Mầm bệnh có ở mọi nơi xung quanh trẻ em, ngoài đường, trường học và cả ở nhà. Bất cứ khi nào con của bạn cũng có thể bị ốm và cần đến sự chăm sóc của bố mẹ. Bố mẹ cần trang bị kiến thức để giúp con phòng ngừa và chữa trị.
Từ khi sinh ra đến khi lớn lên, không một đứa trẻ nào không ốm đôi lần. Khi trẻ ốm, bố mẹ thường rất lo lắng. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng, bệnh không hẳn là hoàn toàn xấu, đây là cơ hội để kích hoạt hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ phòng chống bệnh tật sau này. Dưới đây là 9 căn bệnh thông thường mà trẻ hay bị mắc phải, cách phòng ngừa và điều trị.
Cảm lạnh và cúm
Chắc hẳn các bậc phụ huynh không còn xa lạ gì với bệnh cảm lạnh thông thường ở trẻ. Hằng năm, các trường mầm non và tiểu học luôn phải đối mặt với việc trẻ mắc phải căn bệnh này. Triệu chứng của bệnh: đau họng, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, và mệt mỏi. Bệnh có thể kéo dài trong một vài ngày đến hai tuần.
Bệnh lây qua tuyến nước bọt khi người bị bệnh hắt hơi. Trẻ cũng lây cảm lạnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với bạn bè đang có dấu hiệu bị bệnh hoặc tiếp xúc vào các bề mặt không sạch sẽ như đồ chơi hoặc bàn ghế lớp học – và sau đó chạm vào khuôn mặt của mình, đặc biệt là miệng hay mắt.
Phòng ngừa: Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là bố mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng ngừa cúm hàng năm. Bạn cũng có thể làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm của trẻ bằng cách dạy con mình rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Trẻ em cũng nên được hướng dẫn để tránh tiếp xúc gần gũi người bị bệnh và dùng chung thực phẩm, đồ dùng với người khác, đồng thời không đưa tay hay các vật dụng khác vào miệng để giữ vệ sinh.
Điều trị: Trong khi không có thuốc chữa trị đặc hiệu cho cảm lạnh, bố mẹ có thể làm cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn bằng cách cho trẻ uống các loại thuốc có chứa Acetaminophen (như Paracetamol, Panadol) giúp giảm đau, hạ sốt. Bé phải được nhắc uống nhiều nước và dùng nước muối súc miệng thường xuyên để giảm bớt cơn đau họng.
Nếu triệu chứng cảm lạnh kèm theo sốt cao, đau nhức cơ bắp nặng, kiệt sức thì hãy đưa ngay bé đến trung tâm y tế để chữa trị, bố mẹ nhé.
Tay-chân-miệng
Bệnh tay-chân-miệng là một bệnh phổ biến do virus gây nên, ảnh hưởng trực tiếp ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi. Triệu chứng bao gồm sốt, loét miệng, phát ban da .
Virus gây bệnh tay-chân-miệng truyền trong nước bọt, dịch nhầy mũi, phân, và chất dịch từ vết rộp miệng của người bị nhiễm bệnh. Con bạn sẽ nhiễm bệnh nếu trong quá trình chơi đã chạm vào người bệnh hay chạm vào bất cứ thứ gì có chứa virus này.
Phòng ngừa: Thường xuyên rửa tay sạch sẽ để giúp ngăn chặn sự lây lan từ bàn tay, bàn chân và miệng. Con bạn cũng nên tránh tiếp xúc hoặc gần thực phẩm và đồ dùng với những đứa trẻ khác. Nếu một đứa trẻ bị nhiễm bệnh đã từng đến nhà của bạn thì hãy rửa đồ chơi và các bề mặt trong gia đình nơi mà virus có khả năng bám vào. Sau đó, tẩy trùng nhà bằng cách sử dụng 1 muỗng canh thuốc tẩy vào 4 chén nước.
Điều trị: Hiện tại không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh tay-chân-miệng mà chỉ có cách làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh bằng thuốc có chứa acetaminophen để giảm đau và sốt. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng loại nước súc miệng thuốc giảm đau và thuốc xịt để làm tê khi miệng đau nhiều. Trường hợp các triệu chứng nặng thêm hoặc bé xuất hiện các dấu hiệu như giật mình, quấy khóc nhiều thì bạn nên liên hệ ngay bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là một bệnh do kích thích mắt và kết mạc mắt. Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa, rát, đỏ, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, và xuất hiện nhiều ghèn trên mi mắt.
Bệnh này lây lan từ virus, vi khuẩn, các chất gây dị ứng, hoặc các chất kích thích. Trẻ em rất dễ bị bệnh vì rất hay dụi mắt sau khi chơi hay sờ vào các bề mặt bị ô nhiễm.
Phòng ngừa: Để bảo vệ trẻ và bản thân mình, tất cả chúng ta hãy rèn luyện thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, bẹn nên sử dụng một chất khử trùng tay có chất cồn. Tuyệt đối không cho phép trẻ em dùng chung khăn, gối, khăn lau mặt, hoặc các mặt hàng khác với người bị nhiễm bệnh, bố mẹ nhé. Nếu ai đó trong gia đình có đau mắt đỏ, bạn hãy giặt rửa vỏ gối, khăn trải giường, khăn lau mặt và khăn tắm trong nước nóng và xà phòng để tránh lây bệnh.
Điều trị: Viêm kết mạc nhẹ thường được chữa trị ngay tại nhà. Nhỏ nước muối và dùng khăn lạnh có thể giúp làm giảm tình trạng khô và viêm. Nếu con bạn bị đau mắt, sốt và giảm thị lực, đau đầu hoặc đỏ dữ dội, hoặc mắt trở nên đau trầm trọng hơn trong một vài ngày thì phụ huynh nên đưa bé tới ngay trung tâm y tế để được chữa trị kịp thời.
Nhiễm trùng tai (không lây nhiễm)
Hầu hết trẻ em dưới 2 tuổi đều có ít nhất một lần nhiễm trùng tai giữa. Cảm lạnh hoặc dị ứng có thể khiến các vi khuẩn phát triển trong tai giữa của trẻ, làm nghẽn vòi eustachian – vòi kết nối tai giữa với họng. Điều này có thể gây đau, sốt và đôi khi ù tai.
Phòng ngừa: Để giảm nguy cơ nhiễm trùng tai, con bạn nên được giữ một khoảng cách an toàn với những người bị bệnh và rửa tay thường xuyên. Những nơi có khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai. Và bạn nên lưu ý không để cho trẻ uống nước trong chai khi đang nằm vì trẻ có thể bị sặc và nước chảy vào tai.
Điều trị: Nếu con bạn bị đau và sốt do nhiễm trùng tai, bạn nên cho bé uống Acetaminophen để giảm đau. Trẻ cũng có thể cần thuốc kháng sinh. Hầu hết các triệu chứng nhiễm trùng tai biến mất trong một vài ngày sau khi thuốc kháng sinh bắt đầu phát huy tác dụng.
Giun kim
Bạn hãy đưa bé đi khám bác sĩ nếu nhận thấy bé ngứa và gãi mông thường xuyên vào buổi sáng, vì có thể trẻ đã bị nhiễm giun kim.
Việc vệ sinh kém là nguyên nhân chính gây ra bệnh giun kim. Đó là những quả trứng di chuyển xuống các hệ thống tiêu hóa, nở, và đẻ trứng quanh hậu môn. Bệnh gây ngứa ngáy và khó chịu ở khu vực hậu môn. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bé băng đặc biệt để dán vào ban đêm nhằm kết dính trứng của giun. Chỉ cần một hoặc hai liều thuốc xổ giun là bé sẽ khỏi hẳn. Bạn cần giặt khăn và bộ đồ của con trong nước nóng.
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi hiếm khi mắc giun kim do cơ hội tiếp xúc với nguồn bệnh không nhiều.
