Một số loại vi khuẩn thường gây viêm nhiễm ở miệng, nếu bạn không dùng chỉ nha khoa và chải răng không đúng cách để loại bỏ mảng bám (những mảng màu trắng do vi khuẩn gây ra bám vào bề mặt răng sau khi ăn) thì nguy cơ bạn mắc những vấn đề về răng miệng sẽ tăng lên. Điều này đồng nghĩa là bạn đang tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công những phần khác trong cơ thể thay vì chỉ đơn thuần gây viêm nhiễm ở miệng. Viêm nướu khiến nướu của bạn dễ bị chảy máu nên vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây viêm nhiễm thành mạch máu. Từ đó, vi khuẩn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch bằng cách tham gia tạo thành các cục máu đông hoặc những mảng bám ở động mạch gây cản trở dòng máu về tim.
Những dấu hiệu nào của bệnh về răng miệng có thể khiến bạn mắc các vấn đề về tim mạch?
Răng bị ố vàng
Mặc dù răng bị ố vàng không quá nguy hiểm, nhưng những vết ố vàng này thường do vi khuẩn gây ra các mảng bám tích tụ trên răng. Nếu như răng bạn bị ố vàng thì điều này đồng nghĩa với việc miệng bạn chứa nhiều vi khuẩn, có thể khiến bạn mắc các bệnh về nướu.
Răng nhạy cảm
Những đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến răng bạn bị tê. Dần dần, nó sẽ làm phá hủy men răng, gây ra các cơn đau và ê buốt. Sau đó, nó có thể tạo một lỗ nhỏ trên răng khiến thức ăn bám vào gây sâu răng. Nếu không được trám (hàn) sớm thì lỗ sâu sẽ càng ngày càng to và sâu hơn, ảnh hưởng tới tủy răng. Khi bạn cảm thấy đau buốt thì lúc này tủy răng đã bị tổn thương nghiêm trọng, khó có thể chỉ trám đơn thuần. Răng phải được điều trị nội nha (điều trị tủy), sẽ mất nhiều thời gian và tốn chi phí hơn trám rất nhiều.
Hôi miệng
Có thể đây chỉ đơn thuần là mùi của bánh mì tỏi bạn ăn tối qua, nhưng nếu mùi này kéo dài hơn 2 tuần thì khả năng cao bạn mắc bệnh nướu răng. Khi vi khuẩn gây bệnh kết hợp với các vi khuẩn vô hại trong miệng bạn, chúng sẽ tạo ra hợp chất lưu huỳnh bay hơi khiến hơi thở bạn có mùi (giống như mùi trứng thối).
Chảy máu chân răng
Thỉnh thoảng, bạn có thể bị chảy máu trong lúc chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Đó có thể đơn thuần chỉ xảy ra do bạn chải răng quá mạnh hoặc dùng chỉ nha khoa không đúng cách. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì khả năng cao bạn mắc các bệnh về nướu. Việc nướu bạn bị chảy máu có thể là dấu hiệu của viêm nướu.
Kích thước của nướu
Nướu khỏe mạnh có màu hồng và trông giống như một lớp vỏ nhỏ của răng. Tuy nhiên, nếu đường viền nướu đột nhiên trông nhỏ hơn thì có thể nướu bạn bị viêm. Nếu đường viền nướu lớn hơn hoặc vị trí tiếp giáp giữa răng và nướu trông trắng hơn thì có thể bạn mắc vấn đề răng miệng khác nghiêm trọng hơn. Bệnh về nướu là một trong những nguyên nhân gây các vấn đề nghiêm trọng cho răng miệng, nó có thể làm lộ chân răng của bạn khiến bạn bị sâu răng.
Vấn đề ở lưỡi
Lưỡi bình thường trên bề mặt thường có dạng nhú lưỡi. Nhưng nếu lưỡi bị đỏ sưng thì có thể bạn bị thiếu hụt vitamin B. Nhưng nếu lưỡi hơi trắng thì có thể đó là dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm ở miệng, khô miệng hoặc bệnh nhiễm nấm. Đây gọi là bệnh nấm miệng, do đó bạn cần đi khám nha khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Loét miệng
Nhiệt miệng và những vết loét ở miệng khiến bạn cảm thấy khó chịu, không thoải mái, và mọi người thường có xu hướng tự chữa trị không để tình trạng này kéo dài. Nhưng nếu bạn thấy những vết loét có màu trắng hơn 3 tuần thì bạn cần đến gặp nha sĩ. Nhiễm trùng HPV ở miệng đang tăng nhanh ở phụ nữ trẻ và có thể dẫn tới ung thư vòm họng. Một nghiên cứu gần đây về phòng chống ung thư cho thấy, việc sức khỏe răng miệng kém có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở miệng. Vì thế bạn luôn phải chăm sóc sức khỏe răng muejeng của mình thật tốt.
Những bước quan trọng bạn cần làm để bảo vệ răng miệng và cả tim mạch
Bệnh nướu răng là nguyên nhân chính khiến những người ở độ tuổi từ 35 trở lên bị hư răng. Nguy cơ mắc các bệnh này tăng lên khi bạn già đi, nhưng việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cần được tiến hành khi bạn còn nhỏ. Chải răng, dùng chỉ nha khoa và kiểm tra răng miệng thường xuyên sẽ giúp bạn phòng ngừa các bệnh răng miệng.
Nếu bạn có những dấu hiệu của bệnh răng miệng, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Những dấu hiệu đó bao gồm:
- Miệng có vị chua;
- Bạn thường xuyên bị hôi miệng;
- Chảy máu chân răng;
- Nướu sưng đỏ;
- Răng lung lay;
- Răng nhạy cảm;
- Đau răng khi nhai.
Và bạn nên nhớ rằng, phòng ngừa bệnh nướu răng, điều trị bệnh bằng cách làm sạch sâu kết hợp với thuốc hay phẫu thuật sẽ giúp bạn phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim mạch như bệnh viêm nội tâm mạc.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Răng miệng – Thực trạng ở Việt Nam
- Hôi miệng có phải là bệnh?