Giai đoạn trẻ 5 tuổi được xem là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, kỹ năng, nhận thức, tạo dựng nền tảng cho sự hình thành nhân cách và năng lực trong tương lai.
5 tuổi là thời điểm mà trẻ đạt được rất nhiều cột mốc phát triển quan trọng từ thể chất, trí tuệ cho đến các mối quan hệ xã hội. Một đứa trẻ ở độ tuổi lên 5 sẽ nhận thức mọi việc rõ ràng hơn so với những bé nhỏ tuổi hơn.
Ngoài ra, ở độ tuổi này, trẻ cũng có thể ngồi yên trong một khoảng thời gian để lắng nghe người lớn hướng dẫn một điều gì đó. Bên cạnh đó, độ tuổi 5 – 6 cũng là lúc trẻ bắt đầu bước vào lớp 1 với nhiều sự đổi thay. Do đó bé sẽ rất cần sự quan tâm, yêu thương và động viên từ cha mẹ.
Hãy cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Chúng tôi để hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của các bé 5 tuổi nhé.
Sự phát triển thể chất của trẻ 5 tuổi
Trẻ 5 tuổi có khả năng đi, đứng, chạy nhảy khá là vững vàng. Thậm chí, bé còn có khả năng di chuyển với một tốc độ rất nhanh và có sự phối hợp chuẩn xác giữa các động tác. Bạn sẽ thấy bé lăng xăng trên sân chơi và lúc nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại khi vui chơi cùng các bạn.
Không những vậy, ở độ tuổi này, bé cưng của bạn còn được ví là một vận động viên tí hon với tầm nhìn 20/20, mỗi năm bé sẽ tăng thêm 2kg và cao hơn khoảng 6cm.
Cột mốc phát triển quan trọng
Kỹ năng vận động tinh và vận động thô của trẻ đang dần được hoàn thiện. Chính vì vậy, ở độ tuổi này, trẻ sẽ đạt được các cột mốc phát triển thể chất như:
- Khả năng phối hợp tốt hơn, cơ thể trẻ cũng trở nên linh hoạt và dẻo dai hơn
- Trẻ có thể chạy, nhảy cao với khả năng giữ thăng bằng rất tốt
- Trẻ biết đi xe đạp 2 hoặc 3 bánh
- Giữ thăng bằng 1 chân được lâu
- Trẻ có thể tự mặc quần áo, cài nút và khóa kéo, có thể tự buộc dây giày
- Trẻ có thể sử dụng thành thạo đũa, thìa khi ăn uống.
Bí quyết cho cha mẹ
Để giúp các bé 5 tuổi phát triển tốt nhất, bạn cần:
- Để con thoải mái, tự do chạy nhảy, vui chơi.
- Khuyến khích bé tự mặc quần áo, đặc biệt là tập cho bé cài/cởi cúc, kéo khóa quần áo của chính mình.
- Dạy bé đánh răng đúng cách để phòng ngừa sâu răng. Bạn có thể để bé tự làm nhưng vẫn giám sát trẻ.
- Không cho bé xem truyền hình, chơi điện thoại, máy tính quá 1 giờ, khuyến khích bé ra ngoài chơi nhiều hơn.
- Nghĩ ra các trò chơi vận động vui nhộn hay các hoạt động thể thao hấp dẫn cho bé chơi như nhảy lò cò, đu xà, nhào lộn, chạy thi, ném bóng…
- Khuyến khích trẻ tham gia một lớp học bơi vì đây vừa là một kỹ năng sống vừa giúp phát triển thể chất rất tốt.
- Cho trẻ ngủ sớm và ngủ đủ giấc, khoảng 8-10 giờ mỗi đêm.
Cột mốc phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ 5 tuổi
Khi bước sang tuổi lên 5, trẻ sẽ biết cách kiểm soát và điều tiết cảm xúc tốt hơn. Không những vậy, trẻ cũng rất hào hứng với các hoạt động giao tiếp xã hội như kết bạn và muốn nhận được phản hồi tích cực từ người lớn.
Mặc dù những cơn khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 đã qua đi nhưng đôi khi trẻ vẫn bộc phát những cảm xúc tiêu cực khi có điều gì đó không hài lòng. Bé có thể dễ tự ái, cảm thấy buồn bã khi không được chú ý hoặc sẵn sàng xông vào để lấy lại món đồ chơi của mình…
Ngoài ra, đây cũng là độ tuổi mà nhiều trẻ bắt đầu biết nói lên cảm xúc của chính mình, chẳng hạn trẻ có thể nói với bạn: “Mẹ ơi, con cảm thấy không vui khi phải đi ngủ sớm”. Nếu bé cảm thấy buồn bã về một điều gì đó, con có thể chia sẻ thẳng thắn với bạn, chẳng hạn như: “Mẹ ơi, con đang giận bạn Y.!”.
Cột mốc phát triển quan trọng
- Trẻ 5 tuổi có thể rời xa cha mẹ trong một thời gian nhất định mà không cảm thấy buồn bã quá mức
- Biết chia sẻ đồ chơi với những đứa trẻ khác
- Có xu hướng muốn làm người chỉ huy, đặc biệt là khi chơi với bạn
- Có thể nói dối để làm hài lòng bố mẹ, bạn bè
- Thích ra ngoài chơi, dù đó chỉ là một chuyến đi ngắn ngủi
- Thích chơi trò chơi đóng kịch, chơi với người bạn trong trí tưởng tượng.
Bí quyết cho cha mẹ
Đây là thời điểm quan trọng để bạn bắt đầu dạy trẻ cách để kiểm soát cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Khuyến khích bé kết bạn, tham gia các hoạt động ngoại khóa.
- Dạy bé về các phép tắc cư xử khi giao tiếp như biết nói lời xin lỗi, cảm ơn, làm ơn…
- Trò chuyện với con về cách làm thế nào để trở thành một người chỉ huy. Cho con cơ hội để trổ tài lãnh đạo như tự lên thực đơn cho bữa tối, hướng dẫn cha mẹ làm gì đó theo ý của trẻ (cùng chơi lắp ráp, chơi các trò chơi giả định…).
- Luôn tập trung lắng nghe khi con muốn nói chuyện. Sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi trên trời dưới đất của trẻ.
Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt ở trường. Do đó, bạn cần theo dõi chặt chẽ. Do ở độ tuổi này trẻ vẫn thiếu kỹ năng để xử lý, vì vậy, sự can thiệp của người lớn là yếu tố rất quan trọng.
Cột mốc phát triển nhận thức ở trẻ 5 tuổi
Trẻ trong độ tuổi này bắt đầu hiểu sự khác biệt giữa “đúng” và “sai”. Trẻ cũng hiểu rõ các quy tắc cơ bản và muốn tuân theo để làm bạn hài lòng.
Ngoài ra, một đứa trẻ 5 tuổi cũng có rất nhiều thắc mắc, tò mò về thế giới xung quanh. Bé luôn háo hức được khám phá và học hỏi những điều mới mẻ. Chính vì vậy, bạn sẽ thấy bé sẵn sàng tháo tung mọi thứ để xem chúng hoạt động ra sao. Bé cũng rất hứng thú với các hình khối, màu sắc qua trò chơi xếp hình, lego…
Ở độ tuổi này, trẻ có thể thể hiện nhu cầu và mong muốn của mình bằng lời nói. Ngôn ngữ của trẻ dần trở nên dễ hiểu và trẻ cũng có thể hiểu các hướng dẫn phức tạp hơn từ bạn. Ngoài ra cũng sẽ có lúc bạn gặp phải tình huống trẻ nói không ngừng nghỉ, hỏi liên tục và sử dụng thành thạo những câu cảm thán, từ ngữ đa dạng.
Cột mốc phát triển quan trọng
- Hiểu khái niệm đơn giản về thời gian
- Có thể đếm ít nhất đến 10 hoặc nhiều hơn
- Ghi nhớ và gọi tên ít nhất 4 màu
- Ghi nhớ một số chữ cái
- Gọi tên các sự vật quen thuộc
- Có thể viết được một số chữ cái, con số
- Có thể kể một câu chuyện rõ ràng, rành mạch
- Sử dụng chính xác các đại từ như con, cô, bác…
- Hiểu và thực hiện các mệnh lệnh gồm 3 bước, chẳng hạn: thay đồ, ăn sáng rồi đến trường học
- Hiểu được trình tự của một câu chuyện, cái gì diễn ra đầu tiên, tiếp đó là gì và kết thúc như thế nào
Bí quyết cho cha mẹ
Ở độ tuổi này, bạn cần tránh gây áp lực, bắt ép trẻ phải học đọc và học viết nếu bé chưa sẵn sàng. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích bé vẽ, viết thông qua trò chơi để con thấy hứng thú hơn.
- Duy trì thói quen đọc sách với trẻ. Hãy cho trẻ cơ hội đặt câu hỏi, khám phá thế giới trong quyển sách trẻ yêu thích.
- Đưa bé đến bảo tàng, công viên, những sự kiện dành cho thiếu nhi để trẻ có cơ hội khám phá những điều mới mẻ, gặp gỡ những người bạn mới.
- Trò chơi lego, xếp hình, đóng kịch… sẽ rất phù hợp để giúp trẻ phát triển nhận thức trong giai đoạn này.
- Khuyến khích trẻ kể về một ngày của mình bằng các câu hỏi gợi ý như: Hôm nay con chơi với ai, ở lớp con làm gì, con thích điều gì nhất…
- Cùng con chơi các trò chơi về từ vựng như đọc thơ, hát, tìm tên các con vật…
Khi nào cha mẹ cần lời tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa?
Mỗi đứa trẻ đều có một tốc độ phát triển khác nhau nên bé cưng nhà bạn không nhất thiết phải đạt được hết các mốc phát triển kể trên của trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu bé có những biểu hiện sau, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn:
- Trẻ gặp khó khăn khi chạy nhảy, không thể đứng bằng 1 chân ít nhất 10 giây
- Trẻ không quan tâm đến các hoạt động thể chất
- Trẻ gặp vấn đề về việc nhìn và nghe
- Trẻ không thể cầm bút
- Trẻ không thể tập trung vào bất kỳ hoạt động nào ít nhất 5 phút
- Không nói được tên của mình, không thể đếm đến 10, không thể gọi tên các màu
- Thường xuyên cáu giận, la hét, phản kháng dữ dội
- Ghét chơi với bạn bè cùng trang lứa, không thích ra khỏi nhà
- Không hiểu những gì người khác nói hoặc chỉ trả lời một cách hời hợt
- Không hiểu được các chỉ dẫn đơn giản hoặc các câu hỏi
- Không thích nói chuyện với người khác
- Không thể tự đánh răng, thay đồ, rửa tay…
5 tuổi là giai đoạn quan trọng đối với cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, vì vậy, nếu bạn cảm thấy băn khoăn sợ rằng trẻ vẫn chưa sẵn sàng để đến trường thì cũng là một điều dễ hiểu. Nếu bạn cảm thấy quá lo lắng hoặc thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, hãy đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời nhé.
Ngân Phạm/HELLO BACSI