Phòng ngừa: Vệ sinh cho bé sạch sẽ là lời khuyên tốt nhất dành cho các bố mẹ.
Điều trị: Đưa trẻ đến ngay bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân chính xác và cách trị hợp lý. Thuốc kháng sinh có thể giúp bé trong trường hợp này.
Cúm dạ dày
“Cúm dạ dày”là tên gọi nôm na của bệnh viêm đường tiêu hóa hay viêm dạ dày – ruột, một tình trạng bệnh lý mà khi đó lớp niêm mạc dạ dày hay đường ruột bị tấn công bởi một loại virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng nào đó. Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, tiêu chảy, sốt và nôn mửa, đồng thời cũng có thể bao gồm phát ban. Bệnh lây lan do tiếp xúc gần với người bị bệnh hoặc do ăn thực phẩm bị nhiễm loại vi trùng đó.
Phòng ngừa: Cố gắng giữ khoảng cách cho con bạn với người bệnh. Hãy luôn nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đồng thời dặn con tránh chia sẻ thức ăn và đồ dùng với những đứa trẻ đang mắc bệnh cũng như không đưa tay vào miệng, bố mẹ nhé!
Điều trị: Không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh “cúm dạ dày”. Uống nhiều nước để ngừa thiếu nước do tiêu chảy, nghỉ ngơi, tránh các thức ăn nhiều gia vị và thực phẩm chiên hay chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn như gelatin, bánh mì nướng, bánh quy giòn, gạo, hoặc chuối lúc đầu cũng là những mẹo hay giúp mau lành bệnh. Bạn có thể cho bé dùng thêm probiotic để tăng các vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột. Sau đó, cho bé quay trở lại chế độ ăn uống bình thường nhưng với lượng ít hơn. Trường hợp bé thường xuyên nôn mửa hoặc tiêu chảy thì hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và chữa trị.
Bệnh má đỏ
Bệnh do một loại virus gây ra những vùng đỏ đặc trưng trên hai má trẻ – khiến bé trông như vừa bị ai đó tát mạnh vào má (do đó, tên tiếng Anh của căn bệnh này là Slapped cheek disease (bệnh má đỏ).
Bệnh má đỏ phổ biến nhất vào mùa đông và mùa xuân. Nó thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, nhức đầu, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Nhưng các triệu chứng chính là nổi mẩn đỏ tươi bắt đầu trên má và lan đến thân, tay và chân. Nguyên nhân chính là do virus Parvo B19 – một loại virus có thể gây ra các triệu chứng giống với cảm lạnh trước khi nổi lên những vệt phát ban. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ từ 3-15 tuổi. Dù vậy, trẻ nhỏ hơn và cả người lớn (nếu chưa từng tiếp xúc với bệnh trước đó) cũng có thể mắc bệnh.
Bệnh lây truyền qua qua nước bọt, đờm, và chất nhầy mũi.
Phòng ngừa: Bệnh lây nhiễm nhiều nhất trong giai đoạn “nghẹt mũi”, trước khi con bạn bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khác của bệnh, vì vậy rất khó để ngăn chặn. Cách bảo vệ tốt nhất là tránh tiếp xúc với những trẻ bị ho và hắt hơi, thường xuyên rửa tay – đặc biệt là trước khi chạm vào mắt, mũi hay miệng.
Điều trị: Bệnh má đỏ thường là nhẹ và không cần điều trị so với các bệnh còn lại. Nếu cần thiết, Acetaminophen hoặc thuốc chống ngứa có thể giúp giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, virus Parvos B19 từ bệnh nhân có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu hay thiếu máu mãn tính, hoặc ở những phụ nữ đang mang thai.
Bệnh chàm Eczema (bệnh không lây nhiễm)
Bệnh chàm Eczema hay còn gọi là bệnh viêm da dị ứng, ảnh hưởng đến 1/10 trẻ sơ sinh và trẻ em. Các triệu chứng có thể bắt đầu trước thôi nôi của bé. Eczema thường gây các triệu chứng như bị phát ban ngứa trên mặt, khuỷu tay, đầu gối hoặc có thể lây lan sang các khu vực khác bao gồm cả da đầu và phía sau tai. Bệnh có thể khỏi nhanh chóng nhưng cũng có nguy cơ tái phát cao.
Gen và các yếu tố môi trường – chẳng hạn như các loại thực phẩm, phấn hoa, bụi, lông động vật – được cho là gây ra bệnh chàm. Trẻ em bị chàm có nguy cơ gia tăng các bệnh dị ứng và hen suyễn.
Phòng ngừa: Bạn không thể giữ cho con không bị bệnh chàm nhưng bạn có thể ngăn chặn bệnh này ngay từ đầu. Da khô là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của bệnh vì vậy hãy luôn giữ cho da bé có độ ẩm tốt bằng việc sử dụng xà phòng tắm thích hợp. Bố mẹ nên cho bé mặc các loại trang phục mềm, dễ vận động, đồng thời nên tránh dùng xà phòng thơm hoặc thuốc nước cũng như phòng tắm bong bóng vì chúng có thể gây kích ứng da. Nhận ra dấu hiệu của nhiễm trùng da và chữa trị sớm là điều cần thiết.
Điều trị: Bạn nên thường xuyên tắm mát cho trẻ để có thể giúp con bớt ngứa. Bác sĩ có thể kê toa điều trị, nếu cần thiết. Những thuốc có hiệu quả bao gồm các loại kem Corticosteroid hoặc thuốc mỡ, thuốc thoa tại chỗ, thuốc kháng Histamine để giảm ngứa và kháng sinh uống hoặc thoa cho bệnh nhiễm trùng.
Virus hợp bào hô hấp (RSV)
RSV hay virus hợp bào hô hấp là một loại virus rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hầu hết tất cả trẻ em đều sẽ bị nhiễm RSV ở độ tuổi từ 2-3.
Các triệu chứng của RSV mới đầu có thể giống như bệnh cảm cúm, gồm các triệu chứng sốt, sổ mũi…
Các biểu hiện này có thể nặng hơn sau khi virus vào phổi: ho sâu hơn và ho nhiều hơn, khó thở, có cả tiếng khò khè (tiếng rít) và thở nhanh, môi hoặc móng tay tím, mất nước, khó bú mẹ hoặc khó bú bình.
Phòng ngừa: Bố mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh của con bằng cách:
- Rửa tay sạch bằng cồn sát trùng hoặc bằng nước ấm và xà phòng trước khi chạm vào con;
- Nếu thành viên nào trong gia đình đang bị cảm cúm hoặc bị sốt, người đó tuyệt đối không hôn trẻ;
- Không cho trẻ tiếp xúc với bất cứ ai có các triệu chứng cảm cúm hoặc sốt;
- Tránh cho trẻ đến những nơi đông người như những nơi giữ trẻ, các khu phố buôn bán đông đúc, tụ họp gia đình đông đúc, v.v…
- Không hút thuốc khi ở gần trẻ. Cấm hút thuốc trong nhà.
Điều trị: Việc điều trị cho con sẽ chính xác và hợp lý hơn nếu bạn đưa trẻ đến trung tâm y tế kịp thời.
Với cách phòng và điều trị 9 căn bệnh mà trẻ em thường hay gặp nhất được chia sẻ ở trên, bố mẹ sẽ có đầy đủ mọi thông tin cần thiết để bảo vệ con yêu khỏi những triệu chứng bệnh, giúp con luôn mạnh khoẻ và phát triển toàn diện.
Về cơ bản, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh dù bạn có bảo bọc con tốt đến đâu. Việc này tương tự như bạn đang chiến đấu trong thất bại? Không hẳn. Bố mẹ càng được trang bị kiến thức vững vàng, con cái sẽ càng mạnh khoẻ, ít bệnh, mà nếu có bệnh thì bé cũng sẽ khỏi nhanh thôi.