Ung thư tuyến giáp

(3.91) - 90 đánh giá

Tìm hiểu chung

Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp nằm bên dưới quả táo của Adam, dọc theo phía trước của khí quản. Tuyến giáp có hai thùy bên hông, nối với nhau qua eo tuyến giáp. Khi tuyến giáp có kích thước bình thường, bạn không thể cảm nhận được nó.

Tuyến giáp tiết ra nhiều hormon, gọi chung là hormon tuyến giáp. Hormone chính là thyroxine, còn được gọi là T4. Hormon tuyến giáp hoạt động khắp cơ thể, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển, và nhiệt độ cơ thể. Trong suốt giai đoạn hình thành trong bào thai và thời thơ ấu, hormone tuyến giáp cung cấp đầy đủ là việc rất quan trọng cho sự phát triển não bộ.

Bệnh ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp. Tuyến giáp nằm ở cổ, có vai trò tạo ra hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Tế bào ở tuyến giáp được gọi là tế bào nang và tế bào cận nang.
Ung thư bắt nguồn từ tế bào nang gọi là ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư nang và ung thư không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể nhú là loại thường gặp nhất, xuất hiện ở những người trẻ. Ung thư nang thường xuất hiện ở người già. Ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị.
Nếu ung thư bắt đầu từ tế bào cận nang thì gọi là ung thư mô tủy. Ung thư tủy thường xuất hiện dưới dạng ung thư độc lập hoặc trong gia đình, theo dạng di truyền.

Ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không?

Bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú là loại ung thư phổ biến nhất ảnh hưởng đến tuyến giáp. Bệnh thường tiến triển chậm và có thể được chữa khỏi.
Bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ dưới 40 tuổi, nhưng các chuyên gia vẫn không rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp thể nhú. Một số yếu tố sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:
  • Một số tình trạng sức khỏe di truyền, như đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Gardner, hội chứng Cowden.
  • Bệnh sử gia đình. Trong một vài trường hợp, ung thư tuyến giáp thể nhú có thể được di truyền cho các thế hệ trong gia đình.
  • Xạ trị. Nếu từng làm xạ trị cho một tình trạng sức khỏe khác, đặc biệt khi còn nhỏ, bạn sẽ có nguy cơ phát triển ung thư.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến giáp là gì?

Các triệu chứng ung thư tuyến giáp ban đầu thường hiếm khi rõ ràng. Nếu có, dấu hiệu đầu tiên thường là xuất hiện khối u tuyến giáp. Khi ung thư tiến triển, bạn sẽ có các dấu hiệu ung thư tuyến giáp sau:

  • Một khối u dưới da cổ có thể cảm nhận được
  • Thay đổi giọng nói, bao gồm giọng nói khàn hơn
  • Khó nuốt
  • Đau ở cổ và cổ họng
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ

Các biểu hiện ung thư tuyến giáp thể nhú

Thông thường, bạn sẽ không có các triệu chứng ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh chỉ được phát hiện khi bác sĩ làm xét nghiệm hình ảnh cho các tình trạng sức khỏe khác hoặc khám sức khỏe.

Các khối u tuyến giáp ban đầu thường đặc hoặc chứa đầy dịch. Đây là tình trạng bình thường và không gây ra bất cứ vấn đề nào. Tuy nhiên, cứ 20 trường hợp u tuyến giáp sẽ có một trường hợp phát triển ung thư.

Khi khối u lớn hơn, bạn sẽ có các biểu hiện như:

  • Bướu ở cổ mà bạn có thể thấy hoặc chạm được
  • Khó khăn khi nuốt (bạn có thể đau hoặc cảm giác thức ăn hay thuốc đang mắc kẹt trong cổ họng)
  • Đau họng hoặc khàn giọng không khỏi
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Khó thở, đặc biệt khi bạn nằm

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu ung thư tuyến giáp khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng ung thư tuyến giáp được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp là gì?

Bệnh ung thư tuyến giáp gây ra bởi những thay đổi trong các tế bào trong tuyến giáp. Hiện nay chưa rõ lý do chính xác tại sao điều này xảy ra. Tất cả các loại ung thư bắt đầu với một sự thay đổi trong ADN của tế bào. Sự thay đổi trong ADN làm cho sự tái tạo các tế bào không kiểm soát được, tạo ra một sự tăng trưởng của mô gọi là bướu (khối u).

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với chất phóng xạ cũng là nguy cơ rủi ro dẫn đến bệnh ung thư này, đặc biệt là ở trẻ em được điều trị bằng liệu pháp xạ trị ở đầu, cổ hay ngực trong suốt khoảng thời gian còn là trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ. Bệnh ung thư tuyến giáp không truyền nhiễm.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải ung thư tuyến giáp?

Bệnh ung thư tuyến giáp ảnh hưởng cả nam giới lẫn nữ giới. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ. Những người hay tiếp xúc với chất phóng xạ thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp là gì?

Vì ung thư tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng suốt đời dù đã điều trị, bạn nên đi khám nếu có một trong các yếu tố sau đây để kịp thời phát hiện và phòng chống, chữa trị, hạn chế ảnh hưởng về sau. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Giới tính: ung thư tuyến giáp thường gặp ở nữ giới hơn nam giới
  • Tiếp xúc với chất phóng xạ có nồng độ cao: bao gồm việc điều trị bức xạ ở đầu, cổ và bụi phóng xạ từ các nguồn như nhà máy điện hạt nhân hoặc thử nghiệm vũ khí
  • Một số hội chứng gen di truyền: có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bao gồm ung thư tuyến giáp tủy trong gia đình, tân sinh đa tuyến nội tiết và hội chứng ung thư đại tràng di truyền.
  • Béo phì
  • Có các tình trạng tuyến giáp khác (ngoại trừ suy giáp và cường giáp), chẳng hạn như tuyến giáp bị viêm (viêm tuyến giáp) hoặc bướu cổ

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp là gì?

Bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư tuyến giáp khi tìm thấy khối u trên tuyến giáp trong lúc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Để có kết quả chính xác hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy tế bào từ khối u bằng phương pháp sinh thiết và nghiên cứu qua kính hiển vi.

Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng có thể được đề nghị:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
  • Xét nghiệm thyroglobulin, được sử dụng chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang
  • Siêu âm tuyến giáp
  • Chụp tuyến giáp
  • Kiểm tra mức canxi trong máu
  • Mức độ phốt pho trong máu
  • Mức độ calcitonin trong máu
  • Nội soi thanh quản

Ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Phương pháp chữa trị phụ thuộc vào sự phát triển của ung thư, bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Hầu hết các ung thư tuyến giáp đều được chữa khỏi.

Đối với các khối u nhỏ, nguy cơ ung thư tuyến giáp di căn là rất thấp, nên bác sĩ có thể chưa điều trị vội mà sẽ theo dõi bệnh chặt chẽ. Họ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu hoặc siêu âm ở cổ 2 lần mỗi năm.

Ở một số người, ung thư có thể không bao giờ phát triển, do đó không cần điều trị. Đối với các trường hợp khác, khi khối u tiến triển, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị ung thư tuyến giáp.

Phẫu thuật

Hầu hết những người bị ung thư tuyến giáp đều làm phẫu thuật để loại bỏ tuyến giáp. Bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp dựa vào loại ung thư, kích thước khối u, ung thư tuyến giáp đã di căn chưa, kết quả siêu âm toàn bộ tuyến giáp.

Các phương pháp mổ ung thư tuyến giáp gồm:

  • Cắt bỏ tất cả hoặc hầu hết tuyến giáp (cắt tuyến giáp). Đối với thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật thường để lại các vành nhỏ của mô tuyến giáp quanh tuyến cận giáp để giảm nguy cơ tổn thương tuyến cận giáp, giúp điều chỉnh nồng độ canxi trong máu.
  • Cắt bỏ một phần của tuyến giáp (cắt thùy tuyến giáp). Trong phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp, bác sĩ sẽ cắt bỏ một nửa tuyến giáp nếu ung thư phát triển chậm ở một phần của tuyến giáp và không có các khối u đáng ngờ ở các khu vực khác của tuyến giáp.
  • Loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ (bóc tách hạch). Khi cắt bỏ tuyến giáp, bác sĩ cũng có thể loại bỏ các hạch bạch huyết gần đó.

Giống như các phẫu thuật khác, mổ tuyến giáp cũng có nguy cơ gây chảy máu và nhiễm trùng. Ngoài ra, bạn có thể bị tổn thương tuyến cận giáp, dẫn đến mức canxi trong cơ thể thấp.

Trong một vài trường hợp, dây thần kinh liên quan đến dây thanh âm không hoạt động bình thường sau phẫu thuật. Điều này có thể gây ra liệt dây thanh âm, khàn giọng, thay đổi giọng nói và khó thở. Các phương pháp điều trị có thể đảo ngược hoặc cải thiện các vấn đề thần kinh.

Liệu pháp thay thế hormone giáp trạng

Sau khi cắt tuyến giáp, bạn có thể dùng thuốc hormone tuyến giáp levothyroxine suốt đời.

Thuốc này có hai lợi ích: Nó cung cấp hormone bị thiếu mà tuyến giáp thường sản xuất và ngăn chặn việc sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH) từ tuyến yên. Nồng độ TSH cao có thể kích thích bất kỳ tế bào ung thư còn lại để phát triển.

Liệu pháp Iod phóng xạ

Phương pháp iod phóng xạ thường được sử dụng sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để tiêu diệt bất kỳ mô tuyến giáp khỏe mạnh xung quanh khu vực khối u, cũng như các vùng ung thư tuyến giáp siêu nhỏ không được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Điều trị bằng io phóng xạ cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp tái phát.

Iod phóng xạ thường ở dạng viên nang hoặc dung dịch. Chúng được hấp thụ chủ yếu bởi các tế bào tuyến giáp và tế bào ung thư tuyến giáp, do đó có nguy cơ thấp gây hại cho các tế bào khác trong cơ thể.

Tác dụng phụ của phương pháp này có thể bao gồm:

  • Khô miệng
  • Đau miệng
  • Viêm mắt
  • Thay đổi cảm giác vị giác hoặc khứu giác
  • Mệt mỏi

Hầu hết iod phóng xạ rời khỏi cơ thể thông qua nước tiểu trong vài ngày đầu sau khi điều trị. Bạn sẽ được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ người khác khỏi phóng xạ. Chẳng hạn, tạm thời tránh tiếp xúc gần gũi với người khác, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.

Xạ trị ngoài

Liệu pháp xạ trị ngoài có thể được khuyến nghị nếu bạn không thể làm phẫu thuật và ung thư tiếp tục phát triển sau khi điều trị bằng iod phóng xạ. Bác sĩ cũng đề nghị liệu pháp này sau phẫu thuật nếu bạn có nguy cơ tái phát ung thư.

Hóa trị

Hóa trị không được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư tuyến giáp, nhưng đôi khi nó được khuyên dùng cho những người bị ung thư tuyến giáp không biệt hóa (anaplastic). Lúc này, người bệnh có thể cần kết hợp với xạ trị.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích tập trung vào những bất thường cụ thể có trong các tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, phương pháp điều trị bằng thuốc có thể khiến các tế bào ung thư chết.

Trong điều trị ung thư tuyến giáp tiến triển, liệu pháp này tập trung vào các tín hiệu cho biết các tế bào ung thư phát triển và phân chia.

Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Mặc dù được điều trị, ung thư vẫn có thể quay trở lại, ngay cả khi bạn đã cắt bỏ tuyến giáp. Điều này có thể xảy ra nếu các tế bào ung thư siêu nhỏ lan ra ngoài tuyến giáp trước khi nó được loại bỏ.

Ung thư tuyến giáp có thể tái phát trong:

  • Hạch bạch huyết ở cổ
  • Những mô tuyến giáp nhỏ bị sót lại trong quá trình phẫu thuật
  • Các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi và xương

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu định kỳ hoặc xét nghiệm hình ảnh tuyến giáp để kiểm tra các dấu hiệu tái phát ung thư tuyến giáp.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến giáp là gì?

Bạn nên nhớ rằng càng sớm phát hiện ung thư, càng có nhiều cơ hội chữa lành. Nếu bạn đã được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, cần hạn chế sự lan rộng của khối ung thư để việc chữa trị dễ dàng hơn. Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến giáp:

  • Liên hệ với bác sĩ nếu bạn cảm thấy có bướu ở cổ hay khàn giọng
  • Tìm một bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm trong việc phẫu thuật tuyến giáp
  • Uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ

Trong trường hợp thuốc quá mạnh hoặc quá yếu đối với cơ thể, các triệu chứng sau có thể xảy ra:

  • Liều thuốc quá mạnh: run tay, tiêu chảy, đổ mồ hôi hay hồi hộp
  • Liều thuốc quá yếu: xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh, bị khàn giọng hoặc bị táo bón

Ngoài ra, bạn có thể tham gia khám tầm soát ung thư tuyến giáp để có thể gia tăng cơ hội tránh được bệnh này. Phòng bệnh luôn luôn hơn chữa bệnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Ung thư xoang

(44)
Tìm hiểu chungUng thư xoang là bệnh gì?Các xoang cạnh mũi là những không gian nhỏ và rỗng xung quanh mũi, được lót bằng tế bào tiết chất nhầy, giữ cho mũi ... [xem thêm]

Thay đổi sợi bọc tuyến vú

(76)
Thay đổi sợi bọc tuyến vú là một tổn thương lành tính (không phải ung thư) ở vú, xảy ra phổ biến ở phụ nữ còn kinh. Trước đây, tình trạng này còn ... [xem thêm]

Ung thư đại trực tràng

(80)
Tìm hiểu chungUng thư đại trực tràng là gì?Ung thư đại trực tràng xảy ra khi các tế bào ung thư xuất hiện ở đại tràng hoặc trực tràng. Đại tràng, còn ... [xem thêm]

Hội chứng người cá

(47)
Tìm hiểu chungHội chứng người cá là gì?Hội chứng nàng tiên cá hay còn gọi là hội chứng người cá, là một rối loạn phát triển bẩm sinh cực kỳ hiếm ... [xem thêm]

Jet lag

(72)
Tìm hiểu chungJet lag là gì?Jet lag, hay còn gọi là hội chứng jet lag, là một rối loạn giấc ngủ tạm thời có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai khi di chuyển ... [xem thêm]

Cúm A H1N1

(36)
Mùa xuân năm 2009, một chủng virus cúm được phát hiện và đã gây ra đại dịch cúm nghiêm trọng chính là cúm A (H1N1). Virus H1N1 chứa một tổ hợp gene gây cúm ... [xem thêm]

Co thắt Dupuytren

(22)
Tìm hiểu chungCo thắt Dupuytren là bệnh gì?Co thắt Dupuytren là bệnh gây ra các nốt sần, cục u hoặc bướu nhỏ dưới da ngón tay và lòng bàn tay. Bệnh có thể ... [xem thêm]

Viêm khớp vảy nến

(82)
Tìm hiểu chungViêm khớp vảy nến là bệnh gì?Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp xuất hiện ở những bệnh nhân bị mắc bệnh da vảy nến nghiêm ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN