:

  • Cũng như các loại tia xạ khác (như tia X), tia gamma có nguy cơ nhỏ tác động lên thai nhi. Vì vậy, báo với bác sĩ của bạn nếu đang đang mang thai hoặc có thể mang thai.
  • Trong trường hợp hiếm gặp, một vài người có phản ứng dị ứng với thuốc được tiêm vào.
  • Trên lý thuyết, có thể bị quá liều khi tiêm thuốc. Trường hợp này rất hiếm.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/myocardial-perfusion-scan

Biên dịch - Hiệu đính

Ths.BS. Nguyễn Đức Lộc - BS. Lâm Xuân Nhã
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Yếu tố đông máu

(18)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm nồng độ các yếu tố đông máu (Xét nghiệm yếu tố đông máu)Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm yếu tố ... [xem thêm]

Tìm kháng thể kháng màng đáy cầu thận

(94)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm tìm kháng thể kháng màng đáy cầu thận (anti-GBM).Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu/Quan sát tế bào mô của phổi hoặc thận dưới ... [xem thêm]

C-peptide

(45)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm C – peptide (Liên kết peptide insulin/Imsulin C-peptide/Proinsulin C-peptide)Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm ... [xem thêm]

Chụp CT cột sống thắt lưng cùng

(12)
Tên kĩ thuật y tế: Chụp CT cột sống thắt lưng cùngBộ phận cơ thể/Mẫu thử: Cột sốngTìm hiểu chungChụp CT cột sống thắt lưng cùng là gì?Chụp cắt lớp ... [xem thêm]

Sinh thiết vú

(36)
Tên kỹ thuật y tế: Sinh thiết vúBộ phận cơ thể/Mẫu thử: VúTìm hiểu chungSinh thiết vú là gì?Sinh thiết vú là gì? Đây là kỹ thuật lấy mô tế bào vú và ... [xem thêm]

Coombs gián tiếp

(28)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm Coombs gián tiếp/Xét nghiệm kháng globutin gián tiếp (IAT)Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm Coombs gián tiếp ... [xem thêm]

Hỏi bệnh sử và khám thực thể đau phần lưng dưới

(35)
Tên kỹ thuật y tế: Bệnh sử và khám thực thể đau phần lưng dướiBộ phận cơ thể/mẫu thử: lưng dướiĐịnh nghĩaHỏi bệnh sử và khám thực thể đau ... [xem thêm]

Nội soi phế quản (Bronchoscopy)

(67)
Lưu ý: Nội soi phế quản còn được gọi là nội soi khí phế quản, nội soi thanh khí phế quản. Những thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn chung. Việc ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN