U tuyến giáp lành tính

(4.11) - 33 đánh giá

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình dạng như con bướm nằm ở giữa cổ, bên dưới thanh quản và phía trên xương đòn. Khi các tế bào tại đây tăng sinh bất thường sẽ tạo ra khối u. Phần lớn trường hợp đều là u tuyến giáp lành tính, không phải ung thư.

Vậy u tuyến giáp lành tính có thể gây ra những vấn đề sức khỏe gì? Làm sao để điều trị tình trạng này hiệu quả? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

U tuyến giáp lành tính là gì?

U tuyến giáp là tình trạng xuất hiện các khối u rắn chứa đầy dịch lỏng bên trong hình thành ở ngay tuyến giáp. Đa số trường hợp có khối u không nghiêm trọng, cũng như không ra triệu chứng. Khi đó, chúng được gọi là u tuyến giáp lành tính. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ trường hợp khối u là ác tính (ung thư tuyến giáp).

Thông người, bạn sẽ không biết mình bị u tuyến giáp cho đến khi bác sĩ vô tình phát hiện qua một xét nghiệm trong khi kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, một số khối u phát triển đủ lớn để có thể quan sát được bằng mắt hoặc gây ra triệu chứng khó nuốt hay khó thở.

U tuyến giáp lành tính bao gồm các dạng u tuyến, viêm tuyến giáp, u nang hay các nốt tăng sản. Bệnh lý này xảy ra phổ biến hơn ở nữ giới.

Các dấu hiệu và triệu chứng u tuyến giáp lành tính

Phần lớn trường hợp u tuyến giáp đều không gây ra dấu hiệu hay triệu chứng đáng chú ý nào. Khi khối u ngày càng phát triển, bạn có thể:

  • Cảm nhận thấy có u (bướu) ở vùng cổ
  • Nhìn thấy sưng ở dưới cổ
  • Cảm thấy khó thở hay khó nuốt khi dùng tay ấn vào khí quản hay thực quản

Một số trường hợp, khối u làm kích thích sản xuất thyroxine – một hormone tuyến giáp. Lúc đó, người bệnh có thể có các triệu chứng do nồng độ hormone tuyến giáp tăng cao (tương tự như cường giáp), bao gồm:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Hay đổ mồ hôi
  • Run tay chân, rùng mình
  • Cảm giác bồn chồn
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Nếu nhận thấy dấu hiệu sưng bất thường ở cổ hay có cảm giác khó nuốt, khó thở, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để để kiểm tra và đánh giá xem khối u tuyến giáp (nếu có) có phải ung thư hay không.

Bạn cũng cần đến cơ sở y tế gần nhất để nhận điều trị y tế nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh cường giáp, như:

  • Sụt cân dù bạn vẫn có cảm giác thèm ăn như bình thường, thậm chí nhiều hơn
  • Nhịp tim mạnh, nhanh
  • Khó ngủ
  • Yếu cơ
  • Cảm thấy bồn chồn hay cáu gắt

Ngoài ra, khi thấy có các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp (do tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết), bạn cũng cần đến gặp bác sĩ sớm:

  • Dễ cảm thấy lạnh
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Khô da
  • Trí nhớ có vấn đề
  • Táo bón
  • Cảm thấy lo âu, phiền muộn

Nguyên nhân u tuyến giáp lành tính

Khối u ở tuyến giáp có thể hình thành phát triển do nhiều nguyên do, chẳng hạn như:

  • Sự phát triển quá mức của các mô tuyến giáp. Tình trạng thường không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, đôi khi gây khó chịu do khối u có kích thước quá to. Một số trường hợp u tuyến giáp gây ra cường giáp.
  • U nang tuyến giáp. Các khối u bên trong chứa đầy dịch lỏng được gọi là u nang, thường xảy ra do các u tuyến bị thoái hóa.
  • Thiếu iốt. Thiếu iốt trong chế độ ăn cũng có thể khiến tuyến giáp phát triển những u (bướu) lớn.
  • Viêm tuyến giáp mạn tính. Bệnh Hashimoto có thể gây viêm tuyến giáp và hình thành các khối u to tại đó. Tình trạng này thường đi kèm với suy giáp.
  • Bướu giáp đa nhân. Bướu giáp (hay bướu cổ) có thể hình thành do thiếu iốt hoặc có rối loạn tuyến giáp. Bướu đa nhân nghĩa là chúng có nhiều loại u khác nhau ở tuyến giáp nhưng nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này vẫn chưa được biết.
  • Ung thư tuyến giáp. Khả năng khối u hình thành ở tuyến giáp là u ác tính (ung thư) thường khá thấp. Tuy nhiên, khi có khối u lớn và cứng ở cổ, gây ra đau đớn, khó chịu thì là dấu hiệu đáng lo ngại. Bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán u tuyến giáp lành tính

Trong chẩn đoán, một số xét nghiệm được thực hiện sẽ giúp xác định khối u đang có là lành tính hay ác tính (ung thư). Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng làm những thử nghiệm để đánh giá chức năng tuyến giáp.

Các xét nghiệm có thể cần thiết gồm:

  • Kiểm tra tuyến giáp. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện động tác nuốt khi họ kiểm tra tuyến giáp. Nếu có khối u tại đó, chúng sẽ di chuyển lên hoặc xuống theo cử động nuốt. Đồng thời, bác sĩ cũng hỏi và kiểm tra các triệu chứng mà bạn gặp phải.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Xét nghiệm sẽ kiểm tra nồng độ hormone TSH và hormone tuyến giáp trong máu để đánh giá xem bạn có đang bị cường giáp hay suy giáp không.
  • Siêu âm. Đây là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát hình dạng và cấu trúc tuyến giáp. Dựa trên hình ảnh thu được, bác sĩ có thể phân biệt u nang với u rắn hoặc xác định bướu đơn nhân hay đa nhân. Đôi khi kỹ thuật này được sử dụng để hỗ trợ quá trình sinh thiết chọc hút bằng kim.
  • Sinh thiết chọc hút bằng kim. Phương pháp này dùng để xác định chắc chắn khối u của bạn có phải ung thư hay không. Mẫu mô trong tuyến giáp được lấy ra nhờ một cây kim mảnh rồi đem phân tích dưới kính hiển vi.
  • Xạ hình tuyến giáp. Phương pháp này dùng để đánh giá mức độ hoạt động của khối u tuyến giáp.

Điều trị u tuyến giáp lành tính

Đối với u tuyến giáp lành tính, các lựa chọn trong điều trị bao gồm:

  • Theo dõi, không cần điều trị y khoa. Sau khi được chẩn đoán có u tuyến giáp nhưng lành tính, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi thường xuyên. Điều đó tức là bạn cần kiểm tra sức khỏe và chức năng tuyến giáp định kỳ. Nếu khối u không có thay đổi gì bất thường, bạn không cần phải điều trị.
  • Liệu pháp hormone tuyến giáp. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc bổ sung hormone. Nồng độ hormone tuyến giáp phải được theo dõi trong suốt quá trình này.
  • Phẫu thuật. Dù không phải ung thư nhưng nếu khối u quá lớn (hơn 4cm) đến mức gây khó nuốt hay khó thở, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ chúng. Các khối u không xác định được hoặc nghi ngờ là ung thư hay trong quá trình chẩn đoán cũng cần phẫu thuật loại bỏ để đảm bảo. Sau đó, một phần khối u được đem đi kiểm tra dấu vết ung thư.

Điều trị khối u gây cường giáp

Khi khối u tuyến giáp làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp quá nhiều, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp điều trị cường giáp.

  • Iốt phóng xạ. Hoạt chất này có ở dạng viên nang hoặc dạng lỏng và sẽ được hấp thụ ở tuyến giáp. Kết quả là khối u sẽ bị teo lại và các triệu chứng cường giáp sẽ giảm dần. Thời gian đem lại tác dụng thường mất khoảng 2–3 tháng.
  • Thuốc kháng giáp. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng giáp như methimazole để giúp giảm bớt triệu chứng. Quá trình điều trị bằng thuốc thường kéo dài và có thể gây ra một số tác dụng phụ trên gan. Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá, cân nhắc cẩn thận và trao đổi chi tiết với bệnh nhân trước khi quyết định kê đơn thuốc.
  • Phẫu thuật. Khi các phương pháp trên không có hiệu quả hoặc không áp dụng được, phẫu thuật là lựa chọn thay thế. Các khối u khiến cho tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ được loại bỏ hoàn toàn.

U tuyến giáp lành tính có nguy hiểm không?

Khi có khối u hình thành ở tuyến giáp, bạn có thể gặp phải một số vấn đề khi kích thước của chúng tăng dần lên, như:

  • Gặp khó khăn trong việc thở hay nuốt
  • Tăng sản xuất hormone tuyến giáp (cường giáp)
  • Các vấn đề liên quan đến phẫu thuật, chẳng hạn như cần phải dùng thuốc suốt đời

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Herpangina

(70)
Tìm hiểu chungHerpangina là bệnh gì?Bệnh Herpangina do một loại virus gây ra và khá phổ biến ở trẻ em. Khi bị bệnh, bạn có thể thấy một số vết loét nhỏ, ... [xem thêm]

Tứ chứng Fallot

(92)
Tìm hiểu chungTứ chứng Fallot là bệnh gì?Tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh gồm 4 khiếm khuyết trong tim là:Thông liên thất: có lỗ thông giữa hai tâm ... [xem thêm]

Đau bụng kinh

(82)
Đau bụng kinh là một hiện tượng bình thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Mức độ đau có thể khác nhau ở mỗi người nhưng hầu như người phụ nữ nào ... [xem thêm]

Song sinh dính liền

(42)
Tìm hiểu chungSong sinh dính liền là tình trạng gì?Song sinh dính liền là khi cặp song sinh có da và một số cơ quan nội tạng dính với nhau. Khoảng 40-60% cặp song ... [xem thêm]

U xơ thần kinh loại 2

(59)
Tìm hiểu chungU xơ thần kinh loại 2 là bệnh gì?U xơ thần kinh loại 2 là rối loạn di truyền mà trong đó khối u hình thành ở mô thần kinh. Những khối u này có ... [xem thêm]

Hội chứng tiểu não

(60)
Tìm hiểu chungHội chứng tiểu não là gì?Hội chứng tiểu não là tình trạng mất điều hòa vận động tiểu não, đôi lúc có hành động tùy ý, giảm trương ... [xem thêm]

Trật khớp háng

(36)
Tìm hiểu chungTrật khớp háng là gì?Trật khớp háng là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường ... [xem thêm]

Xét nghiệm Hp qua hơi thở

(74)
Tìm hiểu về xét nghiệm Hp qua hơi thởXét nghiệm Hp qua hơi thở là gì?Xét nghiệm Hp qua hơi thở được thực hiện để xác định sự hiện diện của vi khuẩn ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN