Bà bầu chăm sóc răng miệng từ khi có ý định mang thai đến cả quá trình có thai để con không bị ảnh hưởng do các bệnh về nướu của mẹ gây ra.
Khi mang thai, sự biến đổi lớn của các hormone trong cơ thể có thể làm nướu dễ bị kích thích và bị viêm. Nếu bạn thấy nướu có màu đỏ, sưng tấy hoặc chảy máu khi chải răng thì có thể là do mảng bám đã tích tụ trên răng quá nhiều. Việc đánh răng cẩn thận và nhẹ nhàng có thể ngăn ngừa tình trạng viêm nướu do mảng bám tích tụ.
Tuy nhiên, việc chăm sóc răng miệng lúc này cần phải được lưu ý vì có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi và khả năng sinh con. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các bệnh về nướu khi mang thai có mối quan hệ chặt chẽ với việc sinh non và bé nhẹ cân khi sinh ra, khiến bé dễ gặp phải các rủi ro về sức khỏe. Theo thống kê, có 18/100 trẻ sinh non có thể do mẹ bị bệnh nha chu.
Đến gặp nha sĩ
Để vấn đề răng miệng không còn là nỗi ám ảnh, bạn nên điều trị các bệnh răng miệng trước khi mang thai. Điều này là do khi mang thai, bạn sẽ gặp phải các tình trạng như ốm nghén và mệt mỏi. Nếu còn đối mặt với các vấn đề về răng miệng, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn.
Khi mang thai
Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mình đang mang thai, hãy nói với nha sĩ. Bên cạnh đó, khi đi khám, bạn cũng nên đề nghị nha sĩ kiểm tra nướu và hỏi cách chăm sóc trong thời gian này. Nha sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp với bà bầu. Một số loại thuốc như kháng sinh tetracycline có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng của thai nhi.
Ốm nghén
Trong thời gian mang thai, bạn có thể bị ốm nghén hoặc trào ngược dạ dày (ợ nóng). Khi nôn, axit dạ dày có thể dính lên răng khiến răng bị xói mòn và làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Hãy đợi ít nhất 30 phút sau khi nôn mới chải răng. Điều này sẽ giúp men răng có thời gian phục hồi sau khi dính axit dạ dày.
- Súc miệng bằng nước sau khi nôn để rửa sạch axit. Sau đó, đánh răng bằng kem đánh răng có chứa fluoride để làm sạch khoang miệng và giúp tăng cường men răng.
Đánh răng rất quan trọng
Để tránh tích tụ mảng bám, bạn hãy chải răng 2 lần/ngày: sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi đánh răng, hãy dùng bàn chải có đầu nhỏ được thiết kế cho trẻ em và đánh răng vào thời điểm mà bạn không thấy buồn nôn.
Không sử dụng kem đánh răng khi chải răng cũng có thể giúp ích. Sau khi chải răng, hãy bôi một lớp kem đánh răng có chứa fluoride lên răng và đừng rửa nó. Quay lại sử dụng kem đánh răng càng sớm càng tốt.
Fluoride có trong kem đánh răng
Fluoride giúp răng chắc khỏe và ngăn ngừa sâu răng. Fluoride có trong kem đánh răng hoặc nước máy không gây hại cho thai nhi.
Chụp X-quang nha khoa
Hãy tránh chụp X-quang nha khoa trong thời gian mang thai. Nếu nha sĩ yêu cầu chụp, bạn cần phải che chắn và chăm sóc đặc biệt.
Chú ý với thức ăn
- Những món ăn chứa đường, axit (như nước cam) có thể làm tăng nguy cơ sâu răng
- Chọn những món ăn nhẹ chứa ít đường, muối, chất béo và giàu chất xơ
- Súc miệng bằng nước máy giữa các bữa ăn.
Canxi
Canxi rất quan trọng đối với răng và xương của bé. Khoảng 4 tháng, răng và xương của bé bắt đầu phát triển. Do đó, những món mà bạn ăn nên chứa nhiều canxi và phốt pho. Khoảng 7 tháng tuổi, bé cần nhiều canxi và phốt pho hơn. Các loại thực phẩm làm từ sữa là nguồn cung cấp canxi và phốt pho dồi dào.
- Sữa và các sản phẩm làm từ sữa là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Hãy chọn những loại sữa ít chất béo và đường.
- Nếu bạn không uống hoặc không ăn được các sản phẩm từ sữa như phô mai và sữa chua, hãy chọn các sản phẩm có hàm lượng canxi cao (như sữa đậu nành có thêm canxi). Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn thêm.
- Kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để xem nó có chứa canxi hay không.
- Lượng canxi mà phụ nữ mang thai và cho con bú cần mỗi ngày là 1.000mg. Đối với trẻ vị thành niên có thai, lượng canxi này là từ 1.000 – 1.700mg.
Những thực phẩm sau đây có hàm lượng canxi cao:
- 1 ly (250ml) sữa ít béo – 360mg canxi
- 1 hũ (200g) sữa chua không béo hoặc ít béo – 360mg canxi
- 1 viên (30g) phô mai ít béo – 260mg canxi
- 100g cá hồi có xương – 300mg canxi
- Nửa chén rau chân vịt – 100mg canxi
Điều trị nha khoa trong thai kỳ có an toàn không?
Tùy trường hợp cụ thể, việc điều trị nha khoa có thể an toàn cho thai phụ. Tuy nhiên, bạn hãy thông báo với nha sĩ rằng bạn đang mang thai nếu thai còn quá nhỏ, khó nhận ra. Khi ngồi trên ghế để nha sĩ điều trị bệnh, bạn có thể kê thêm một cái gối ở hông để cảm thấy thoải mái hơn.
Vi khuẩn gây sâu răng ở trẻ sơ sinh
Khi sinh ra, trẻ không có vi khuẩn gây sâu răng trong miệng. Thế nhưng, mọi người trừ trẻ sơ sinh đều có một lượng vi khuẩn sâu răng nhất định. Vi khuẩn này lại được truyền từ người này sang người khác.
Vi khuẩn gây sâu răng có thể truyền từ người chăm sóc qua bé. Răng của bé có nguy cơ nhiễm các vi khuẩn này từ khi mọc.
Người chăm sóc, đặc biệt là mẹ, có thể hạn chế truyền vi khuẩn sâu răng cho bé bằng cách giữ răng miệng khỏe mạnh. Đánh răng sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ, thường xuyên sử dụng chỉ nha khoa. Chọn món ăn tốt cho sức khỏe, hạn chế các món chứa nhiều đường và kiểm tra nha khoa thường xuyên.