Ngày nay, để chống mỏi mắt do thời gian tiếp xúc với màn hình vi tính quá dài, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều chỉnh lại máy tính hoặc thói quen khi làm việc.
Trong hai thập kỷ qua, các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh, laptop… đã trở nên vô cùng phổ biến trên toàn thế giới. Chúng có thể phục vụ nhiều nhu cầu của người dùng, ví dụ như:
- Làm việc
- Thư giãn
- Cập nhật tin tức cuộc sống hàng ngày
Tuy nhiên, nếu dành quá nhiều thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử, bạn có nguy cơ cảm thấy một số triệu chứng khó chịu về mắt vào cuối ngày, bao gồm:
- Khô mắt
- Mỏi mắt
- Tầm nhìn mờ
Vậy, nếu tính chất công việc bắt buộc bạn tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, bạn sẽ phải làm gì để chống mỏi mắt? Hãy để Chúng tôi giúp bạn giải đáp mối lo ngại này bằng bài viết dưới đây nhé.
Bạn có thể quan tâm: Bật mí 7 phương pháp chữa khô mắt thông dụng nhất.
Vì sao bạn mỏi mắt khi ngồi trước màn hình máy tính nhiều?
Trước khi tìm kiếm phương pháp chống mỏi mắt phù hợp, bạn sẽ cần biết nguyên nhân mắt khô và mệt mỏi khi bạn ngồi trước máy tính quá lâu.
Thông thường, mỗi người chúng ta chớp mắt khoảng 15 lần trong một phút. Điều này kích thích tuyến lệ hoạt động, dẫn đến nước mắt chảy đều trên bề mặt nhãn cầu. Từ đó, độ ẩm của mắt được duy trì, hạn chế tình trạng khô hoặc rát mắt.
Tuy nhiên, theo kết quả từ nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu, mọi người có xu hướng chớp mắt ít hơn khi đang sử dụng máy tính hay những thiết bị tương tự khác. Thêm vào đó, độ tương phản của các ký tự hiển thị so với hình nền, độ chói và nhấp nháy từ màn hình kỹ thuật số có thể gây khó chịu cho mắt.
Làm thế nào để chống mỏi mắt?
Một số người cho rằng biện pháp chống mỏi mắt tốt nhất là giảm bớt thời gian sử dụng máy tính lại hoặc không tiếp tục dùng công cụ này nữa. Tuy nhiên, thực tế, với độ phổ biến cũng như vai trò của máy tính trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, phương pháp trên dường như bất khả thi.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể chống mỏi mắt hiệu quả bằng cách áp dụng một số thay đổi về cách sử dụng thiết bị điện tử này, chẳng hạn như:
Bạn có thể chưa biết: Mách bạn 6 cách chăm sóc mắt đơn giản mà hiệu quả.
1. Thường xuyên khám mắt
Tham gia đầy đủ các buổi khám mắt định kỳ là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn có khả năng phòng ngừa hoặc điều trị từ sớm những vấn đề liên quan đến thị lực, bao gồm chống mỏi mắt. Nếu trong một năm qua bạn chưa từng đi khám mắt, hãy nhanh chóng sắp xếp công việc và thời gian để thực hiện điều này.
Trong buổi kiểm tra mắt, bạn nên đề cập với bác sĩ nhãn khoa về tần suất sử dụng máy tính cũng như các thiết bị tương tự tại nơi làm việc và ở nhà. Bạn cũng có thể tự đo trước khoảng cách từ mắt đến màn hình vi tính. Thông số này giúp giảm bớt thời gian khám mắt cũng như hỗ trợ quá trình kiểm tra diễn ra thuận lợi hơn.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: 5 lý do bạn không thể xem nhẹ việc khám mắt định kỳ.
2. Điều chỉnh ánh sáng xung quanh phù hợp
Tình trạng căng mắt thường phát sinh khi mắt phải tiếp xúc với ánh sáng có cường độ cao. Điều này dễ dàng khiến mắt mệt mỏi. Do đó, để chống mỏi mắt, khi bạn sử dụng máy tính, nguồn sáng xung quanh nên giảm đi một nửa so với bình thường. Bạn có thể giảm bớt ánh sáng từ mặt trời bằng cách kéo rèm. Trong khi đó, để giảm cường độ ánh sáng trong nhà, bạn có thể:
- Cất bớt bóng đèn hoặc đèn huỳnh quang đang dùng
- Thay toàn bộ đèn ở khu vực này bằng loại có cường độ sáng thấp hơn
Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy đặt màn hình máy tính của bạn ở bên cạnh cửa sổ. Hạn chế ngồi đối diện cửa sổ hoặc quay hẳn lưng lại với nó.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy khi bạn làm việc với máy tính ở trong phòng có sử dụng đèn huỳnh quang gắn trên cao, mắt có thể cảm thấy tốt hơn. Vì vậy, bạn có thể “cải tiến” chỗ làm việc của mình bằng cách tắt bớt đèn huỳnh quang gắn trên tường. Thay vào đó, hãy thử dùng đèn đứng có chụp đèn để ngăn bớt độ chói.
Đôi khi thay toàn bộ đèn huỳnh quang thông thường bằng đèn huỳnh quang toàn phổ trong phòng làm việc có thể đem lại sự thoải mái hơn cho bạn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng nếu cường độ ánh sáng quá cao, ngay cả đèn huỳnh quang toàn phổ vẫn có nguy cơ khiến người dùng không thoải mái.
3. Giảm thiểu độ chói
Ánh sáng phản chiếu từ màn hình máy tính là một trong những nguyên nhân gây mỏi mắt cho người dùng. Vì vậy, việc chọn mua máy tính có màn hình chống chói (anti glare) là biện pháp hữu dụng để chống mỏi mắt. Ngoài ra, bạn còn có thể sơn tường màu tối với độ bóng mờ để giảm thiểu độ chói.
Nếu bạn đeo kính, hãy mua tròng kính có lớp phủ chống phản chiếu (AR). Lớp phủ chống phản chiếu sẽ làm giảm độ chói bằng cách giảm thiểu lượng ánh sáng phản xạ khỏi mặt trước và mặt sau của tròng kính mắt.
4. Nâng cấp màn hình máy tính
Nếu bạn đang sử dụng máy tính thế hệ cũ, màn hình vi tính rất có thể là kiểu ống tia âm cực (CRT). Hiện tượng nhấp nháy rất dễ xảy ra ở những màn hình CRT kiểu cũ này. Đây là yếu tố chính gây mỏi mắt. Kể cả nếu hiện tượng này xuất hiện rõ ràng, nó vẫn khiến bạn cảm thấy mỏi mệt, đặc biệt ở mắt, trong quá trình làm việc.
Các biến chứng do nhấp nháy màn hình thậm chí có nhiều khả năng phát sinh hơn nếu thông số refresh rate (tần số làm tươi màu màn hình) của màn hình máy tính thấp hơn 75Hz. Do đó, nếu bạn đang sử dụng màn hình CRT, hãy cài đặt lại thông số này ở mức cao nhất.
Mặt khác, để chống mỏi mắt hiệu quả hơn, biện pháp tốt nhất vẫn là thay màn hình CRT bằng màn hình LED có bề mặt chống phản xạ ánh sáng.
Khi chọn mua màn hình LED mới, bạn hãy chọn màn hình có độ phân giải cao nhất có thể. Độ phân giải tỷ lệ nghịch với “bước điểm” (dot pitch) của màn hình. Thuật ngữ này đề cập đến kích thước của các điểm ảnh riêng biệt và khoảng cách giữa chúng. Bước điểm càng thấp đồng nghĩa với việc những khoảng cách này càng khó thấy, dẫn đến hình ảnh sắc nét hơn. Do đó, bạn nên chọn màn hình có bước điểm từ 0,28mm trở xuống.
Ngoài ra, màn hình lớn cũng góp phần chống mỏi mắt. Đối với máy tính bàn, bạn nên chọn màn hình có độ dài đường chéo tối thiểu là 19 inch (khoảng 48cm).
5. Điều chỉnh cài đặt hiển thị máy tính
Điều chỉnh lại cài đặt hiển thị của máy tính của bạn có khả năng hỗ trợ bạn trong công cuộc chống mỏi mắt. Các yếu tố cần điều chỉnh bao gồm:
Độ sáng của màn hình
Nhằm đảm bảo sức khỏe mắt, bạn nên chỉnh độ sáng của màn hình ngang với độ sáng trong phòng làm việc. Để kiểm tra, bạn có thể mở một trang trắng trên trình duyệt. Nếu nó trông như một nguồn phát sáng, tức là độ sáng của màn hình máy tính đang quá cao so với nơi bạn làm việc. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy như đang nhìn vào một “bức ảnh” xám xịt u ám, độ sáng của màn hình quá thấp so với ánh sáng xung quanh.
Kích thước và độ tương phản của ký tự hiển thị
Các ký tự hiển thị trên màn hình nên có kích thước và độ tương phản hợp lý, đặc biệt khi bạn đọc hoặc soạn những văn bản dài. Thông thường, chữ đen nền trắng là sự kết hợp hoàn hảo.
Nhiệt độ màu
Đây là một thuật ngữ kỹ thuật được sử dụng để mô tả quang phổ ánh sáng khả kiến phát ra từ màn hình màu. Ánh sáng xanh thuộc vùng khả kiến. Bước sóng ngắn của ánh sáng xanh có liên quan đến sự căng thẳng của mắt nhiều hơn so với những sắc màu có bước sóng dài, chẳng hạn như màu cam hay màu đỏ. Giảm nhiệt độ màu của màn hình sẽ làm giảm lượng ánh sáng xanh phát ra, từ đó giúp mắt bạn thoải mái hơn trong lúc làm việc.
6. Đừng quên chớp mắt
Để tránh tình huống khô hoặc kích ứng mắt, cơ thể chúng ta thực hiện một thao tác đơn giản là chớp mắt. Điều này giúp duy trì độ ẩm trên bề mặt nhãn cầu.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu, khi nhìn vào màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử tương tự, số lượng chớp mắt giảm 2/3 so với bình thường. Thêm vào đó, lúc này, hành động chớp mắt cũng diễn ra không hoàn chỉnh.
Chính vì điều này, nước mắt bao phủ bề mặt nhãn cầu bay hơi nhanh hơn, dẫn đến tình trạng khô mắt. Ngoài ra, không khí khô, lạnh trong môi trường làm việc, đặc biệt là những văn phòng có trang bị máy điều hòa, góp phần đẩy nhanh tốc độ bay hơi của nước mắt.
Trong trường hợp như vậy, bạn nên hỏi bác sĩ nhãn khoa về nước mắt nhân tạo (thuốc nhỏ mắt không kê đơn). Đồng thời, đừng nhầm lẫn sản phẩm trên với thuốc nhỏ mắt có thêm tác dụng chữa đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Loại sản phẩm này có thể đảm bảo “thu nhỏ” kích thước mạch máu trên nhãn cầu, nhưng hiệu quả về khả năng giảm khô và kích ứng không tốt lắm.
Để chống mỏi mắt do tình trạng khô rát tại đây, bạn hãy thử chớp mắt chậm rãi 10 lần sau mỗi 20 phút nhìn vào màn hình máy tính. Động tác này giúp bổ sung độ ẩm trên bề mặt nhãn cầu.
7. Tập thể dục cho mắt
Một nguyên nhân khác gây mỏi mắt là tình trạng suy nhược do tập trung cao độ. Nhằm chống mỏi mắt do quá tập trung vào công việc, bạn hãy rời khỏi máy tính sau mỗi 20 phút và nhìn vào một vật cách vị trí của bản thân khoảng 6m trong 20 giây. Các chuyên gia gọi bài tập này là Quy tắc 20–20–20. Động tác phóng tầm mắt ra xa sẽ giúp thư giãn các cơ đang tập trung ở mắt, từ đó xoa dịu cơn mệt mỏi.
