Hiến thận là nghĩa cử cao đẹp nhưng bạn luôn cần cân nhắc thật kỹ đồng thời phải biết nên làm gì sau khi hiến thận để duy trì cơ thể khỏe mạnh nhé!
Một số người vì điều kiện kinh tế mà nghĩ đến việc bán thận, một số vì muốn cứu sống người thân và hiến thận. Dù là vì nguyên nhân gì thì việc sống với một quả thận cũng có những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Vậy vấn đề bạn có thể phải đối mặt sau hiến thận là gì?
Nguy cơ lâu dài của hiến thận
Bạn có thể có vết sẹo từ phẫu thuật hiến thận, kích thước và vị trí của vết sẹo sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật bạn đã thực hiện. Một vài người hiến thận có thể bị đau kéo dài, tổn thương thần kinh, thoát vị hay tắc ruột. Tuy nhiên, những nguy cơ trên rất hiếm và không có con số thống kê chính xác về tần số của các vấn đề trên.
Bên cạnh đó, những người chỉ có một thận có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đạm niệu, hay giảm chức năng thận. Dù vậy, những người hiến thận có thể không gặp vấn đề gì nếu được thăm khám kỹ càng trước khi hiến thận và theo dõi định kỳ sau khi hiến thận theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu bạn muốn hiến thận thì dưới đây là những lời khuyên giúp bạn giữ được sức khỏe sau khi phẫu thuật và những năm tiếp theo trong cuộc đời.
Cách giữ gìn sức khỏe sau khi hiến thận
1. Cho phép bản thân nghỉ ngơi
Hầu như mọi cuộc phẫu thuật hiến thận đều được bác sĩ cho rằng đây là phẫu thuật ít xâm lấn và chỉ cần một vài đường cắt nhỏ. Hơn nữa, bạn sẽ hồi phục nhanh hơn và ít đau đớn hơn so với các cuộc đại phẫu nhiều. Nhưng dù thế, hãy sắp xếp kế hoạch công tác của bạn để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Bác sĩ ghép thận cho biết rằng bạn sẽ còn đau vết thương trong khoảng hơn một tuần sau phẫu thuật. Vì thế, bạn có thể làm việc trở lại sau 10 đến 14 ngày. Nếu công việc của bạn yêu cầu về thể lực như công nhân xây dựng chẳng hạn, tốt hơn hết bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần. Đừng mang vác nặng, kể cả bế con bạn trong tháng đầu tiên nhé.
2. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ
Bác sĩ phẫu thuật sẽ lên lịch theo dõi cho bạn sau khi hiến thận và thường sẽ hẹn bạn tái khám sau vài tuần. Hãy nhớ việc tái khám rất quan trọng, bạn không nên trì hoãn hay bỏ qua.
Bạn cũng nên khám bác sĩ mỗi năm một lần. Các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra chức năng thận của bạn. Đồng thời bạn sẽ được tầm soát đái tháo đường, tăng huyết áp, những bệnh có thể gây hại cho thận. Nếu bạn thấy máu trong nước tiểu hay sưng phù bất thường, nhất là từ mắt cá chân đến cẳng chân, bạn nên đến khám bác sĩ ngay. Đó là những dấu hiệu cho thấy thận của bạn đang không hoạt động tốt.
3. Duy trì lối sống lành mạnh
Nếu muốn đảm bảo sức khỏe sau khi hiến thận, bạn nên lưu ý những điều sau đây để duy trì lối sống lành mạnh:
- Hạn chế bia rượu: Uống nhiều hơn hai ly bia một ngày sẽ đủ để hại thận của bạn, đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác như tăng huyết áp.
- Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá phá hủy mọi cơ quan trong cơ thể bạn, bao gồm cả thận.
- Cẩn trọng khi sử dụng thuốc: Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc bạn uống, đặc biệt là các thuốc tự mua ở quầy thuốc hay các thực phẩm bổ sung. Một số loại thuốc rất thông dụng như thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs), có thể tăng gánh nặng cho thận nếu bạn sử dụng liều cao hay thường xuyên.
- Ăn uống khỏe mạnh: Bạn không cần phải theo sát một chế độ ăn đặc biệt, cho dù bạn mới phẫu thuật xong. Ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ đái tháo đường và tăng huyết áp. Từ đó, thận của bạn cũng sẽ khỏe mạnh hơn. Một vài bác sĩ cho rằng những người hiến thận nên tránh ăn quá nhiều chất đạm, đặc biệt là đạm bổ sung hay bột đạm, bởi vì dư đạm sẽ khiến thận bạn làm việc “vất vả” hơn.
- Uống nước đầy đủ: Nước không thể thiếu để thận hoạt động trơn tru.
- Tránh môn thể thao hoạt động mạnh: Không phải lúc nào chơi các môn thể thao như bóng đá, võ thuật cũng có thể gây chấn thương và tổn hại đến thận của bạn, nhưng bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi chơi.
Sự xáo trộn cảm xúc sau khi hiến thận
Bác sĩ Taber cho rằng hiến thận là một nghĩa cử cao đẹp. Bạn nên biết rằng khi giúp đỡ một người nào đó được sống, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời tuyệt vời hơn. Tuy nhiên, cũng dễ hiểu khi bạn cảm thấy hơi buồn bã trong vài tuần sau hiến thận. Các bác sĩ, y tá khi còn trong bệnh viện sẽ chăm sóc bạn thật chu đáo trên giường bệnh. Nhưng sau khi bạn về nhà, bạn sẽ thấy cô độc vì mọi chuyện phải dựa vào chính mình. Điều đó khiến bạn thấy có chút khó khăn.
May mắn là cảm xúc ấy chỉ thoáng qua thôi. Nếu bạn thật sự buồn hay thậm chí căng thẳng lo âu, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh nhé, hãy liên hệ với bác sĩ để có được những lời khuyên hữu ích. Hiến thận là một cuộc phẫu thuật lớn. Vì thế, bạn có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào về các vấn đề bạn quan tâm với bác sĩ của bạn.
Hiến thận là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng sẽ là điều tồi tệ nếu điều đó gây hại cho cả hai bên cho và nhận. Vì vậy, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng và đánh giá chức năng thận trước khi hiến thận là biện pháp tốt nhất để tránh những điều đáng tiếc xảy ra bạn nhé.