Vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn, từ từ sẽ ngưng hẳn quá trình này. Sau đó phụ nữ sẽ phải trải qua khá nhiều các thay đổi như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn vận mạch (bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, tim đập nhanh), mất ngủ, tính khí thất thường, giọng trầm hơn và tăng sản xuất lông mặt.
Khô âm đạo là một vấn đề thường gặp khác đối với phụ nữ trong và sau thời kỳ mãn kinh, mặc dù điều này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khô âm đạo có thể làm cho cuộc giao hợp trở nên khó chịu khiến bạn cảm thấy đau rát và chảy máu âm đạo do rách mô khi quan hệ. Chị em đừng để tình trạng trên làm đảo lộn cuộc sống của mình mà hãy tìm ra các phương pháp điều trị qua các gợi ý trong bài nhé.
Nguyên nhân nào khiến bạn bị khô âm đạo?
Thông thường, thành âm đạo sẽ luôn được bôi trơn nhờ các lớp dịch mỏng trong suốt tạo ra bởi hormone estrogen. Nội tiết tố này giúp lớp lót âm đạo được khỏe mạnh, dày và đàn hồi. Đến thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen sẽ giảm xuống dẫn đến độ ẩm trong âm đạo cũng giảm theo, khiến âm đạo trở nên mỏng đi và kém đàn hồi. Tình trạng này được gọi là teo âm đạo.
Ngoài mãn kinh, tình trạng sụt giảm nồng độ estrogen còn do:
- Sinh con và cho con bú;
- Xạ trị hoặc hóa trị ung thư;
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng;
- Thuốc kháng estrogen được dùng để điều trị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
Các nguyên nhân khác của chứng khô âm đạo bao gồm:
- Hội chứng Sjogren (rối loạn hệ miễn dịch với triệu chứng đặc trưng là khô mắt và khô miệng);
- Do thuốc cảm, thuốc chống dị ứng và thuốc chống trầm cảm;
- Thụt rửa âm đạo;
- Thiếu màn dạo đầu trước khi quan hệ tình dục.
Dù bất kể nguyên nhân nào, khi bị khô âm đạo phụ nữ cũng sẽ cảm thấy rất khó chịu, ngứa, nóng rát, và đau khi giao hợp.
Các triệu chứng của khô âm đạo
Thiếu chất nhờn âm đạo
Âm đạo được bôi trơn bởi chất lỏng và nhầy ở cổ tử cung. Chất nhờn tiết ra ít hơn trong và sau thời kỳ mãn kinh làm âm đạo trở nên khô hơn và mỏng manh hơn. Đôi khi ngay cả khi đi bộ, chơi thể thao hoặc mặc một số loại đồ lót cũng có thể ảnh hưởng và gây khó chịu.
Đau khi quan hệ tình dục và giảm ham muốn tình dục
Âm đạo khô và nhạy cảm khiến quan hệ tình dục trở nên vô cùng đau đớn và chảy máu khi không có chất bôi trơn. Điều này dẫn đến việc phụ nữ không còn khoái cảm và có thể có ảnh hưởng đến mối quan hệ.
Dễ nhiễm trùng
Khô âm đạo cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu do các mô mỏng dần làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo. Nồng độ estrogen giảm đi khiến độ pH âm đạo thay đổi theo, tạo điều kiện cho “vi khuẩn xấu” sinh sôi nảy nở làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
Cảm giác khó chịu
Triệu chứng phổ biến nhất của chứng khô âm đạo là kích ứng, ngứa hoặc nóng rát. Bạn cũng có thể trở nên buồn tiểu và tiểu gấp nhiều hơn.
Bạn nên điều trị khô âm đạo như thế nào?
Tránh dùng các sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm
Hãy ngừng việc sử dụng các sản phẩm có nước hoa như xà phòng, gel tắm và các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có chất tẩy rửa mạnh. Chúng đều có thể trở thành tác nhân gây kích thích âm đạo và làm trầm trọng thêm các triệu chứng khô âm đạo. Tương tự như vậy, bột giặt và nước xả sinh học cũng có thể gây hại cho vùng kín của bạn, vì vậy hãy giặt riêng quần lót với các dung dịch tẩy rửa dịu nhẹ và nhớ rửa lại kỹ với nước sạch nhé.
Sử dụng chất bôi trơn
Chất bôi trơn thường ở dưới dạng gel hoặc lỏng, bạn nên bôi chúng vào âm đạo hoặc dương vật trước khi quan hệ để tạo độ ẩm và loại bỏ các triệu chứng khô âm đạo.
Dùng kem dưỡng ẩm cho âm đạo
Loại kem dưỡng ẩm này sẽ giúp cho âm đạo trở nên mềm và bớt khô hơn. Chúng thường có dạng kem gốc nước hoặc gốc dầu.
Dưỡng ẩm âm đạo có thể có tác dụng lâu hơn so với chất bôi trơn. Tuy nhiên, bạn nên nhớ, các sản phẩm gốc dầu có thể làm hỏng bao cao su và đôi khi gây kích thích âm đạo, vì vậy bạn nên cẩn thận khi dùng các sản phẩm này nhé.
Sản phẩm thiên nhiên
Một vài lựa chọn từ thiên nhiên như vitamin E và các loại dầu dừa hoặc dầu ô liu chứa nhiều chất béo lành mạnh sẽ giúp âm đạo mềm và khỏe hơn.
Để cải thiện tình trạng khô âm đạo, chị em nên đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa. Có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ khi nói về chuyện này với bác sĩ hoặc thậm chí là người bạn đời nhưng việc tìm kiếm một giải pháp điều trị để cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn còn quan trọng hơn đấy.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Mang thai ảnh hưởng đến âm đạo của bạn như thế nào?
- Thụt rửa âm đạo: Có nên không?
- Những điều bạn nên biết về phẫu thuật trẻ hóa âm đạo