Cơ thể chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn rất nhiều khi duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này đặc biệt đúng khi bạn đang mắc phải căn bệnh COPD (bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính). Tuy nhiên bạn cần chú ý tránh một số lọai thực phẩm nhất định trong khẩu phần dinh dưỡng cho người bị phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thực phẩm chứa nitrat
Nitrat không tốt cho một chế độ ăn uống lành mạnh, không chỉ với bệnh nhân COPD mà còn với tất cả mọi người. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hô hấp Châu Âu cho thấy nitrat có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng COPD và kích hoạt một đợt bệnh trong đó các triệu chứng bỗng nhiên nặng hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nitrat thậm chí có thể gây ra COPD. Bạn nên tránh các loại thực phẩm chứa nitrat như thịt xông khói, thịt nguội, giăm bông và xúc xích.
Thực phẩm quá mặn
Bạn không nên ăn mặn nhiều khi bị phổi tắc nghẽn mạn tính. Muối và thức ăn mặn khiến cơ thể giữ nước. Lượng nước bị giữ lại trong cơ thể gây áp lực lên phổi khiến bạn bị khó thở. Hiện nay trên thị trường đã có các loại sản phẩm thay thế muối như muối canxi, muối magie, muối KCl. Tuy nhiên, các nhà khoa học và các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng một số sản phẩm thay thế muối có thể có nồng độ kali cao, và đôi khi có thể tương tác với một số loại thuốc bạn đang dùng. Cách an toàn nhất để cung cấp natri cho cơ thể và ngăn cơ thể giữ nước là sử dụng các loại thảo mộc và gia vị. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế dùng những loại thực phẩm thay thế muối.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Mặc dù sữa cung cấp canxi để củng cố xương, nhưng nó có thể làm tăng lượng đàm nhớt trong phổi của bạn. Theo một nghiên cứu, các hợp chất casomophin trong sữa có thể khiến cơ thể tiết chất nhầy nhiều hơn hoặc làm cho đàm nhớt đặc hơn. Đối với những bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mạn tính, hệ thống hô hấp của cơ thể bị hư hỏng và khả năng đào thải các chất nhầy ra khỏi cơ thể bị suy yếu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng ho và khó thở. Nếu bạn thấy có nhiều đàm đặc hơn bình thường, bạn nên hạn chế uống sữa và tiêu thụ các sản phẩm từ sữa như sữa chua, kem, phô mai và bơ.
Một số loại rau nhất định
Thông thường, rau tốt vì chúng cung cấp chất xơ cho cơ thể. Một nhược điểm của rau quả là nó có thể sinh ra khí gas và gây đầy hơi. Lượng hơi từ bụng sẽ gây tăng áp lực lên phổi, làm cho người bệnh bị khó thở. Bạn nên để ý trong chế độ ăn hằng ngày loại rau nào làm bạn bị đầy bụng. Bạn không cần phải hoàn toàn loại bỏ các loại rau đó trong các bữa ăn mà chỉ nên hạn chế và ăn một lượng vừa phải. Một số loại rau bạn nên tránh là bông cải xanh, bắp cải mini, củ cải và cải thìa.
Thực phẩm chứa sulfite
Hải sản có thể là một nguồn protein lành mạnh nhưng tôm có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của bạn. Trong tôm có chứa sulfite có tác dụng làm thu hẹp phế quản gây khó thở. Bạn nên dừng ăn tôm nếu cảm thấy khó thở trong lúc ăn. Một số loại thực phẩm có chứa sulfite mà bạn nên tránh gồm có khoai tây, bia, rượu và các loại thuốc nhất định.
Thức ăn chiên rán
Tương tự như các loại rau họ cải, thực phẩm chiên có thể sản sinh khí gas và khiến bạn bị đầy hơi. Thực phẩm chiên chứa nhiều dầu mỡ làm cho dạ dày của bạn trương phình do chứa đầy khí. Dạ dày phình to sẽ đẩy cơ hoành của bạn lên trên (cơ ngăn cách giữa lồng ngực ở trên và ổ bụng ở dưới) làm hạn chế khả năng nở rộng của phổi. Do đó, các loại thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ sẽ gây khó thở cho người mắc COPD.
Cà phê và đồ uống có gas
Không có gì ngạc nhiên khi đồ uống có gas nằm trong nhóm thực phẩm gây đầy hơi. Những người bị COPD nên uống nhiều nước để làm loãng đàm nhớt, tuy nhiên, những loại đồ uống có gas lại có thể gây ra tình trạng mất nước. Uống cà phê hàng ngày có thể gây khó thở do đầy hơi. Các thức uống chứa caffein, đường và đồ uống có cồn có chứa những chất khiến cơ thể phải tiết nhiều nước để xử lý dẫn tới tình trạng mất nước. Sô-cô-la cũng có ảnh hưởng tương tự lên dạ dày và phổi của bạn.
Thực phẩm gây trào ngược dạ dày thực quản
Những loại trái cây có múi giàu vitamin C như cam quýt có thể kích thích gây trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược có thể khiến các triệu chứng COPD trở nặng hơn. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về Lồng Ngực của Mỹ, những người bị COPD có nguy cơ cao mắc trào ngược dạ dày thực quản. Bạn nên để ý các loại thực phẩm khiến các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản trở nặng và cố gắng tránh hoặc loại bỏ không tiêu thụ những loại thực phẩm đó.
Ăn uống lành mạnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng nếu bạn mắc bệnh COPD. Nếu bạn bị khó thở sẽ rất khó khăn để thực hiện các hoạt động hàng ngày thậm chí ăn một bữa ăn. Để ý và tránh tiêu thụ những loại thực phẩm trên sẽ giúp bạn tránh để những triệu chứng phổi tắc nghẽn mạn tính của mình trở nặng và sẽ dễ dàng tham gia và thực hiện các hoạt động vui chơi sinh hoạt thường ngày.