Bọng mắt

(3.83) - 46 đánh giá

Tình trạng bọng mắt thường gây mất thẩm mỹ và khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin trong cuộc sống hằng ngày. Hiểu về tình trạng này sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bọng mắt để giúp bạn hiểu thêm về tình trạng này.

Tìm hiểu chung

Bọng mắt là gì?

Bọng mắt là tình trạng sưng nhẹ hoặc phồng bên dưới mắt. Tình trạng này rất phổ biến, đặc biệt là khi bạn lớn tuổi. Theo tuổi tác, các mô xung quanh mắt, bao gồm một số cơ hỗ trợ mí mắt, bị yếu đi. Mỡ hỗ trợ mắt di chuyển vào mí mắt dưới, gây ra bọng dưới mắt. Chất lỏng cũng có thể tích tụ bên dưới mắt làm tăng độ sưng bọng mắt.

Tình trạng này thường gây mất thẩm mỹ nhưng hiếm khi là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng. Đắp gạc mát tại nhà có thể giúp cải thiện các bọng mắt dưới. Đối với các bọng mắt dai dẳng hoặc gây khó chịu, bạn có thể nhờ đến phương pháp điều trị thẩm mỹ.

Triệu chứng thường gặp

Dấu hiệu và triệu chứng của bọng mắt là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bọng mắt dưới là:

  • Sưng bọng mắt mức độ nhẹ
  • Da chảy xệ
  • Quầng thâm

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ vấn đề nào sau đây:

  • Tình trạng trở nên trầm trọng hoặc dai dẳng
  • Bọng mắt kèm theo mẩn đỏ, ngứa hoặc đau
  • Bọng mắt liên quan đến các bộ phận khác của cơ thể như chân của bạn

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bọng mắt là gì?

Sưng và chảy xệ dưới mắt xuất hiện ngoài ý muốn có thể do những nguyên nhân sau:

  • Sự chuyển động của chất béo từ vùng mắt trên xuống phía dưới
  • Tích tụ chất lỏng quá nhiều dưới mắt
  • Cơ dưới mắt yếu
  • Lão hóa làm da mỏng hơn và có nhiều nếp nhăn, làm cho bọng mắt dễ thấy hơn

Hầu hết các trường hợp, bọng dưới mắt gây mất thẩm mỹ và không liên quan đến vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, nếu bọng mắt dưới bị sưng đỏ và đau, ngứa hoặc có những thay đổi đột ngột, bạn nên đi khám bác sĩ. Những dấu hiệu này có thể là do một phản ứng dị ứng hoặc bệnh lý gây ra.

Mặc dù lão hóa là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, nhiều người chỉ đơn giản có khuynh hướng bị bọng mắt do di truyền. Thông thường, nhiều người trong gia đình hay có chung đặc điểm này, tương tự như có mũi hay khuôn mặt giống nhau.

Trong các trường hợp khác, bọng mắt hình thành do lối sống.Vì vậy, bạn có thể thay đổi lối sống để giảm hoặc loại bỏ vấn đề này.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bọng mắt?

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:

  • Bạn thấy bọng dưới mắt xuất hiện từ khi nào?
  • Các triệu chứng xuất hiện liên tục hay lúc có lúc không?
  • Điều gì (nếu có) giúp cải thiện các triệu chứng của bạn?
  • Điều gì (nếu có), làm triệu chứng của bạn nặng hơn?

Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian thăm khám với bác sĩ. Để hiểu rõ hơn về tình trạng của mình, bạn có thể hỏi bác sĩ một số câu như:

  • Điều gì có thể gây ra các triệu chứng của tôi?
  • Tình trạng này là tạm thời hay mãn tính?
  • Các phương pháp điều trị được khuyến cáo là gì?
  • Chi phí của từng phương pháp điều trị? Bảo hiểm y tế có chi trả các khoản này không?
  • Điều trị có thể mang lại kết quả như thế nào?
  • Tôi có thể làm gì để cải thiện các triệu chứng của mình tại nhà?
  • Tôi nên theo dõi tình trạng này như thế nào?

Đừng ngần ngại đặt bất kỳ câu hỏi nào.

Những phương pháp dùng để điều trị bọng mắt là gì?

Bọng mắt thường là vấn đề về thẩm mỹ và không yêu cầu điều trị đặc hiệu. Lối sống và các biện pháp tại nhà có thể giảm bớt hoặc loại bỏ tình trạng này.

Phương pháp điều trị y tế và phẫu thuật có thể được tiếp cận để cải thiện bề ngoài của bạn. Điều trị thường không được bảo hiểm y tế chi trả nếu chỉ với mục đích thẩm mỹ.

Thuốc

Nếu bạn nghĩ nguyên nhân gây bọng mắt dưới là do dị ứng, hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc dị ứng theo toa.

