Khi nào bạn nên cho con cai sữa mẹ?
Các bà mẹ thường muốn cai sữa cho em bé vì nhiều lý do. Quá trình cai sữa sẽ chính thức bắt đầu khi bé lần đầu tập ăn những món ăn khác ngoài sữa mẹ.
Trong bất kì trường hợp nào, bạn vẫn nên tiếp tục cho con mình bú mẹ cho đến khi bé được ít nhất một năm tuổi. Sau hơn một năm tuổi, bé có thể được uống sữa bò nguyên chất hoặc sữa bò chứa 2% chất béo. Nhiều em bé bú sữa mẹ không cần dùng đến bình bú sữa thông thường mà chuyển trực tiếp sang dạng ly có tay cầm hoặc ly có ống hút. Nếu bạn có dự định tập cho bé uống sữa bột bằng bình hoặc vắt sữa mẹ vào trong bình cho bé uống, điều này sẽ gặp phải chút khó khăn nếu bé chưa bao giờ uống sữa bằng bình. Bé có thể phản đối trong vài lần đầu, đặc biệt trong trường hợp bạn ép bé uống bằng bình khi bé không muốn.
Làm thế nào để giải quyết những rắc rối khi cho bé cai bú sữa mẹ?
Vào độ tuổi này, bé thường quen được mẹ chăm và cho bú sữa mẹ nên khi có sự thay đổi trong thói quen, bé sẽ dễ bị hoang mang và quấy khóc. Mọi chuyện có thể diễn ra suôn sẻ hơn nếu bố hoặc một thành viên khác trong gia đình cho bé ăn chứ không phải là mẹ bé. Đồng thời mẹ cũng nên đi ra ngoài trong lúc bé được cho ăn để bé khỏi làm nũng. Sau khi bé đã quen với việc người khác ngoài mẹ cho ăn thì mẹ có thể cho bé ăn, nhưng lúc này bé rất cần nhiều sự âu yếm, vuốt ve và khuyến khích để bù đắp cho việc thiếu hơi mẹ trong khoảng thời gian qua. Một lần nữa, ở độ tuổi này, bạn có thể bỏ qua việc cho bé uống sữa bằng chai và trực tiếp cho bé uống sữa thông qua ly mỏ vịt hoặc ly có ống hút, ban đầu là uống sữa mẹ, về sau đổi qua sữa bò.
Khi bé đã học được cách uống sữa bằng bình hoặc ly thì việc cai sữa mẹ sẽ diễn ra tương đối dễ dàng nếu như người mẹ muốn cho bé cai sữa. Thời gian cần thiết để cai sữa cho các bé sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu tâm lý và sinh lý của cả mẹ và con. Nếu cả mẹ và bé thích nghi tốt với sự thay đổi này thì việc cai sữa có thể thành công trong vòng một đến hai tuần.
Cách thức cho con cai sữa mẹ
Trong hai ngày đầu tiên, mỗi ngày bạn hãy cho bé uống một bình hoặc một ly sữa pha để thay cho một cữ bú sữa mẹ. (Đừng vắt sữa trong thời gian này). Vào ngày thứ ba, hãy cho bé bú hai cữ sữa bình. Đến ngày thứ năm, bạn có thể tăng lên đến ba đến bốn cữ bú bình/ly một ngày.
Một khi bạn đã hoàn thành việc ngừng cho con bú, vú sẽ ngừng tiết sữa rất nhanh chóng. Trong lúc đó, nếu ngực bạn bị ứ đọng sữa, có thể bạn cần phải vắt sữa ra trong hai đến ba ngày để cảm thấy thoải mái hơn. Trong vòng một tuần, sự khó chịu này sẽ dịu bớt. Vậy nên tốt nhất là bạn nên cho bé cai sữa dần dần bằng cách giảm cữ sữa mẹ từ từ sẽ giúp giảm thiểu việc ứ sữa.
Nhiều phụ nữ thích cai sữa một cách từ từ, ngay cả khi bé của họ hoàn toàn hợp tác vì họ nghĩ rằng việc cho con bú đem đến một sự gần gũi giữa người mẹ và đứa trẻ. Điều này rất khó có thể vun đắp bằng những cách khác, và có thể bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi phải từ bỏ sự gắn kết thiêng liêng như thế. Trong trường hợp này, bạn có thể tiếp tục cho bé bú kết hợp sữa mẹ và sữa ngoài cho đến khi bé được một tuổi, và kết hợp sữa mẹ và sữa tách béo sau một năm tuổi. Một số bé tỏ ra không thích bú sữa mẹ nữa khi bé chín đến mười hai tháng tuổi, hoặc sau khi bé đã biết uống sữa bằng cốc. Điều quan trọng mà bạn phải nhớ rằng đây không phải là một sự chối bỏ người mẹ mà là một dấu hiệu cho thấy con bạn đang lớn lên một cách độc lập. Đối với một số trường hợp khác, trẻ sơ sinh lớn hơn lại từ chối bú sữa mẹ nhưng sau đó, tự nhiên chúng lại tiếp tục bú như như không có gì xảy ra. Việc cho con bú vẫn có thể tiếp tục như là một phần trong quá trình cho bé ăn sau khi bé lớn hơn một tuổi.