Tình trạng ngộ độc thực phẩm khi mang thai ngày nay đã không còn xa lạ đối với các mẹ bầu. Không ít trường hợp mẹ bầu bị ngộ độc do ăn uống không đúng cách.
Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn luôn xảy ra, tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng có kiến thức về vấn đề này. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thai kỳ ảnh hưởng như thế nào với mẹ bầu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Tại sao an toàn thực phẩm lại quan trọng trong thai kỳ?
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của bạn thay đổi nhằm bảo vệ thai nhi đang phát triển. Điều này có thể làm cho bạn dễ nhạy cảm với các loại vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.
Nếu bị ngộ độc thực phẩm, bạn sẽ có triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh và cảm thấy không khỏe. Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn bị ngộ độc thực phẩm khi đang mang thai.
Ở Việt Nam, mầm bệnh thường gặp nhất là nhóm vi khuẩn Salmonella bao gồm salmonella typhi (gây sốt thương hàn), vibrio cholerae (gây bệnh tả), escherichia coli, campylobacter, staphylococcus aureus, baccilus cereus và vibrio parahaemolyticus. Các virus như rotavirus và norovirus cũng gây ngộ độc thực phẩm nếu bạn dùng thức ăn khi tay bẩn.
Thức ăn thừa cũng có thể khiến bạn ngộ độc thực phẩm khi mang thai
Một trong những nguyên chân chính khiến thức ăn bị ôi thiu là vi khuẩn Campylobacter. Nó có thể sống hàng giờ trên bếp và rất dễ lây lan, đặc biệt có rất nhiều trên thịt gà sống và dễ gây ngộ độc với lượng rất thấp. Bạn có thể hình dung là hàng chục nghìn con vi khuẩn Salmonella mới gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột thì chỉ cần 500 con Campylobacter đã khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm.
Vậy bạn phải làm sao để sau khi ăn, vi khuẩn này không ảnh hưởng đến phần ăn mà bạn để cho ngày mai? Đầu tiên, bạn cần để thức ăn nóng nguội bớt đi rồi mới cất vào tủ lạnh.
Lưu ý là đừng bao giờ để thức ăn còn nóng vào tủ lạnh bạn nhé! Nhiệt độ tỏa ra từ đồ ăn sẽ khiến khoang tủ lạnh ấm hơn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Thay vào đó, bạn nên bọc bên ngoài thức ăn thừa, để chúng nguội đến khoảng nhiệt độ phòng (không hơn 4 tiếng) rồi hãy cất vào tủ lạnh.
Sau khi đã nấu chín thức ăn, bạn chỉ nên hâm thức ăn 1 hoặc 2 lần vì hâm lại càng nhiều thì thức ăn càng kém hấp dẫn và mất dần chất dinh dưỡng.
Mẹ bầu làm thế nào để sử dụng thực phẩm an toàn trong thai kỳ?
Bàn tay của chúng ta có thể bị bẩn và nhiễm mầm bệnh từ nhà vệ sinh, thùng rác hoặc từ nhiều nguồn khác bên ngoài nhà. Các loại mầm bệnh này có thể làm cho thực phẩm bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, trước, trong và sau khi chuẩn bị bữa ăn, bạn hãy rửa tay đúng cách để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên rửa tay sau khi xử lý thịt và cá sống, vì có thể lây lan mầm bệnh từ chúng sang các loại thực phẩm vô trùng khác. Hiện tượng này gọi là lây nhiễm chéo. Tốt nhất bạn nên rửa kỹ thịt bằng nước sôi và muối trước khi nấu để tránh làm lây nhiễm vi khuẩn lên trên tay, quần áo và dụng cụ nấu ăn.
Sau khi rửa tay, hãy làm khô tay thật kỹ và sạch vì vi khuẩn sẽ lây lan dễ dàng hơn nếu tay của bạn bị ướt. Bạn lau khô tay bằng khăn tay sạch hoặc khăn bếp, đừng dùng khăn lau chén đĩa.
Ngoài ra, bạn cũng không nên xử lý thức ăn khi có các vấn đề về dạ dày như tiêu chảy và nôn ói. Nếu bạn bắt buộc phải nấu nướng khi đang bệnh, hãy sử dụng khăn nhà bếp để lau khô tay hoặc sử dụng một chiếc khăn dành riêng cho bạn khác với các thành viên trong gia đình. Hãy thường xuyên giặt và sát trùng khăn ở nhiệt độ 60°C trở lên để diệt vi khuẩn. Trong trường hợp có các vết loét trên tay, bạn hãy giữ cho da sạch sẽ và bảo vệ bằng băng không thấm nước.
Ngộ độc thực phẩm khi mang thai sẽ để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng cho mẹ và bé. Hy vọng rằng những thông tin bổ ích trên sẽ giúp mẹ bầu có những tháng thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé!