Béo phì và thai kỳ

(4.44) - 95 đánh giá

Thế nào là chỉ số khối cơ thể?

Chỉ số khối cơ thể (BMI, body mass index) là chỉ số được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, giúp đánh giá xem một người có bị thiếu cân, đủ cân, quá cân, hoặc béo phì không. Tính chỉ số khối cơ thể bằng cách chia trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét).

Khi nào thì một người bị cho là quá cân?

Một người bị cho là quá cân nếu có chỉ số BMI từ 25 đến 29.9.

Công cụ tính BMI: TẠI ĐÂY

Khi nào thì một người bị cho là béo phì?

Một người bị cho là béo phì nếu có chỉ số BMI trên 30.

Con bạn sẽ bị gia tăng những nguy cơ nào trong thai kỳ nếu bạn bị béo phì?

Các nguy cơ sau sẽ tăng ở thai nhi nếu người mẹ bị béo phì trong thai kỳ:

  • Khuyết tật bẩm sinh: khả năng bị khuyết tật bẩm sinh, ví dụ như dị tật về tim, khuyết tật ống thần kinh, sẽ tăng nếu người mẹ bị béo phì.
  • Xét nghiệm trở nên không chính xác: nếu người mẹ có quá nhiều mỡ bụng, việc sử dụng siêu âm để xác định xem thai nhi có bị dị tật giải phẫu không sẽ gặp khó khăn.
  • Thai to: thai nhi có kích cỡ lớn hơn bình thường. Bất thường này có thể khiến trẻ dễ bị tổn thương trong quá trình sinh do quá khổ. Khả năng phải chuyển sang sinh mổ cũng cao hơn.
  • Sinh non: các bệnh tật kèm theo việc béo phì cũng có thể gây ra sinh non. Trẻ sinh non thường có nguy cơ cao bị các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, và gặp khó khăn trong thời kỳ phát triển và học tập về sau .
  • Thai chết lưu chỉ số BMI của người mẹ càng cao thì khả năng thai chết lưu cũng càng cao.

Những nguy cơ nào sẽ gia tăng cho chính bạn nếu bạn bị béo phì trong thai kỳ?

Béo phì trong thai kỳ sẽ làm tăng các nguy cơ sau cho người mẹ:

  • Huyết áp cao: huyết áp cao bắt đầu từ nửa sau thai kỳ gọi là tăng huyết áp thai kỳ. Tình trạng tăng huyết áp này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
  • Tiền sản giật: tiền sản giật là một chứng bệnh nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Người mẹ có thể bị suy gan và thận. Mặc dù hiếm gặp nhưng có khả năng bị đột quỵ. Trong một số trường hợp cả mẹ và bé có thể chết.
  • Đái tháo đường thai kỳ: đường huyết cao trong thai kỳ làm tăng khả năng thai quá khổ và phải sinh mổ. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao bị đái tháo đường sau này, và con sinh ra cũng có nguy cơ cao bị đái tháo đường.

Có thể mang thai an toàn khi bị béo phì không?

Mặc dù có nhiều nguy cơ cao như trên, người mẹ bị béo phì vẫn có khả năng mang thai an toàn và sinh con khoẻ mạnh. Cần thường xuyên kiểm tra cân nặng, tập thể dục đều đặn, khám tiền sản thường xuyên, và giữ cơ thể khoẻ mạnh trong suốt thai kỳ.

Nên tăng bao nhiêu cân trong thời kỳ mang thai?

Nên trao đổi với bác sĩ xem bạn nên tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ lần này ở buổi khám tiền sản đầu tiên. Có thể tham khảo bảng sau để biết nên tăng bao nhiêu cân là tốt nhất cho bạn và bé:

Cân nặng trước mang thai Chỉ số BMI Số cân nên tăng (kg)
Cân nặng bình thường 18.5 – 24.9 11 – 15
Quá cân 25 – 29.9 7 – 11
Béo phì > 30 5 – 9

Hình minh họa: cân nặng khi mang thai

Có nên tìm cách giảm cân trong thời kỳ mang thai không?

Phụ nữ mang thai, ngay cả đối với những người bị béo phì, không nên tìm cách giảm cân trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu người mẹ bị béo phì mà tăng cân ít hơn so với bảng hướng dẫn trên, và nếu thai phát triển bình thường, thì việc tăng ít cân lại có một số điểm lợi, chẳng hạn như giảm nguy cơ phải sinh mổ và có thai quá lớn.

Có nên làm xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ trong quá trình mang thai không?

Do phụ nữ quá cân và béo phì có khả năng bị biến chứng cao hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường, những người này nên làm xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ trong tam cá nguyệt đầu. Tuỳ trường hợp, nhiều khi những tháng cuối cũng nên làm xét nghiệm lại.

Nên bắt đầu tập thể dục thế nào trong thai kỳ nếu bạn chưa bao giờ tập?

Nên bắt đầu tập 5 phút mỗi ngày, và cứ mỗi tuần lại tăng thêm 5 phút. Mục tiêu là bạn có thể tập được 30 phút mỗi ngày. Đi bộ là một cách tập tốt nếu bạn chưa tập thể dục bao giờ. Đi bộ nhanh giúp cho toàn bộ cơ thể vận động và không gây ảnh hưởng lớn đến các khớp xương. Bơi lội cũng là một bài thể dục tốt cho phụ nữ mang thai.

Hình minh họa: Đi bộ khi mang thai

Có thể sinh thường không nếu đã bị béo phì?

Sinh thường là cách tốt nhất cho bé. Tuy nhiên không phải ai cũng sinh thường được, nhất là đối với phụ nữ bị béo phì thì việc sinh thường càng khó. Béo phì gây khó khăn cho việc theo dõi sức khoẻ bé trong khi chuyển dạ. Thai to cũng gây khó khăn trong quá trình sinh. Vì thế, béo phì làm tăng khả năng phải sinh mổ.

Phụ nữ béo phì có gặp rủi ro cao hơn khi sinh mổ không?

Phụ nữ béo phì gặp rủi ro cao hơn khi sinh mổ. Thông thường, thời gian phẫu thuật sẽ dài hơn, đồng nghĩa với nguy cơ bị chảy máu và gặp biến chứng cao hơn. Sinh mổ cũng kèm theo các nguy cơ sau:

  • Nhiễm trùng
  • Phản ứng với thuốc gây mê
  • Bị huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Vết mổ lâu lành

Phải làm gì nếu phát hiện bị đái tháo đường thai kỳ?

Nếu phát hiện ra là bị tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ phải làm xét nghiệm lượng đường trong máu vào khoảng giữa 6-12 tuần sau khi sinh. Nếu kết quả xét nghiệm là bình thường thì cứ sau 3 năm vẫn phải làm xét nghiệm lại.

Tại sao cần phải giảm cân trước khi có thai tiếp?

Giảm cân trước khi có thai tiếp giúp làm giảm các biến chứng xảy ra trong thai kỳ do béo phì gây ra. Nhất là nếu người mẹ đã từng có biến chứng trong lần mang thai trước thì càng nên tìm cách giảm cân.

Làm thế nào để giảm cân một cách an toàn sau khi sinh?

Sau khi sinh, khi về đến nhà, bạn vẫn nên tiếp tục thói quen ăn uống và tập thể dục như trước. Việc cho con bú bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho bé, mà cũng giúp người mẹ giảm cân. Kinh nghiệm cho thấy phụ nữ cho con bú bằng sữa mẹ trong ít nhất vài tháng giảm cân nhanh hơn phụ nữ không cho con bú mẹ.

Thông thường để giảm cân và để giữ cân nặng không tăng lại, bạn nên tập thể dục 60-90 phút mỗi ngày bằng các hoạt động đủ mạnh như đạp xe, đi bộ nhanh hoặc làm vườn.

Có thuốc giảm cân không?

Nếu bạn đã cố gắng giảm cân bằng cách ăn kiêng và tập thể dục mà chỉ số BMI vẫn trên 30, hoặc trên 27 nhưng lại bị thêm đái tháo đường hoặc các bệnh lý về tim mạch, bác sĩ của bạn có thể kê đơn thuốc giảm cân. Nên nhớ rằng các thuốc giảm cân này không được dùng khi mang thai.

Khi nào cần phải phẫu thuật giảm cân?

Trong trường hợp tập thể dục và uống thuốc giảm cân không có tác dụng, một loại phẫu thuật đặc biệt gọi là phẫu thuật giảm cân có thể áp dụng cho những người béo phì quá mức (những người có chỉ số BMI trên 40, hoặc từ 35-39 nhưng bị thêm các biến chứng khác do béo phì quá mức gây ra).

Sau phẫu thuật giảm cân, khi nào bạn có thể mang thai?

Sau phẫu thuật giảm cân, cần chờ ít nhất 12-24 tháng rồi mới nên có thai, vì đó là khi đã giảm cân nhiều nhất. Một số loại phẫu thuật giảm cân có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc uống bằng đường miệng, ví dụ như thuốc tránh thai. Có thể bạn sẽ phải chuyển sang các phương pháp tránh thai khác.

Giải thích thuật ngữ

Béo phì: tình trạng cơ thể thừa mỡ.

Chỉ số khối cơ thể (BMI): chỉ số được tính từ tương quan chiều cao và cân nặng để xác định xem một người có thiếu cân, đủ cân, thừa cân, hoặc quá béo hay không.

Thai to: trường hợp thai nhi phát triển quá khổ.

Đột quỵ: tình trạng máu cung cấp cho toàn bộ hoặc một phần não bị ngừng đột ngột do nghẽn hoặc đứt mạch máu trong não, gây ra hôn mê và liệt nhất thời hoặc liệt vĩnh viễn.

Huyết khối tĩnh mạch sâu: trường hợp có máu tụ hình thành trong mạch máu ở chân hoặc các phần khác của cơ thể.

Khuyết tật ống thần kinh: khuyết tật do hậu quả của việc não, tuỷ sống hoặc màng não, màng tuỷ sống phát triển không hoàn thiện .

Phẫu thuật giảm cân: một loại phẫu thuật gây giảm cân để chữa chứng béo phì.

Siêu âm: cách sử dụng sóng âm để quan sát các cấu trúc bên trong. Trong thai kỳ, siêu âm được dùng để kiểm tra thai nhi.

Sinh mổ: quá trinh sinh bằng cách mổ bụng và tử cung của người mẹ.

Sinh non: sinh trước 37 tuần thai.

Tăng huyết áp thai kỳ: trường hợp bị huyết áp cao ở nửa sau của thai kỳ.

Tiền sản giật: tình trạng người mẹ mang thai có huyết áp cao và protein trong nước tiểu.

Đái tháo đường thai kỳ: đái tháo đường hình thành trong thời kỳ mang thai.

Thai chết lưu: thai chết trước khi sinh.

Chú ý:

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ thời kỳ điều trị cần thiết, và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào trạng thái của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Obesity-and-Pregnancy

Biên dịch - Hiệu đính

TS. Dư Ngọc Hiền - TS. BS. Nguyễn An Nghĩa
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Phương pháp ngừa thai khẩn cấp

(31)
Ngừa thai khẩn cấp là gì? Ngừa thai khẩn cấp (hay còn gọi là ngừa thai sau giao hợp) là việc sử dụng một số phương pháp để ngăn ngừa mang thai ngoài ý ... [xem thêm]

Bài 42 – Hỏi ngắn đáp nhanh cùng người sắp thành “Bố trẻ con”

(30)
Tại sao phải luôn “bên cạnh” vợ mình khi cô ấy có thai? Phụ nữ mang thai có người quan tâm, lo lắng, chăm sóc sẽ có khuynh hướng sống tích cực hay tốt ... [xem thêm]

Những điều bạn cần biết về Canxi trong thai kỳ

(14)
Canxi không chỉ là thành phần tạo xương mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cho mô cơ khỏe mạnh và đảm bảo chức năng của hệ thần kinh. Bổ ... [xem thêm]

Viêm âm đạo (Nhiễm trùng âm đạo)

(18)
Biên dịch: Trần Hoàng Nhật Anh Đinh Hoàng Minh Rất nhiều phụ nữ đã gặp tình trạng này. Bạn đang bị phân tâm và lúng túng tại chỗ ngồi của mình vì cảm ... [xem thêm]

Bài 3 – Chế độ dinh dưỡng khi mang thai và cho con bú

(89)
Tổng quan Khi mang thai, hầu hết các bà mẹ đều băn khoăn: Ăn uống như thế nào để thai nhi phát triển tốt? Câu hỏi đó vẫn chưa khó bằng không nên ăn gì, ... [xem thêm]

Sự triệt sản cho nữ giới và nam giới

(29)
Thế nào là triệt sản? Triệt sản là biện pháp tránh thai vĩnh viễn. Quy trình triệt sản nữ được gọi là thắt ống dẫn trứng, quy trình triệt sản nam ... [xem thêm]

Polyp cổ tử cung là gì?

(78)
Biên dịch: Nguyễn Thị Thu Thủy Nguyễn Rô Pin Polyp cổ tử cung là những khối phát triển trên kênh cổ tử cung – chỗ nối giữa tử cung với âm đạo. Chúng ... [xem thêm]

Những dấu hiệu khi chuẩn bị chuyển dạ

(42)
Điều gì xảy ra khi chuẩn bị chuyển dạ? Khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung mở ra (giãn nở). Tử cung, trong đó có cơ, co thắt đều đặn. Khi tử cung co ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN