Bệnh gút nguyên nhân, điều trị và dự phòng

(3.6) - 56 đánh giá

Tổng quan

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút (gout, hay bệnh thống phong) là căn bệnh đặc trưng bởi cơn đau dữ dội và bất ngờ, sưng tấy và đau khi ấn lên các khớp xương, thường là khớp ngón chân cái. Bệnh gút, một dạng phức tạp của viêm khớp , có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Đàn ông thường bị nhiều hơn, nhưng phụ nữ cũng có nguy cơ mắc bệnh sau khi mãn kinh.

Cơn đau cấp tính do bệnh gút có thể đánh thức bạn dậy vào giữa đêm với cảm giác ngón chân cái của mình đang cháy! Khớp bị ảnh hưởng thường nóng, sưng tấy và đau đến mức một tấm chăn đắp lên nó cũng làm bạn không thể chịu nỗi. May thay, gút là một bệnh có thể điều trị, và có nhiều cách để làm giảm nguy cơ tái phát.

Triệu chứng

Những triệu chứng của bệnh gút

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút gần như luôn xảy ra cấp tính, đột ngột, thường vào ban đêm và không có cảnh báo. Chúng bao gồm:

  • Đau khớp dữ dội. Bệnh gút thường ảnh hưởng những khớp lớn trên ngón chân cái, nhưng nó có thể xảy ra ở bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, bàn tay và cổ tay. Cơn đau thường nghiêm trọng nhất trong 12 đến 24 giờ sau khi bắt đầu.
  • Khó chịu kéo dài. Sau khi cơn đau nghiêm trọng nhất giảm xuống, sự khó chịu ở những khớp bị ảnh hưởng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Những cơn đau sau đó có thể sẽ kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp.
  • Viêm và đỏ tấy. Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng tấy, đỏ và đau.

Ảnh minh họa bệnh gút

Khi nào nên gặp bác sĩ để khám bệnh gút bệnh

Nếu bạn thấy đau bất ngờ và dữ dội ở một khớp xương nào đó, hãy đi khám bác sĩ. Bệnh gút mà không được điều trị sẽ làm bạn đau ngày càng nặng hơn và dẫn đến tổn thương khớp.

Hãy tìm chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn bị sốt và có khớp xương sưng, nóng, đỏ hoặc đau. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây bệnh gút?

Bệnh gút xảy ra khi tinh thể urat tích tụ trong khớp, gây ra viêm và những cơn đau dữ dội đặc trưng cho căn bệnh. Tinh thể urat có thể hình thành khi bạn có mức acid uric trong máu cao. Cơ thể sản xuất acid uric khi purin bị phá vỡ qua quá trình chuyển hóa. Purin là chất thường tồn tại tự nhiên trong cơ thể, cũng như trong một số thực phẩm nhất định, như nội tạng, cá cơm, cá trích, măng tây và nấm.

Thông thường, acid uric tan trong máu và được lọc qua thận để thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, đôi khi cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric hoặc thận thải ra (bài tiết) quá ít acid uric. Khi đó, acid uric có thể tích tụ trong cơ thể, hình thành những tinh thể urat sắc nhọn tại các khớp hoặc các mô bao quanh gây đau, viêm và sưng tấy.

Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút?

Bạn dễ bị bệnh gút hơn nếu có mức acid uric trong máu cao. Một số yếu tố làm tăng mức acid uric trong cơ thể bao gồm:

  • Lối sống. Những lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày của bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Uống rượu quá mức (hơn 2 ly/ngày ở nam giới và hơn 1 ly/ngày ở nữ giới) sẽ tăng nguy cơ bệnh gút.
  • Một số tình trạng bệnh. Một số tình trạng bệnh cũng làm tăng nguy cơ bệnh gút. Chúng bao gồm tình trạng huyết áp cao không được điều trị và các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao mỡ máu, và xơ cứng động mạch.
  • Một số thuốc. Việc sử dụng các thuốc lợi tiểu thiazide (thường dùng trong điều trị cao huyết áp ) và aspirin liều thấp cũng có thể làm tăng acid uric máu. Thuốc chống thải ghép cũng có tác dụng tương tự.
  • Bệnh sử gia đình. Nếu các thành viên khác trong gia đình đã mắc bệnh gút, bạn có nhiều khả năng bị bệnh.
  • Tuổi và giới tính. Bệnh gút thường xảy ra ở nam giới hơn là nữ giới, chủ yếu là vì nữ giới có xu hướng có mức acid uric máu thấp hơn nam giới. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, mức acid uric trong máu phụ nữ trở nên gần bằng nam giới. Đàn ông cũng có nhiều khả năng bị bệnh gút sớm (thường là trong độ tuổi 40 và 50) trong khi phụ nữ thường có các dấu hiệu và triệu chứng bệnh gút sau mãn kinh.

