Dạy con nên người luôn là trăn trở và trách nhiệm của bậc làm cha mẹ. Với 4 bước sau, bạn sẽ tìm ra cách để dạy trẻ những bài học đạo lý hiệu quả vô cùng.
Dạy con những bài học về đạo làm người là một hành trình dài mà bố mẹ cần phấn đấu để con trẻ thấm nhuần dần những giá trị đạo đức. Những bài học về đạo đức mà trẻ học từ khi còn bé sẽ ảnh hưởng đến nhân sinh quan, cách nhìn của con về cuộc đời, thế giới lẫn hành vi, cách cư xử sau này khi con lớn lên. Trong khi rất khó để giải thích cho con tầm quan trọng của tính trung thực hay lòng trắc ẩn, chỉ ra cho con thấy cái cách mà những đức tính tốt ấy biểu hiện và ảnh hưởng ra sao đến người khác lại là cách dễ tác động đến trẻ và bé sẽ dễ dàng thấu hiểu hơn.
Bước 1: Định nghĩa hay giảng giải những giá trị đạo đức mà bạn cảm thấy quan trọng nhất
Trong khi mỗi bậc cha mẹ đều muốn con trở thành đứa trẻ trung thực, thật thà, tốt bụng, có trách nhiệm, tử tế nhưng trái lại cái nhìn và sự hiểu biết của trẻ về giá trị của những đức tính ấy lại rất mơ hồ và khiến trẻ hoài nghi.
Bạn cần đưa ra danh sách các giá trị đạo đức theo thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới và dạy trẻ chỉ một đức tính tốt cho một khoảng thời gian nhất định hay trong 1 lần nhất định. Trẻ con rất hay quên và bị quá tải nếu phải tiếp nhận quá nhiều điều trừu tượng khó hiểu.
Ví dụ, mỗi tháng, bạn chọn một chủ điểm về đạo lý và tạo cơ hội thích hợp để trẻ học hỏi được tầm quan trọng của khía cạnh đạo đức đó.
Bước 2: Khuyến khích trẻ tự nhận định, giải quyết tình huống và quyết định đúng – sai
Bạn cần tạo cơ hội để trẻ dùng chính suy nghĩ, cảm xúc, trách nhiệm của mình trước mỗi sự việc trong đời sống. Chẳng hạn, đưa ra tình huống bạn lấy đồ chơi của trẻ nhưng không nói gì, thì con sẽ phải làm sao? Hay chứng kiến cảnh một bạn của con bị bắt nạt, con sẽ xử trí thế nào?
Việc tự trẻ đưa ra quyết định sẽ giúp con nhớ lâu hơn bài học về những đạo lý làm người vì chúng do chính con tạo nên (nhưng dưới sự hướng dẫn của bố mẹ).
Bước 3: Lý giải, phân tích những hệ quả tất yếu sẽ xảy ra cho mỗi lựa chọn đúng – sai của trẻ
Điều này sẽ dạy trẻ biết nhìn nhận lại sự việc, sống có trách nhiệm cho mỗi hành động mình đã gây ra, để con thấy được hệ quả nhận được sau mỗi hành vi của mình. Người lớn có thể hiểu đó gọi là “luật nhân quả” nhưng đối với trẻ, khái niệm trừu tượng đó con ắt hẳn sẽ không thể hiểu được.
Thay vì giảng giải lý thuyết, hãy chỉ cho bé thấy điều thực tế. Ví dụ, nếu con tiếp tục cãi nhau hay gây chiến với bạn một cách vô lý, một ngày nào đó bạn sẽ rời bỏ và không còn chơi với con nữa. Hay sẽ ra sao nếu con bị phát hiện mình đã nói dối và sau này bạn bè không còn ai tin con nữa?
Bước 4: Làm gương và nêu gương sáng cho trẻ noi theo khi muốn dạy con nên người
Trẻ em là độ tuổi mà con học hỏi và bắt chước rất nhanh những gì chúng nhìn thấy mỗi ngày. Nếu bản thân bạn làm những điều sai trái trong khi lại dạy con những đạo lý làm người thì trẻ khó học hỏi. Hoặc bạn đưa ra những thông điệp không rõ ràng, mập mờ thì trẻ cũng khó có thể tiếp thu và hiểu.
Người lớn thường thất hứa với trẻ và nghĩ rằng con không biết điều đó nhưng sự thật ngược lại. Trẻ con hiểu rõ và ghi nhớ rất nhanh. Khi đó, con sẽ hiểu rằng, thất hứa cũng sẽ không sao. Vì vậy, bạn cần giữ lới hứa với trẻ. Đặc biệt, thể hiện lòng trắc ẩn và tình thương bằng cách dành thời gian mỗi ngày để lắng nghe con, lắng nghe mọi người trong gia đình. Trẻ sẽ học hỏi từ bạn và đối đãi với những người xung quanh như cách mà bạn đã làm với trẻ.
Đây là 4 bước cơ bản mà bạn có thể sẽ cần đến trên hành trình dạy con nên người. Trẻ nhỏ là giai đoạn con đang phát triển và hình thành nhận thức. Do đó, thay vì lơ đi những biểu hiện lệch lạc của trẻ, bạn cần đặt những quy tắc cụ thể để rèn luyện lối sống kỷ luật cho con, giúp con phục tùng theo lý trí và lẽ phải.