Một bài tập khác dành cho đôi mắt mỏi mệt do tập trung cao độ là:
- Nhìn xa một vật trong vòng 10–15 giây.
- Sau đó, tiếp tục nhìn chằm chằm vào vật ở gần hơn với thời gian tương tự.
- Kế tiếp, lại phóng tầm mắt ra xa để quan sát một vật bất kỳ trong 10–15 giây.
Bạn hãy thực hiện bài tập trên 10 lần liên tục. Nó sẽ giúp bạn giảm bớt nguy cơ bị “khóa” tầm nhìn ở mắt khi bạn quá tập trung vào màn hình vi tính trong thời gian dài.
Cả hai bài tập được đề cập bên trên đều có khả năng giảm nguy cơ mỏi mắt do làm việc với máy tính quá lâu. Ngoài ra, đừng quên kết hợp thêm thói quen chớp mắt thường xuyên để nâng cao hiệu quả cho việc chống mỏi mắt nhé.
8. Nghỉ giải lao giữa giờ
Nếu bạn là nhân viên văn phòng hoặc tính chất công việc của bạn đòi hỏi phải tiếp xúc với máy tính thường xuyên, bạn có thể sẽ bắt gặp một số vấn đề sức khỏe khó chịu như:
- Đau vai, lưng và cổ
- Thị lực có vấn đề
- Khô và mỏi mắt
Do đó, hãy tập thói quen giải lao khoảng 10 phút sau mỗi giờ làm việc. Trong lúc này, bạn nên đứng lên, di chuyển xung quanh và co duỗi tay, chân, lưng, cổ với vai để giảm căng thẳng và mỏi cơ.
9. Điều chỉnh khu vực làm việc
Nếu bạn cần nhìn qua nhìn lại giữa tài liệu bản cứng và màn hình máy tính, hãy đặt xấp tài liệu này lên giá đỡ và để bên cạnh màn hình.
Bên cạnh đó, bạn nên lưu ý ánh sáng chỗ giá đỡ. Bạn có thể muốn dùng đèn bàn để dễ đọc hơn, nhưng hãy đảm bảo nó sẽ không hắt vào màn hình máy tính.
Tư thế ngồi không khoa học cũng góp phần gây mệt mỏi cho đôi mắt. Hãy điều chỉnh độ cao của ghế sao cho khi ngồi làm việc, chân bạn vẫn có thể thoải mái chạm sàn.
Khoảng cách từ màn hình máy tính đến mắt tốt nhất là vào khoảng 20–24 inch (50–60cm). Tâm điểm của màn hình nên nằm dưới tầm mắt của bạn khoảng 10–15 độ để tạo sự thoải mái cho đầu và cổ.
10. Sử dụng mắt kính chuyên dụng cho người dùng máy tính nhiều
Để có sự thoải mái nhất khi làm việc nhiều với máy tính, bạn có thể yêu cầu bác sĩ nhãn khoa cung cấp loại mắt kính đặc biệt dành cho người thường xuyên tiếp xúc với màn hình vi tính. Điều này càng cần thiết hơn nếu bạn có thói quen sử dụng kính áp tròng. Đeo kính áp tròng và làm việc với máy tính trong thời gian dài sẽ khiến tình trạng khô mắt của bạn trở nên khó chịu gấp đôi.
Kính chuyên dùng cho người thường xuyên tiếp xúc với máy tính cũng có thể áp dụng cho người sử dụng kính hai hoặc đa tròng. Bởi vì những loại tròng kính này thường không tối ưu khoảng cách từ màn hình vi tính đến mắt.
Ngoài ra, bạn có thể sẽ muốn thử loại kính mắt đổi màu cũng là một lựa chọn không tồi. Nó có thể giảm bớt lượng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình tiếp xúc với mắt. Bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ nhãn khoa để biết thêm chi tiết về loại kính này.