Biến chứng

Bệnh gút gây biến chứng gì?

Bệnh nhân gút có thể gặp các tình trạng bệnh nặng nề hơn như:

  • Bệnh gút tái phát. Một số người bị bệnh gút lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm. Thuốc có thể giúp ngăn chặn cơn đau ở những bệnh nhân này.
  • Bệnh gút giai đoạn muộn. Nếu không điều trị, bệnh gút có thể làm các mảng tinh thể urat hình thành dưới da trong những nốt gọi là hạt tophi. Hạt tophi có thể xuất hiện ở một số vùng như ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hoặc gân gót chân (gân Achilles). Hạt tophi thường không đau đớn, nhưng chúng có thể trở nên sưng đau khi cơn đau bệnh gút tái diễn.
  • Sỏi thận. Tinh thể urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu của bệnh nhân bị gút gây ra bệnh sỏi thận. Thuốc có thể giúp giảm nguy cơ bị sỏi thận.

Chuẩn bị cho cuộc hẹn của bạn

Bệnh gút cần chuẩn bị gì cho cuộc hẹn

Hãy hẹn khám bác sĩ nếu bạn có triệu chứng thường gặp của bệnh gút được miêu tả ở trên. Sau khi thăm khám, bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ khác có chuyên môn cao hơn về chẩn đoán và điều trị viêm khớp.

Dưới đây là một số thông tin giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn, và những gì có thể mong đợi từ bác sĩ.

Những gì bạn có thể làm

  • Viết ra các triệu chứng, bao gồm khi nào chúng bắt đầu và độ thường xuyên xảy ra.
  • Ghi lại những sự kiện quan trọng, chẳng hạn như những thay đổi gần đây hoặc những căng thẳng lớn trong cuộc sống hiện tại.
  • Ghi ra thông tin sức khỏe của bạn, bao gồm mọi tình trạng bệnh mà bạn đang mắc phải, phương thức điều trị và tên của mọi loại thuốc, vitamin cũng như các chất bổ sung mà bạn đang dùng. Bác sĩ cũng sẽ muốn biết liệu bạn có người thân bị bệnh gút hay không.
  • Có thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng, nếu có thể. Đôi khi bạn thấy khó nhớ tất cả các thông tin mà bác sĩ cung cấp cho bạn. Người đi cùng có thể nhớ một điều gì đó mà bạn đã quên.
  • Viết ra câu hỏi để hỏi bác sĩ. Lên danh sách các câu hỏi trước khi đến khám có thể giúp bạn tận dụng tối đa thời gian nói chuyện với bác sĩ.

Câu hỏi để hỏi tại cuộc hẹn với bác sĩ gia đình thường bao gồm:

  • Nguyên nhân nào có thể gây nên các triệu chứng hoặc tình trạng này?
  • Những xét nghiệm mà bác sĩ đề nghị là gì?
  • Nếu các xét nghiệm trên không xác định được nguyên nhân gây bệnh, những xét nghiệm cần bổ sung là gì?
  • Có phương pháp điều trị hoặc cách thay đổi lối sống nào có thể cải thiện triệu chứng của tôi không?
  • Tôi cần phải hạn chế làm những điều gì trong khi chẩn đoán hay điều trị?
  • Tôi có cần gặp bác sĩ chuyên khoa không?

Câu hỏi để hỏi tại cuộc hẹn với bác sĩ chuyên khoa thường bao gồm:

  • Tôi có bị bệnh gút không?
  • Những phương pháp điều trị nào là hiệu quả nhất?
  • Các tác dụng phụ có thể có do điều trị là gì?
  • Nếu các thuốc này gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc không có hiệu quả, biện pháp tiếp theo mà bác sĩ đề nghị là gì?
  • Khoảng bao lâu sau khi bắt đầu điều trị thì triệu chứng của tôi mới có khả năng cải thiện?
  • Tôi có cần phải dùng thuốc lâu dài không?
  • Tôi đang mắc những bệnh khác. Làm thế nào để chữa những bệnh này cùng một lúc?
  • Tôi có cần thay đổi chế độ ăn uống hay không?
  • Tôi có được uống rượu không?
  • Bác sĩ có thể cho tài liệu hoặc giới thiệu website để tôi tìm hiểu thêm về bệnh này không?

Nếu có thêm câu hỏi nào khác trong cuộc hẹn, hãy đừng ngần ngại hỏi bác sĩ.

Những gì mong đợi từ bác sĩ khi khám bệnh gút

Bác sĩ thường hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến bệnh gút. Việc chuẩn bị sẵn câu trả lời sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian để tập trung vào những điểm bạn muốn hỏi kỹ hơn. Bác sĩ có thể hỏi:

  • Các triệu chứng của bạn là gì?
  • Những triệu chứng này xảy ra ở đâu trên cơ thể của bạn?
  • Những triệu chứng này xuất hiện đầu tiên khi nào?
  • Các triệu chứng xuất hiện và biến mất? Chúng xảy ra thường xuyên không?
  • Có thứ gì làm khởi phát các triệu chứng của bạn không? Chẳng hạn như một số loại thực phẩm, căng thẳng về thể chất hoặc tình cảm?
  • Bạn có đang điều trị bệnh nào khác không?
  • Hãy cho biết những thuốc mà bạn đang dùng, kể cả những loại thuốc mua không cần kê toa, các loại vitamin và chất bổ sung.
  • Trong cha mẹ, anh chị em của bạn có ai bị bệnh gút không?
  • Bạn thường ăn những gì trong một ngày?
  • Bạn có uống rượu không? Nếu uống thì bao nhiêu và bao lâu một lần?
  • Bạn có băn khoăn về điều gì không?

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bệnh gút được chẩn đoán như thế nào?

Các xét nghiệm giúp cho việc chẩn đoán bệnh gút có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm dịch khớp. Bác sĩ có thể dùng một cây kim để hút dịch lỏng từ khớp bị đau của bạn mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi. Dịch khớp của bạn có thể chứa các tinh thể urat.
  • Xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để đo mức acid uric trong máu của bạn. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu có thể gây hiểu lầm vì một số người có mức acid uric cao nhưng lại không bao giờ mắc bệnh gút. Ngược lại, một số người có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút, nhưng mức acid uric trong máu lại vẫn ở trong mức bình thường.

Điều trị

Điều trị bệnh gút

Bệnh gút thường được điều trị bằng thuốc và những thay đổi trong lối sống. Những loại thuốc sẽ được lựa chọn dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Thuốc có thể được chỉ định để chữa những cơn đau cấp tính do bệnh gút, ngăn những cơn đau trong tương lai cũng như giảm nguy cơ bị biến chứng.

Bệnh gút (cơn gút) thuốc để điu trị cơn đau

Thuốc dùng để điều trị cơn gút và ngăn tái phát cơn gút bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). NSAID có thể cải thiện tình trạng viêm và đau ở những người bị bệnh gút. Bác sĩ có thể kê toa với liều cao để chữa cơn đau cấp tính do bệnh gút, tiếp đó là liều thấp hơn dùng hàng ngày để ngăn ngừa cơn đau tái phát.

Thuốc NSAID bao gồm những loại thuốc mua không cần toa bác sĩ như ibuprofen và naproxen, cũng như những loại mạnh hơn cần kê toa như indomethacin. NSAIDs có tác dụng phụ là làm đau dạ dày, chảy máu và viêm loét dạ dày.

  • Colchicine. Nếu bạn không thể dùng các thuốc NSAIDs, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thử colchicine, một loại thuốc có thể làm giảm cơn đau do bệnh gút một cách hiệu quả, nhất là khi uống ngay sau khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Sau khi chữa khỏi cơn gút, bác sĩ có thể kê toa colchicine với liều thấp hàng ngày để phòng ngừa tái phát.
  • Corticosteroid. Thuốc corticosteroid như prednisone có thể kiểm soát tình trạng viêm và đau đớn xảy ra do bệnh gút. Corticosteroid có thể được uống dưới dạng thuốc viên, hoặc được tiêm vào khớp. Trong cùng một lần khám, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid vào khớp sau khi hút dịch khớp ra ngoài bằng kim để thử nghiệm. Corticosteroids thường được chỉ định cho những người không dùng được NSAID hoặc colchicine.

Corticoid có thể làm xương mỏng đi, làm vết thương lâu lành và cơ thể giảm khả năng chống lại nhiễm trùng. Để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cố gắng cải thiện triệu chứng bằng liều thấp nhất cũng như dùng steroid trong thời gian ngắn nhất.

Thuốc để ngăn ngừa biến chứng do bệnh gút

Nếu bạn bị một vài cơn gút mỗi năm hoặc nếu những cơn gút ít xuất hiện hơn nhưng dữ dội hơn, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng thuốc giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh gút.

Các lựa chọn bao gồm:

  • Thuốc ngăn chặn sản xuất acid uric. Thuốc được gọi là chất ức chế men xanthine oxidase, bao gồm allopurinol và febuxostat, làm giảm lượng acid uric mà cơ thể tạo ra. Điều này có thể làm giảm mức acid uric trong máu và giảm nguy cơ bị bệnh gút. Tác dụng phụ của allopurinol bao gồm phát ban và giảm số lượng tế bào máu. Tác dụng phụ febuxostat là phát ban, buồn nôn và suy giảm chức năng gan.

Chất ức chế xanthine oxidase có thể kích phát một cơn đau gút mới nếu sử dụng trước khi cơn gút gần đây chưa được hoàn toàn giải quyết. Việc dùng colchicine liều thấp trong thời gian ngắn trước khi chuyển sang chất ức chế xanthine oxidase đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ này.

  • Thuốc làm tăng đào thải acid uric. Probenecid giúp thận cải thiện khả năng loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể. Điều này có thể làm giảm mức acid uric trong máu và giảm nguy cơ bệnh gút, nhưng mức axid uric trong nước tiểu sẽ tăng lên. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm phát ban, đau dạ dày và sỏi thận.

Điều chỉnh lối sống

Bệnh gút thì cần lối sống như thế nào

Thuốc là phương thức điều trị bệnh gút hiệu quả nhất đã được chứng minh. Tuy nhiên, một số thay đổi trong chế độ ăn uống của bạn cũng có thể giúp ích.

Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ khuyến khích bệnh nhân nên theo những hướng dẫn sau đây khi bị cơn đau do bệnh gút:

  • Uống 8-16 ly (khoảng 2-4 lít) nước mỗi ngày trong đó có ít nhất một nửa là nước nguyên chất.
  • Tránh uống rượu.
  • Ăn một lượng vừa phải chất đạm, tốt nhất là từ các nguồn lành mạnh, ví dụ như các sản phẩm từ sữa ít hoặc không có chất béo, đậu phụ, trứng, và bơ đậu phụng.
  • Hạn chế lượng thịt gia súc, cá, hải sản và thịt gia cầm hàng ngày trong khoảng 113-170 gram.

Liệu pháp thay thế

Bệnh gút những phương pháp điều trị thay thế

Nếu việc điều trị bệnh gút không hiệu quả như kỳ vọng, bạn có thể muốn thử một vài cách tiếp cận khác. Trước khi thử những cách này, hãy trao đổi với bác sĩ để cân nhắc những lợi ích và rủi ro của chúng cũng như tìm hiểu xem liệu chúng có ảnh hưởng đến những loại thuốc chữa gút mà bạn đang dùng. Vì không có nhiều nghiên cứu về liệu pháp thay thế cho bệnh gút, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ không biết rõ những rủi ro của chúng.

Một số thực phẩm đã được nghiên cứu về tiềm năng của chúng trong việc giảm mức acid uric, bao gồm:

  • Cà phê. Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa việc uống cà phê và mức acid uric thấp hơn, mặc dù không có nghiên cứu nào trả lời tại sao hay bằng cách nào cà phê có tác dụng ấy. Những bằng chứng hiện có không đủ mạnh để khuyến khích những người không uống cà phê bắt đầu việc này, nhưng nó có thể cho các nhà nghiên cứu manh mối để tìm ra cách điều trị bệnh gút mới trong tương lai.
  • Vitamin C. Chất bổ sung có chứa vitamin C có thể làm giảm mức acid uric trong máu. Tuy nhiên, vitamin C chưa được nghiên cứu như là một loại thuốc điều trị bệnh gút. Đừng cho rằng nếu một ít vitamin C là tốt cho bạn thì dùng càng nhiều là càng tốt. Vitamin C với liều lớn có thể làm tăng mức acid uric trong cơ thể. Hãy hỏi bác sĩ về liều lượng vitamin C hợp lý và đừng quên rằng bạn có thể có vitamin C bằng cách ăn nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là cam.
  • Quả anh đào. Quả anh đào có liên quan đến mức acid uric thấp hơn trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên, người ta vẫn không rõ hiệu quả của anh đào lên các dấu hiệu và triệu chứng bệnh gút. Việc ăn nhiều quả anh đào và quả có màu sậm khác như mâm xôi, việt quất, nho tím,… có thể là một cách an toàn để bổ trợ cho điều trị. Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi bắt đầu.

Những phương pháp điều trị bổ sung và thay thế khác có thể giúp bạn thấy thoải mái hơn cho đến khi cơn đau thuyên giảm hoặc khi thuốc có tác dụng. Ví dụ, kỹ thuật thư giãn, như các bài tập hít thở sâu và thiền định, có thể giúp bạn quên đi sự đau đớn.

Phòng chống

Bệnh gút cách phòng chống

Trong thời gian không có triệu chứng, những hướng dẫn liên quan đến chế độ ăn uống sau đây có thể giúp phòng ngừa tái phát các cơn đau do bệnh gút:

  • Uống nhiều nước. Nhắm đến việc uống từ 8 đến 16 ly (khoảng 2-4 lít) nước mỗi ngày, có ít nhất một nửa là nước nguyên chất. Hạn chế lượng đồ uống có đường, đặc biệt là những thức uống có nhiều siro bắp.
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu. Hãy hỏi bác sĩ về lượng cũng như loại rượu bia mà bạn có thể uống. Những bằng chứng gần đây cho thấy bia có thể làm tăng nguy cơ bệnh gút, đặc biệt là ở nam giới.
  • Theo chế độ ăn uống cân bằng. Chế độ ăn uống hàng ngày nên có nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các sản phẩm sữa không hoặc ít chất béo.
  • Dùng protein từ các sản phẩm sữa ít chất béo. Các sản phẩm sữa ít chất béo có thể phòng bệnh gút, vì vậy đây là nguồn protein tốt nhất mà bạn nên lựa chọn.
  • Hạn ch ế ăn thịt gia súc, cá, hải sản và gia cầm. Một lượng nhỏ thịt có thể chấp nhận được, nhưng hãy chú ý tới loại và lượng thịt có khả năng làm bạn gặp rắc rối.
  • Duy trì cân nặng thích hợp. Việc giảm cân có thể làm giảm mức acid uric trong cơ thể. Tuy nhiên, hãy tránh nhịn đói hoặc giảm cân nhanh chóng vì những việc này có thể làm tăng mức acid uric tạm thời.

Tài liệu tham khảo

http://www.mayoclinic.com/health/gout/DS00090

Biên dịch - Hiệu đính

BS.TS. Phạm Nguyên Quý - BS. Lâm Xuân Nhã
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Kiểm soát và phòng ngừa cao huyết áp

(91)
Huyết áp là gì? Huyết áp là lực đẩy của máu tác động lên thành các mạch máu (động mạch). Động mạch mang máu từ tim đến phổi, ở đây máu nhận oxy, ... [xem thêm]

Những điều cần biết về cao huyết áp

(63)
Tổng quan Huyết áp là gì? Huyết áp là lực mà máu của bạn tác động lên thành động mạch khi chúng di chuyển trong cơ thể. Một cách cụ thể hơn, động ... [xem thêm]

Sự hình thành cục máu đông ở bệnh nhân ung thư

(66)
Sự hình thành cục máu đông là tình trạng rối loạn nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Huyết khối có nguy cơ hình thành cao hơn ở những bệnh nhân ... [xem thêm]

Làm gì khi mức cholesterol cao

(80)
TỔNG QUAN Cholesterol là gì? Cholesterol là một chất béo quan trọng, được dùng vào việc bảo vệ các dây thần kinh, tạo nên màng tế bào và là nguyên ... [xem thêm]

Bệnh gút nguyên nhân, điều trị và dự phòng

(56)
Tổng quan Bệnh gút là gì? Bệnh gút (gout, hay bệnh thống phong) là căn bệnh đặc trưng bởi cơn đau dữ dội và bất ngờ, sưng tấy và đau khi ấn lên các ... [xem thêm]

Huyết áp thấp nguyên nhân, điều trị và dự phòng

(44)
Huyết áp thấp là gì? Huyết áp thấp thoạt nghe có vẻ như là mục tiêu để phấn đấu vì cao huyết áp có thể gây nên nhiều biến chứng đáng sợ. Tuy nhiên, ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN