Bạo hành bằng lời nói có thể để lại những tổn thương tâm lý đau đớn chẳng kém bất kỳ hành vi bạo hành thể chất nào. Để bảo vệ bản thân, bạn cần tìm cách nhận diện và vượt qua bạo lực lời nói trong cuộc sống hằng ngày.
Bạo hành lời nói tuy không gây ra vết thương có thể thấy được nhưng lại khiến bạn trở nên tự ti, không dám thử cái mới hay nghiêm trọng hơn là trầm cảm. Để tránh được những hậu quả tâm lý nặng nề này, bạn hãy cùng tìm hiểu về hình thức bạo hành này nhé.
Bạo hành lời nói là gì?
Bạo hành thể chất, bạo hành trên mạng xã hội hay bạo hành tình dục khá rõ ràng nên nạn nhân thường nhận dễ nhận ra mình đang bị bạo hành. Thế nhưng khi bị bạo lực bằng lời nói, chính nạn nhân đôi khi cũng không nhìn thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề và không nhận ra mình đang bị ngược đãi.
Bạo hành lời nói thường liên quan đến những lời nói gây tổn hại về mặt cảm xúc cho người khác. Những câu nói nặng nề khiến nạn nhân thường thấy mình không có giá trị, không giỏi giang hay kém thông minh.
Cách nhận biết các hành vi bạo hành bằng lời nói
Để biết mình có đang bị bạo hành lời nói hay không, bạn cần nắm được hành vi của người bạo hành. Cụ thể, họ thường có những hành vi sau:
- Đặt biệt danh xấu cho bạn: Một biệt danh khiến bạn tự ti chính là một dạng bạo hành lời nói, dù mọi người xung quanh nghĩ biệt danh này “nghe vui” hay “dễ thương”.
- Luôn tìm cách làm bạn ngượng ngùng: Họ có thể mỉa mai hay chế nhạo vóc dáng, cách ăn mặc, cách đi đứng… Tất cả chỉ để khiến bạn cảm thấy mình thấp kém và đáng xấu hổ. Hành động này có thể xảy ra ở nơi riêng tư hay công cộng.
- Họ trêu ghẹo bạn: Những người bạo hành lời nói sẽ biến bạn thành tâm điểm của những câu trêu đùa của họ. Họ có thể xem việc chọc ghẹo này chỉ là những câu nói đùa. Tuy nhiên, nếu những câu nói này không vui vẻ thì đây chính là bạo lực lời nói.
- Luôn chỉ trích bạn: Cho dù ở nơi công cộng hay riêng tư, những lời chỉ trích không có tính xây dựng đều có thể khiến bạn bị tổn thương. Vậy nên, việc liên tục chỉ trích người khác chính là hành vi bạo lực lời nói.
- Lớn tiếng với bạn: Việc la hét, lớn tiếng hay thậm chí là dùng những từ ngữ không lịch sự để nói chuyện là hành vi bạo hành lời nói.
- Đe dọa bạn: Sự đe dọa dù chỉ bằng lời nói cũng là một hành vi bạo hành lời nói nghiêm trọng. Những lời đe dọa này khiến bạn lo sợ và dễ dàng bị thao túng, kiểm soát.
Bạn có thể quan tâm: Bạo lực gia đình
Ảnh hưởng của bạo lực lời nói
Bạo lực bằng lời nói có tác động lâu dài đến nạn nhân. Nạn nhân dễ gặp những vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm hay thậm chí là rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-Traumatic Stress Disorder – PTSD).
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ bị bạo hành lời nói ở nhà hoặc ở trường có nguy cơ trầm cảm và lo lắng cao hơn khi trưởng thành.
Bạo lực bằng lời nói cũng có thể khiến nạn nhân tin vào những điều rất tiêu cực về bản thân. Nạn nhân có thể cho rằng bản thân mình không có giá trị và không thể thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tâm lý này tác động tiêu cực đến mọi yếu tố trong cuộc sống của nạn nhân như học tập, mối quan hệ và công việc.
Cách vượt qua ảnh hưởng của bạo hành lời nói
Việc nhận ra các hành vi bạo hành lời nói chưa đủ để bạn tránh khỏi những ảnh hưởng chúng. Bạn cần có những cách để bảo vệ bản thân khỏi những câu nói gây tổn thương.
Thể hiện thái độ của bạn
Bạn cần tỏ rõ mình không vui khi nghe những câu đùa ác ý, những biệt danh xấu, những câu chỉ trích không có tính xây dựng… Việc tỏ thái độ một cách bình tĩnh sẽ khiến người khác hiểu rằng bạn không chấp nhận việc bị bạo hành và sẽ có cách phản kháng nếu việc này tiếp diễn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Bạo lực lời nói có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài nhưng bạn có thể khắc phục bằng cách tìm đến bác sĩ tâm lý hay chuyên gia trị liệu. Các bé bị bạo lực lời nói ở trường có thể nhờ thầy cô, ba mẹ giúp đỡ để được học tập trong một môi trường lành mạnh hơn. Sau khi được giúp đỡ, nạn nhân sẽ có thể kiểm soát tâm trạng của mình tốt hơn và tránh xa suy nghĩ tiêu cực.
Tránh những người tiêu cực
Một cách đơn giản để bảo vệ bản thân là tránh những người hay chỉ trích hay trêu ghẹo bạn. Các bé trong độ tuổi đi học có thể tránh đi một mình tới những góc vắng trong trường. Nếu bạn đã đi làm, hãy cân nhắc việc đổi bộ phận hay thôi việc. Nếu bạn bị bạo hành lời nói ở nhà, hãy tạo khoảng cách với người thân hay chỉ trích bạn và ngừng lắng nghe những gì họ nói.
Bạn nên dành thời gian nhiều hơn với những người sống tích cực. Bạn hãy tìm kiếm những người bạn giúp mình cảm thấy có giá trị, tự tin và vui vẻ hơn. Điều này sẽ giúp bạn cân bằng và chữa lành cảm xúc của mình.
Bạo hành lời nói tuy không để lại những dấu vết rõ ràng trên cơ thể nhưng lại có ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ và cả hiệu quả công việc của bạn. Do đó, bạn hãy bảo vệ bản thân bằng cách tránh xa những người tiêu cực và xây dựng sự tự tin cho mình. Đặc biệt, bạn cũng nên cẩn trọng lời nói của mình vì chúng có thể vô tình gây ra những tổn thương khó chữa lành cho những người xung quanh.