Vaccine sởi-quai bị-rubella là loại vaccine 3 trong 1, được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa một lúc 3 bệnh sởi, quai bị và rubella.
Khái niệm bệnh sởi, quai bị, rubella
Sởi là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, do virus rubeola gây ra, có khả năng diễn tiến nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong. Bệnh có thể được ngăn ngừa bằng vaccine.
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus quai bị (mumps virus) truyền từ người này qua người khác qua nước bọt, dịch tiết ở mũi và sự tiếp xúc cá nhân. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, còn được gọi là tuyến mang tai, chịu trách nhiệm trong việc sản xuất nước bọt.
Rubella là một bệnh truyền nhiễm do virus rubella gây ra, khiến cơ thể phát ban đỏ. Bên cạnh phát ban, người bị bệnh rubella thường bị sốt và sưng hạch bạch huyết. Bệnh lây từ người sang người thông qua sự tiếp xúc với các chất dịch mang mầm bệnh trong đường mũi họng của bệnh nhân khi họ hắt hơi hay ho.
Vaccine sởi quai bị rubella
Về cơ bản, vaccine sởi-quai bị-rubella được điều chế từ 3 thành phần:
- Virus sởi chủng Edmonston-Zagreb
- Virus quai bị chủng L-Zagreb (L-Z)
- Virus rubella chủng Wistar RA 27/3
Bạn có thể tham khảo thêm: Vắc xin 3 trong 1 MMR là gì?
Người ta dùng một số chủng virus gây bệnh đã được làm yếu đi (các mầm bệnh sống đã được giảm động lực) để tiêm vào cơ thể nhằm kích thích sự sản sinh của các kháng thể. Khi đã tiêm vaccine sởi-quai bị-rubella và có kháng thể trong người, bạn sẽ được bảo vệ khỏi các bệnh nêu trên cũng như những biến chứng nguy hiểm do chúng gây ra.
Sởi, quai bị, rubella là những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu. Ba bệnh này chưa có biện pháp điều trị cụ thể ngoài việc cách ly người bệnh khỏi đám đông để tránh lây lan; ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý chờ bệnh tự chấm dứt. Chính vì vậy, phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa vaccine là phương pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất giúp tránh được những rủi ro do bệnh gây ra.
Các đối tượng nên tiêm vaccine sởi quai bị rubella
Trẻ nhỏ
Theo khuyến nghị, tất cả trẻ em nên tiêm hai liều vaccine MMR (sởi-quai bị-rubella). Liều đầu tiên là khi trẻ vào khoảng 12-15 tháng tuổi. Liều thứ hai là khi trẻ khoảng từ 4-6 tuổi. Nếu muốn tiêm liều thứ hai cho trẻ sớm hơn thì phải tiêm cách liều thứ nhất ít nhất 28 ngày.
So với các vaccine khác dành cho trẻ, MMR được tiêm muộn hơn.
Trái với nhiều lời đồn, không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine MMR với chứng tự kỷ ở trẻ. Sở dĩ những nghi ngờ phát sinh là do độ tuổi tiêm phòng rubella cũng trùng hợp với độ tuổi mà các dấu hiệu tự kỷ dần biểu hiện rõ rệt.
Đối với vaccine MMRV, loại này chỉ được sử dụng cho trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi.
Lưu ý: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đi du lịch xa cùng gia đình cũng cần tiêm ngừa sởi-quai bị-rubella trước chuyến đi.
Nhân viên y tế
Các nhân viên y tế nên lưu lại bằng chứng về khả năng miễn dịch của mình với mầm bệnh. Những người không chắc chắn rằng mình có kháng thể với virus gây bệnh hay không thì nên thực hiện xét nghiệm. Nếu không có kháng thể, cần tiêm 2 liều vaccine cách nhau ít nhất 28 ngày.
Du khách quốc tế (những người hay du lịch hoặc đi đến nhiều địa phương khác nhau)
Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi đi du lịch cùng gia đình nên tiêm ngừa trước chuyến đi.
Trẻ em từ 12 tháng trở lên nên được tiêm 2 liều vaccine MMR cách nhau ít nhất 28 ngày.
Thanh thiếu niên và người lớn không có căn cứ chắc chắn về khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella nên tiêm hai liều vaccine MMR cách nhau ít nhất 28 ngày.
Người nằm trong nhóm được các tổ chức y tế xác định là có nguy cơ gặp rủi ro cao trong một đợt bùng phát dịch bệnh
Trong một đợt bùng phát bệnh, các cơ quan, tổ chức y tế có thể yêu cầu tiêm ngừa vaccine cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Nhóm này thường là những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh, chẳng hạn như hôn, chia sẻ đồ uống, dụng cụ tập luyện thể thao, sống ở khu vực lân cận…
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên kiểm tra với bác sĩ để chắc chắn về khả năng miễn dịch trước khi mang thai. Nếu chưa mang thai và chưa tiêm phòng rubella thì nên tiêm ít nhất một liều vaccine MMR.
Vẫn sẽ an toàn nếu phụ nữ đang cho con bú tiêm phòng rubella bằng vaccine MMR. Phản ứng với vaccine không gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Những đối tượng chống chỉ định
- Thai phụ
Bệnh rubella có khả năng gây sảy thai, thai chết lưu, hoặc em bé sinh ra gặp khiếm khuyết như chậm phát triển, khiếm thính, khuyết tật ở tim… Việc tiêm ngừa là cần thiết, nhưng nếu người phụ nữ dự định có thai, phải tiêm ngừa trước đó 3 tháng, hoặc ít nhất là 1 tháng. Nếu lỡ tiêm phòng rubella khi đã có thai thì cũng không nên tự ý bỏ thai. Thực tế, chưa có ghi nhận nào về những rủi ro ở thai phụ và trẻ nhỏ khi người mẹ vô tình tiêm ngừa vaccine có thành phần rubella vào đầu thai kỳ.
- Những người đang thực hiện hóa trị, xạ trị
- Người đang bị sốt, mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính
- Người mắc các bệnh về máu như thiếu máu, rối loạn đông máu và đang dùng thuốc có tác động đến máu huyết
- Người có các vấn đề sức khỏe khác như suy thận
- Người dị ứng và quá mẫn với trứng, neomycin hay bất cứ thành phần nào khác của vaccine
- Người bị suy giảm miễn dịch
Phản ứng phụ, tương tác thuốc và một số lưu ý khác
Phản ứng phụ
- Đau nhẹ ở vùng được tiêm
- Sốt nhẹ
- Phát ban, ngứa
- Đau nhức cơ
- Đau khớp, viêm khớp (nữ gặp nhiều hơn nam)
- Viêm tuyến nước bọt ở mang tai (đối với thành phần vaccine quai bị trong MMR)
- Nổi hạch bạch huyết
- Sốt động kinh
- Viêm màng não vô khuẩn
Tương tác thuốc
- Không tiêm vaccine MMR trong vòng 3 tháng (hay ít nhất là 6 tuần) kể từ khi sử dụng immunoglobulins.
- Không sử dụng immunoglobulins trong 2 tuần sau khi tiêm vaccine.
- Tiêm vaccine có khả năng thay đổi phản ứng Tuberculin dương tính thành âm tính.
Một số lưu ý khi tiêm vaccine sởi quai bị rubella
- Vaccine cần được tiêm dưới da. Nên chuẩn bị liều adrenaline để ngăn chặn sốc phản vệ.
- Người được tiêm phải được theo dõi trong vòng tối thiểu 30 phút sau khi tiêm.
- Hydrocortisone và thuốc kháng histamine cùng các biện pháp như thở oxy nên được chuẩn bị sẵn sàng.