Tuy HAV, HBV, HCV (virus viêm gan A, B, C) là 3 loại phổ biến nhất của viêm gan siêu vi (VGSV), nhiều bác sĩ trước đây xem 2 giai đoạn cấp và mạn của viêm gan như là các loại của VGSV.
HAV (virus viêm gan A) được xem như viêm gan siêu vi cấp vì nhiễm HAV hiếm khi gây tổn thương gan vĩnh viễn và suy gan. HBV và HCV gây viêm gan mạn. Tuy nhiên, các thuật ngữ này hiện nay được xem là lỗi thời và không được dùng nhiều vì tất cả virus gây viêm gan đều có thể có những triệu chứng cấp tính. Các biện pháp phòng ngừa và vaccine đã giảm tỉ lệ mắc VGSV rất nhiều.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống bệnh dịch của Mỹ (CDC), ở Mỹ hiện vẫn có từ 800.000 tới 1,4 triệu người nhiễm HBV mạn và khoảng 2,9 đến 3,7 triệu trường hợp nhiễm HCV mạn. Không có thống kê đầy đủ về tỉ lệ mắc bệnh mới mỗi năm. CDC báo cáo các trường hợp mắc bệnh nhưng có thể ước đoán con số mắc bệnh thật thông qua các trường hợp nhiễm VGSV không được báo cáo hàng năm.
Virus viêm gan A (HAV)
Theo thống kê mới nhất của CDC, HAV gây ra khoảng 1.781 trường hợp VGSV mỗi năm. VGSV này là một bệnh cấp tính mà không bao giờ diễn tiến đến giai đoạn mạn tính.
Trước đây, VGSV A được xem như “viêm gan nhiễm trùng” do nó có thể dễ dàng lây truyền từ người sang người như các bệnh nhiễm siêu vi thông thường. VGSV A có thể lan truyền qua đường ăn uống, đặc biệt trong tình trạng vệ sinh kém, khi nước hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn bởi phân người chứa virus viêm gan A (lây qua đường phân-miệng). Viêm gan A điển hình thường lây giữa các thành viên sống chung nhà và tiếp xúc gần qua chất tiết đường miệng (hôn) hoặc qua phân (không rửa tay). Virus viêm gan A cũng có thể lây giữa các thực khách ở nhà hàng, giữa trẻ em và người giữ trẻ ở nhà trẻ nếu tình trạng rửa tay và vệ sinh không đảm bảo.
Xem thêm bài viết Những điều cần biêt về viêm gan A của BS. Trần Kim ThànhVirus viêm gan B (HBV)
Theo thống kê của CDC năm 2013, có hơn 19.000 trường hợp mới nhiễm HBV, hơn 1.800 ca tử vong hàng năm do (biến chứng) của nhiễm virus viêm gan B mạn tính.
Virus viêm gan B có một thời được xem là “viêm gan huyết thanh” vì khi ấy người ta cho rằng đường lây truyền duy nhất của nó là qua máu hoặc huyết thanh chứa virus. Hiện nay, ta đã biết HBV còn có thể lây qua đường quan hệ tình dục, truyền máu hoặc huyết thanh qua dùng chung bơm kim tiêm ở những người nghiện ma tuý, tai nạn đâm trúng kim tiêm bị nhiễm khuẩn từ máu, truyền máu, chạy thận và từ mẹ bị nhiễm sang trẻ mới sinh. Xăm mình, đeo khuyên trên người, dùng chung dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng cũng có thể là đường lây.
Có từ 6-10% trường hợp nhiễm HBV diễn tiến đến viêm gan siêu vi mạn tính (kéo dài trên 6 tháng đến hàng thập kỷ) và có thể lây cho người khác chừng nào họ vẫn còn nhiễm virus. Bệnh nhân nhiễm VGSV B mạn có nguy cơ bị xơ gan, suy gan và ung thư gan. Ước tính có 2,2 triệu người ở Mỹ và 2 tỷ người trên thế giới nhiễm VGSV B mạn.
Xem thêm bài viết Những điều cần biêt về viêm gan B của BS. Trần Kim ThànhVirus viêm gan C (HCV)
Theo tài liệu của CDC, hằng năm có 16.500 trường hợp mới nhiễm VGSV C (trường hợp không báo cáo gấp 13,4 lần số được báo cáo). Trước đây, VGSV C được xem là “viêm gan không A, không B” vì khi ấy tác nhân siêu vi C chưa được phát hiện, chỉ biết rằng đó không phải là siêu vi A hay B.
VGSV C thường lây qua dùng chung kim tiêm ở người nghiện, truyền máu, chạy thận và bị kim tiêm đâm. Gần 90% trường hợp viêm gan do truyền máu là VGSV C. Con đường lây qua quan hệ tình dục đã được báo cáo nhưng được xem là hiếm gặp. Ước tính có 50-70% bệnh nhân nhiễm HCV tiến triển đến viêm gan mạn tính, các bệnh nhân này có thể lây cho người khác. Nhiễm HCV mạn làm tăng nguy cơ bị xơ gan, suy gan và ung thư gan. Ở Mỹ ước tính có 3,2 triệu người nhiễm HCV mạn.
Virus viêm gan D, E, G
Viêm gan siêu vi còn có loại virus D, E và G. Trong số này, quan trọng nhất là virus viêm gan D (HDV), còn được biết đến là virus hoặc tác nhân delta. Đây là một virus nhỏ, cần đến đồng nhiễm với HBV để sống sót. HDV không thể tồn tại một mình vì nó cần đến một protein do HBV sản xuất (protein màng, còn gọi là kháng nguyên bề mặt) để có thể gây nhiễm vào tế bào gan. HDV có thể lây qua đường dùng chung kim tiêm ở người nghiện thuốc, qua đường máu, quan hệ tình dục; tương tự với HBV.
Người nhiễm HBV mạn tính có thể đã nhiễm HDV cùng lúc với HBV hoặc một thời gian sau đó. Bệnh nhân vừa nhiễm HBV và HDV tiến triển tới xơ gan nhanh chóng. Hơn nữa, nhiễm kết hợp HDV và HBV rất khó điều trị.
Virus viêm gan E (HEV) tương tự với nhiễm HAV và thường xảy ra ở châu Á trong những dịch bệnh lây truyền qua nguồn nước.
Virus viêm gan G (HGV) được phát hiện những năm gần đây và tương tự nhiễm HCV. Vai trò của tác nhân này trong VGSV ở người vẫn còn chưa rõ và đang được nghiên cứu.
Viêm gan siêu vi tối cấp là gì?
Trong một số trường hợp hiếm gặp, người nhiễm HAV hoặc HBV có thể có tình trạng viêm nặng, dẫn tới suy gan. Những bệnh nhân này có các triệu chứng của viêm gan cấp nói trên kèm theo lú lẫn hoặc hôn mê vì gan không còn đủ khả năng đào thải chất độc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng xuất hiện vết bầm trên người hoặc xuất huyết do thiếu yếu tố đông máu.
Đến 80% bệnh nhân VGSV tối cấp tử vong trong vài ngày đến vài tuần; may mắn rằng đây là bệnh hiếm gặp. Có ít hơn 0,5% ca nhiễm HBV cấp tính tiến triển thành viêm gan tối cấp. Tỉ lệ này càng thấp hơn đối với nhiễm HCV đơn độc nhưng đồng nhiễm cả HBV và HCV lại làm tăng tỉ lệ dẫn tới viêm gan tối cấp.
Viêm gan siêu vi mạn là gì?
Nhiễm HBV hoặc HCV có thể dẫn tới viêm gan mạn. Đây là tình trạng viêm gan kéo dài hơn 6 tháng; khi ấy virus viêm gan có thể tồn tại và nhân lên tại gan trong nhiều năm và thập kỷ. Chưa rõ vì sao hệ miễn dịch của các bệnh nhân này không thể tiêu diệt hoàn toàn virus, và virus gây ra tình trạng viêm gan mạn tính.
Viêm gan mạn có thể dẫn tới tạo sẹo trong gan lan toả (xơ gan), suy gan và ung thư gan. Suy gan do viêm gan siêu vi C mạn là chỉ định phổ biến nhất của ghép gan ở Hoa Kỳ. Bệnh nhân VGSV mạn có thể lây bệnh cho người khác qua máu hoặc chất tiết cơ thể (ví dụ, dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục, và ít phổ biến hơn là ghép tạng) cũng như lây từ mẹ sang con.