Phương pháp điều trị

Nhiều phương pháp điều trị nếp nhăn khác nhau được sử dụng để cải thiện sự xuất hiện của bọng dưới mắt. Chúng bao gồm laser tái tạo bề mặt da, lột da bằng hóa chất và tiêm xoá nhăn giúp cải thiện da, căng da và trẻ hóa phần da dưới mắt.

Phẫu thuật mí mắt

Phẫu thuật mí mắt là một lựa chọn để loại bỏ bọng mắt. Bác sĩ sẽ phẫu thuật ngay dưới lông mi trong nếp gấp tự nhiên của mắt hoặc bên trong mí dưới nhằm loại bỏ hoặc tái phân phối chất béo dư thừa, cơ và da bị chảy xệ, sau đó khâu mép cắt với loại chỉ tự tiêu rất nhỏ. Thủ thuật này thường được thực hiện như một thủ thuật ngoại trú.

Ngoài cắt bỏ bọng dưới mắt, phẫu thuật mí mắt cũng có thể được thực hiện để điều trị:

  • Túi mắt và sưng phồng mí trên
  • Sụp mí mắt trên gây cản trở tầm nhìn của bạn
  • Xệ các mí, có thể nhìn thấy tròng trắng dưới mống mắt – phần có màu của mắt
  • Da dư thừa ở mí mắt dưới

Nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro của phẫu thuật mí mắt, trong đó bao gồm nhiễm trùng, khô mắt, các vấn đề thị lực, tuyến nước mắt và vị trí mí mắt.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bọng mắt?

Thay đổi lối sống và thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp bạn đối phó với bọng dưới mắt:

  • Sử dụng gạc mắt. Làm ướt khăn sạch với nước lạnh. Trong khi ngồi, áp khăn ẩm lên vùng da dưới và xung quanh mắt của bạn vài phút và ấn nhẹ.
  • Ngủ đủ giấc. Đối với hầu hết người trưởng thành, ngủ 7-8 tiếng một đêm là vừa đủ.
  • Kê đầu cao khi ngủ. Điều này giúp ngăn ngừa dịch tích tụ xung quanh mắt khi bạn ngủ. Bạn có thể đặt thêm một chiếc gối dưới đầu hoặc dựng đầu nệm hơi cao lên một chút.
  • Giảm các triệu chứng dị ứng. Một cách hạn chế bọng mắt khác chính là tránh bị dị ứng. Nếu đã bị dị ứng, bạn có thể thử uống các loại thuốc chống dị ứng không cần kê toa. Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ về những cách phòng ngừa nếu bạn đã từng bị sưng mi mắt do thuốc nhuộm tóc, xà phòng, mỹ phẩm hay các chất gây dị ứng khác.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Vàng da

(71)
Tìm hiểu chungVàng da là bệnh gì?Vàng da hay còn gọi là “vàng mắt” hoặc “vàng củng mạc mắt”. Đây là tình trạng da và tròng trắng mắt bị xỉn vàng, ... [xem thêm]

Ung thư miệng

(39)
Tìm hiểu chungUng thư miệng là bệnh gì?Ung thư miệng là ung thư phát triển trong mô của vùng miệng. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ phần nào trong miệng như ... [xem thêm]

Hội chứng Brown-Séquard

(57)
Tìm hiểu chungHội chứng Brown-Séquard là gì?Hội chứng Brown-Séquard là một chứng rối loạn cột sống do chấn thương ở một bên của tủy sống, trong đó tủy ... [xem thêm]

Morphea

(37)
Tìm hiểu chungMorphea là gì?Morphea là một tình trạng da có liên quan đến một mảng hay nhiều mảng da bị đổi màu hoặc dày cứng trên mặt, cổ, tay, thân hoặc ... [xem thêm]

Hẹp động mạch thận

(30)
Định nghĩaHẹp động mạch thận là bệnh gì?Hẹp động mạch thận là sự thu hẹp của một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận (động mạch thận). ... [xem thêm]

Loét tá tràng

(42)
Tá tràng là phần đầu của ruột non, bộ phận đảm đương trách nhiệm tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa diễn ra. Nhiệm vụ của tá tràng là điều tiết ... [xem thêm]

Viêm phổi do phế cầu

(13)
Tìm hiểu chungViêm phổi do phế cầu là bệnh gì?Streptococcus pneumoniae hay phế cầu là một vi khuẩn Gram dương, tán huyết alpha (trong điều kiện hiếu khí) hoặc ... [xem thêm]

Tim đập nhanh

(65)
Tìm hiểu chungTim đập nhanh là bệnh gì?Tim đập nhanh hay nhịp tim nhanh là cảm giác khi tim của bạn đập nhanh hơn bình thường hoặc lỡ một nhịp. Bạn có thể ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN