Dâm bụt – loài hoa đơn sơ, bình dị nhưng mang đến hiệu quả thần kì cho những ai bị cao huyết áp.
Hoa dâm bụt là một loại thảo dược có nhiều lợi ích, thường mọc ở vùng nhiệt đới. Công dụng của loại thảo dược này được phát hiện lần đầu tiên tại Angola, nhờ mùi hương vô cùng dễ chịu, nó đã trở nên rất phổ biến ở các nước Bắc Phi, Trung Đông và thậm chí ở cả châu Âu. Đây cũng là một loại thảo dược rất phổ biến ở nước ta.
Tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ) năm 2010 đã công bố một nghiên cứu về tác dụng kiểm soát huyết áp ở hoa dâm bụt đối với những người có huyết áp cao hoặc tăng huyết áp nhẹ ở độ tuổi từ 30-70 tuổi. Kết quả cho thấy những người uống 3 tách trà hoa dâm bụt mỗi ngày có huyết áp ổn định hơn so với những người khác.
Thành phần dinh dưỡng trong hoa dâm bụt
Hoa hibicus hay còn gọi là dâm bụt (râm bụt), atiso đỏ, bụt (bụp) giấm, hoa vô thường là dược liệu quý có tính sinh dược học cao với nhiều vitamin A, B1, C, D, E, F và các axít hữu cơ khác. Những chất này có tác dụng chống viêm, nhiễm, kháng nấm, kháng khuẩn, tăng cường chức năng tiêu hóa, hạn chế quá trình hình thành sỏi ở đường tiết niệu, giúp nâng đỡ chức năng gan, mật. Trà từ loại hoa này còn giúp giảm cholesterol và triglyceride trong máu, hạn chế sự béo phì do tích mỡ trong máu, bảo vệ thành mạch.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nhờ có chứa chất bioflavonoids (một chất chống oxy hóa), vitamin C và các khoáng chất khác mà hoa dâm bụt có thể chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa tổn thương tế bào từ quá trình oxy hóa. Trà từ nó có đặc tính kiểm soát cholesterol, quan trọng nhất là có thể giúp làm hạ huyết áp.
Trong khi người dân bản địa Ấn Độ thường dùng lá phơi khô như một loại rau thì ở các khu vực khác trên thế giới, người ta lại sử dụng dâm bụt như một loại trà. Trên thực tế, hầu hết các loại trà đều có chứa thành phần tương tự như các chất tìm thấy trong dâm bụt.
Công dụng của hoa dâm bụt
Năm 2009, nhóm các chuyên gia nghiên cứu từ trường Đại học Y Chung San (Đài Loan) phát hiện hoa dâm bụt có tác dụng hạn chế lượng cholesterol trong máu và giảm nguy cơ bệnh tim, ngăn ngừa hiệu quả quá trình oxy hoá của lipoprotein, giúp thành động mạch thêm vững chắc.
Các nhà khoa học còn cho biết tác dụng chữa bệnh của hoa này còn hữu hiệu hơn nữa nếu được kết hợp với rượu vang đỏ hoặc trà để làm giảm lượng cholesterol và lipid trong máu. Các nhà khoa học cũng thực hiện các so sánh giữa trà dâm bụt và trà đen. Kết quả cho thấy, sau một tháng sử dụng trà dâm bụt, chỉ số LDL cholesterol và HDL cholesterol của người bệnh trở về mức bình thường.
Kết quả nghiên cứu về dược lý cho thấy, đài hoa có tác dụng chống co thắt cơ trơn, giúp giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng cao. Bên cạnh đó, trong trà dâm bụt có chứa chất ức chế enzym giúp sản xuất amylase (một loại enzym giúp phân hủy tinh bột đường, tránh tích calo thừa trong cơ thể). Do đó, uống một tách trà dâm bụt sau bữa ăn sẽ làm giảm quá trình hấp thu carbohydrate và giúp giảm cân. Lượng vitamin C phong phú trong trà dâm bụt là một phương thuốc thảo dược tuyệt vời giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể để chống lại chứng cảm lạnh và nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu uống trà dâm bụt thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang và táo bón.
Cách sử dụng trà dâm bụt
Trà hoa dâm bụt có thể pha theo hai cách và uống nóng hoặc lạnh:
- Cách 1: cho 2-4 muỗng đài quả dâm bụt khô nước nóng vừa phải, ngâm kín trong 10-15 phút rồi lọc lấy nước uống. Nếu bạn không muốn uống chua thì có thể thêm chút mật ong vào trà cho ngọt. Bạn cũng có thể vắt chanh, bỏ thêm vỏ cam quýt hay vài mẩu quế để tăng thêm hương vị thơm ngon của trà. Nhớ thêm đá nếu muốn uống lạnh bạn nhé;
- Cách 2: bạn có thể ngâm dâm bụt khô trong nước 2 ngày (không yêu cầu đun sôi), sau đó lọc lấy nước uống. Trà dâm bụt còn có thể ngâm trong nước đường hoặc mật ong để làm siro hoặc ngâm với rượu nhẹ để làm rượu vang rất tốt cho sức khỏe.
Bạn cần khám bác sĩ để hiểu rõ về tình trạng huyết áp của mình, đồng thời tham vấn về liều lượng trà dâm bụt nên uống tương thích với các chỉ số của cơ thể nhé.