Giải phẫu cắt tầng sinh môn được biết đến như là một biện pháp phòng ngừa rách âm đạo khi sinh. Tuy nhiên, đây có thực sự là giải pháp tốt?
Các nghiên cứu gần đây đã khẳng định cắt tầng sinh môn là có hại dù âm đạo có bị rách hay không. Việc cắt tầng sinh môn sẽ không tốt bằng rách âm đạo do rặn đẻ tự nhiên. Vết rách nghiêm trọng nhất là vết mổ cắt tầng sinh môn. Dưới đây là mẹo có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng rách âm đạo trong khi sinh.
Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết
Chế độ dinh dưỡng và bổ sung đầy đủ nước rất quan trọng đối với sức khỏe và độ đàn hồi của mô. Dinh dưỡng tốt là yếu tố quan trọng để cơ thể chuẩn bị cho giai đoạn sinh nở kéo dài. Những thay đổi nội tiết khi mang thai làm cho mô của cổ tử cung và đáy chậu trở nên cực kỳ dày và đàn hồi. Mẹ bầu hãy bổ sung các axit béo chuỗi ngắn, gồm hai loại chất béo có lợi, omega-3 và omega-6. Các axit béo ngắn chuỗi được tìm thấy trong các loại hạt và đậu, dầu ép lạnh, tất cả các loại đậu và cá (như cá hồi và cá ngừ).
Bên cạnh đó, các mẹ hãy bổ sung ít nhất 1.000 mg vitamin E mỗi ngày. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin E là dầu mầm lúa mì, hạt hướng dương, hạnh nhân, đào, dầu rum, đậu phộng, dầu bắp, dầu đậu nành và tôm hùm.
Ngoài ra, vitamin C cũng rất có lợi cho mô, tính ổn định của tế bào, độ đàn hồi và khả năng hồi phục của cơ thể.
Cuối cùng phải kể đến bioflavanoid, là những hợp chất tạo ra màu cam của quả cam, việt quất và màu đỏ của quả anh đào. Hiện có hơn 4.000 loại flavonoid, chúng không thực sự là vitamin dù đôi khi được gọi là vitamin P. Hàm lượng flavonoid có trong nhiều loại thực phẩm và thảo dược có tác dụng chữa bệnh. Các flavonoid nổi tiếng nhất là PCOs (proanthocyanidins), quercetin, bioflavanoid cam quýt và polyphenol trà xanh.
Một số thực phẩm giàu flavonoid là quả việt quất, quả anh đào, trái cây có múi, quả lê, nho, cải bắp, đậu, mận và hành tây.
Sinh với những tư thế đặc biệt
Việc sinh con dưới nước được khuyến khích do nó có tính cơ học tốt. Người mẹ sẽ nổi lên ở một vị trí thoải mái tự nhiên. Nước ấm sẽ làm dịu và làm mất cảm giác đau và quan trọng hơn, có rất ít các trường hợp rách âm hộ khi sinh con trong nước.
Bên cạnh đó, tư thế ngồi xổm (trên thanh sinh hoặc trên giường với sự hỗ trợ của nữ hộ sinh) cũng giúp giảm tình trạng rách âm hộ. Tư thế này rút ngắn chiều dài và làm tăng đường kính của âm hộ. Ngoài ra, nằm nghiêng bên trái cũng giúp hầu hết phụ nữ giảm khả năng rách âm đạo.
Bạn nên tránh những tư thế và động tác sau bởi chúng có thể là nguyên nhân gây rách âm hộ:
- Nằm ngửa, bao gồm cả dáng vừa đứng vừa ngồi;
- Chân gập rộng – tư thế nằm hoặc tư thế dựa lưng;
- Rặn đẻ theo hướng dẫn (coached pushing).
Những lưu ý trong lúc sinh
Mẹ nên rặn đẻ tự nhiên khi cơ thể cảm thấy muốn rặn hoặc khi đầu em bé ở mức thấp hợp lý và chủ yếu xoay quanh hướng tối ưu để sinh con. Bạn chỉ nên rặn đẻ khi cảm thấy có các cơn đau dạ con hối thúc đầu của bé gây áp lực lên dây thần kinh của sàn chậu.
Hãy ngừng rặn và chỉ đơn giản là hít thở nhịp nhàng để chờ cho bé ra khi đầu bé đã được đẩy qua xương chậu và bắt đầu làm căng vùng tầng sinh môn.
Massage tầng sinh môn
Đây cũng được xem là một biện pháp hữu ích. Nghiên cứu cho thấy, có đến 24% phụ nữ massage mỗi ngày không bị rách âm đạo khi sinh, trong khi chỉ có 15% những người không massage tầng sinh môn được như vậy. Sự kéo giãn tầng sinh môn rất hữu ích cho mẹ bầu cả về tâm lý lẫn thể chất.
Để thực hiện, mẹ bầu hoặc người chồng hãy đặt 1–2 ngón tay vào âm đạo khoảng 3–6 cm. Bạn nên sử dụng dầu hạnh nhân, dầu vitamin E tinh khiết, dầu mầm lúa mì hoặc dầu bôi trơn khác.
Thao tác thực hiện:
- Nhẹ nhàng kéo phần dưới của âm đạo, kéo phần đáy chậu cho đến khi bạn cảm thấy hơi nóng hoặc cảm giác châm chích trong vài phút;
- Tập trung thư giãn mô thông qua sự căng giãn, sau đó nhẹ nhàng xoa bóp âm đạo dưới bằng ngón tay cái thêm vài phút.
Hy vọng những mẹo nhỏ này có thể hạn chế tối đa việc rách âm hộ trong khi bạn sinh. Chúc bạn và bé “mẹ tròn con vuông”.