Tại sao nên làm các xét nghiệm khi mang thai?
Theo khuyến cáo, tất cả các phụ nữ mang thai nên làm một số xét nghiệm như một phần của việc chăm sóc trước sinh thường quy. Các xét nghiệm này có thể giúp phát hiện những vấn đề có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả mẹ lẫn thai nhi.
Các xét nghiệm nào được thực hiện trong giai đoạn sớm của thai kì?
Các xét nghiệm dưới đây nên được thực hiện trong giai đoạn sớm của thai kì:
- Công thức máu
- Nhóm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Cấy nước tiểu
- Rubella
- Viêm gan B và viêm gan C
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)
- HIV
- Lao
Công thức máu là gì và kết quả cho biết điều gì?
Công thức máu là xét nghiệm đánh giá số lượng các loại tế bào khác nhau có trong máu. Số lượng hồng cầu cho biết thai phụ có bị thiếu máu hay không và mức độ thiếu máu như thế nào. Số lượng bạch cầu cho biết có bao nhiêu tế bào miễn dịch có trong máu và số lượng tiểu cầu có thể cho biết liệu thai phụ có vấn đề gì với chức năng đông máu hay không.
Xét nghiệm nhóm máu và ý nghĩa?
Xét nghiệm nhóm máu cho biết thai phụ có yếu tố Rh hay không. Yếu tố Rh là một protein hiện diện trên bề mặt hồng cầu. Đa số mọi người đều có yếu tố Rh, còn gọi là Rh dương. Một số người không có yếu tố Rh, còn gọi là Rh âm. Nếu thai nhi có Rh dương còn mẹ Rh âm, cơ thể mẹ sẽ hình thành nên các kháng thể kháng lại yếu tố Rh. Và ở lần mang thai tiếp theo, những kháng thể này có thể gây tan máu thai nhi.
Xét nghiệm nước tiểu và ý nghĩa?
Xét nghiệm nước tiểu nhằm phát hiện hồng cầu (nếu có bệnh lý ở đường tiết niệu), bạch cầu (nếu có nhiễm trùng đường tiết niệu), và đường niệu (nồng đồ cao có thể là dấu hiệu của đái tháo đường). Lượng protein cũng được định lượng. Nên có sự theo dõi và so sánh nồng độ protein trong nước tiểu trong giai đoạn sớm của thai kì và các giai đoạn sau đó. Nồng độ protein cao có thể là một dấu hiệu của tiền sản giật, một tai biến nghiêm trọng thường xảy ra trong giai đoạn sau của thai kì hoặc sau khi sinh.
Cấy nước tiểu và ý nghĩa?
Cấy nước tiểu là xét nghiệm để tìm vi khuẩn có trong nước tiểu, đây có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Rubella và kết quả xét nghiệm cho biết điều gì?
Rubella (thường gọi là sởi Đức) có thể gây dị tật bẩm sinh nếu phụ nữ bị nhiễm trong quá trình mang thai. Xét nghiệm máu để kiểm tra liệu tiền sử thai phụ đã từng bị nhiễm rubella hay đã tiêm vắc xin chủng ngừa bệnh này hay chưa. Nếu chưa từng mắc rubella trước đó hay chưa tiêm vắc xin, thai phụ nên tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh trong quá trình mang thai vì có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu chưa tiêm vắc xin, thai phụ nên tiêm sau khi sinh, ngay cả khi đang cho con bú. Không nên tiêm vắc xin ngừa rubella trong khi mang thai.
Xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C và ý nghĩa?
Virus viêm gan B và virus viêm gan C thường gây tổn thương gan. Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B hay C có thể lây truyền cho thai nhi. Tất cả thai phụ nên xét nghiệm có nhiễm viêm gan B hay không. Nếu thuộc nhóm nguy cơ, thai phụ cũng nên làm thêm xét nghiệm viêm gan C.
Các xét nghiệm STI nào được thực hiện ở phụ nữ mang thai?
Tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm lậu cầu và chlamydia trong giai đoạn sớm của thai kì. Lậu cầu và chlamydia có thể gây biến chứng cho cả mẹ và thai. Nếu bị nhiễm 1 trong 2, thai phụ sẽ được điều trị trong suốt quá trình mang thai và sau đó sẽ được xét nghiệm lại để đánh giá kết quả điều trị. Nếu có nguy cơ bệnh lậu (