Ngứa lỗ tai có thể do những nguyên nhân không quá nguy hiểm như tai khô, máy trợ thính không vừa vặn, ráy tai quá nhiều… gây ra. Khi bị ngứa lỗ tai liên tục, bạn cần xác định đúng nguyên nhân để tìm ra cách xử lý hiệu quả.
Bạn khó có thể giải quyết được cơn ngứa tai nếu chưa biết rõ nguyên nhân cụ thể. Để cải thiện tình hình, hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu 8 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này ngay sau đây.
1. Ngứa lỗ tai do viêm tai giữa
Viêm tai giữa do nhiễm vi khuẩn hoặc virus có thể khiến bạn bị ngứa lỗ tai liên tục. Trong trường hợp này, hiện tượng ngứa trong tai thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe như cảm lạnh hoặc cúm.
Bên cạnh đó, viêm tai giữa cũng có thể xảy ra nếu nước bị đọng trong tai hoặc ráy tai quá nhiều. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn các loại thuốc nhỏ tai hay thuốc kháng sinh phù hợp.
Nhiễm trùng tai giữa mãn tính thường tái phát liên tục và có thể cần điều trị y tế. Vậy nên, bạn hãy đi khám sớm khi thấy có dấu hiệu bất thường.
2. Ngứa lỗ tai liên tục do tai khô
Cơ thể thường xuyên sản xuất dầu và ráy tai để giữ cho tai luôn sạch và khỏe mạnh. Nếu bạn vệ sinh tai quá nhiều, tai có thể bị khô và ngứa ngáy. Bên cạnh đó, một số người lại không thể sản xuất đủ ráy tai, khiến tai bị khô rất khó chịu. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của tai khô là vùng da quanh tai bị bong tróc.
Bạn có thể cải thiện tình trạng ngứa lỗ tai do tai khô bằng cách nhỏ vài giọt dầu ô liu hay dầu em bé vào tai.
3. Bị ngứa tai do dị ứng
Dị ứng thực phẩm cũng có thể khiến bạn bị ngứa lỗ tai liên tục. Các thực phẩm gây dị ứng phổ biến bao gồm:
- Sữa
- Lúa mì
- Quả hạch
- Đậu nành
- Cá và hải sản có vỏ
Nếu bị ngứa lỗ tai do dị ứng, bạn cũng có thể cảm thấy ngứa những phần còn lại trên khuôn mặt. Thậm chí, bạn còn có thể bị nổi mề đay.
Ngoài dị ứng thực phẩm, bạn cũng có thể ngứa trong tai do hội chứng dị ứng miệng (oral allergy syndrome). Đây là một phản ứng dị ứng phấn hoa thường gây ngứa quanh miệng do một số loại thực phẩm như:
- Hạt phỉ
- Quả hạnh nhân
- Hạt hướng dương
- Trái cây như táo, dưa, cherry, kiwi và chuối
Các tình trạng dị ứng trên có thể khiến bạn bị khó thở sau khi ăn hoặc tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Do đó, bạn nên tránh các chất này để cải thiện tình hình.
Nếu tình trạng dị ứng nặng thêm hoặc bạn bị sốc phản vệ, hãy đi cấp cứu ngay lập tức.
4. Bị ngứa tai do ráy tai tích tụ
Tai sản xuất ráy tai để giúp làm sạch và bảo vệ tai trong khỏi nhiễm trùng. Ráy tai sẽ tự ra khỏi tai cùng các tế bào da chết và chất bẩn. Sau đó, chúng sẽ khô và biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, ráy tai nếu tích tụ quá nhiều có thể gây ngứa lỗ tai, nhiễm trùng và ảnh hưởng đến thính giác.
Sự tích tụ của ráy tai có thể xảy ra nếu bạn dùng một vật nào đó để vệ sinh ống tai ngoài. Những vật như bông lấy ráy tai, ngón tay hay vải đều có thể gây kích ứng ống tai và đẩy ráy tai ra vào sâu hơn, gây tắc nghẽn. Bên cạnh đó, những cách lấy ráy tai nguy hiểm như dùng nến xông tai còn có thể gây bỏng nghiêm trọng cho tai.
Nếu muốn làm sạch tai an toàn, bạn có thể dùng bông sạch lau bên ngoài tai, mua thuốc nhỏ tai hoặc đến phòng khám để được bác sĩ lấy ráy tai giúp.
>>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bí quyết giúp bạn làm sạch tai an toàn
5. Ngứa tai do máy trợ thính
Một số người có da nhạy cảm hoặc bị dị ứng nhẹ với phần nhựa bên ngoài máy trợ thính có thể bị ngứa trong tai khi đeo máy. Ngoài ra, những người đeo máy trợ thính cũng có thể bị ngứa lỗ tai nếu nước bị kẹt trong máy hoặc máy quá lớn gây áp lực lên tai.
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi đeo máy trợ thính, bác sĩ có thể giúp bạn điều chỉnh để máy vừa vặn hơn.
6. Ngứa lỗ tai liên tục do viêm tai ngoài
Nước bị mắc kẹt trong tai có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra tình trạng viêm tai ngoài cấp tính, khiến bạn bị ngứa lỗ tai. Các dấu hiệu khác của viêm tai ngoài bao gồm:
- Đau tai
- Tai chảy dịch
- Viêm quanh tai
- Nghe khó khăn
- Đau ở cổ, mặt hoặc đầu
- Cảm giác tai bị tắc nghẽn
Bạn có thể dùng thuốc nhỏ tai hay uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện bệnh. Đồng thời, bạn cần hạn chế đi bơi để tránh nước vào tai.
7. Bị ngứa lỗ tai do viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi bạn dị ứng với các thành phần thường có trong không khí như phấn hoa, mạt bụi hoặc lông động vật. Bệnh có thể gây ngứa lỗ tai, mắt và cổ họng kèm với các dấu hiệu như:
- Hắt xì
- Sổ mũi
- Đau đầu
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mắt
Bạn có thể nhờ bác sĩ kê toa để chữa chứng viêm mũi dị ứng. Khi viêm mũi biến mất, hiện tượng ngứa trong tai cũng sẽ hết hẳn.
8. Ngứa lỗ tai do bệnh da liễu
Bạn có thể bị ngứa lỗ tai khi gặp các bệnh về da gần khu vực này. Các bệnh da liễu có thể gây ngứa lỗ tai liên tục bao gồm:
- Viêm da
- Bệnh chàm
- Bệnh vảy nến
Khi mắc các bệnh da liễu, bạn có thể nhận thấy da quanh tai có những mảng bong tróc. Bạn cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và chữa trị kịp thời.
Để phòng ngừa tình trạng ngứa lỗ tai, bạn cần tránh vệ sinh ống tai ngoài bằng tăm bông mà hãy đến bác sĩ để được làm sạch tai an toàn. Ngoài ra, bạn hãy sử dụng nút bịt tai khi bơi để tránh nước vào tai quá nhiều.
Những nguyên nhân gây ngứa lỗ tai thường không quá nguy hiểm và có thể biến mất sau một thời gian chữa trị. Trong trường hợp ngứa lỗ tai liên tục, bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn cách giải quyết phù hợp nhất.