Giấc ngủ rất quan trọng với mọi người, đặc biệt là trẻ em vì nó rất cần thiết cho sự phát triển không những về thể chất mà còn về mặt tư duy của trẻ. Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ với trẻ nhỏ cũng như cách giúp bạn đảm bảo chất lượng giấc ngủ của con nhé.
Giấc ngủ rất tốt cho não bộ của trẻ
Khi ngủ, con bạn sẽ bắt đầu cuộc hành trình vào vùng đất của giấc mơ. Đây là nơi giúp cho con lưu lại những ký ức của ngày hôm nay, hình thành nên những phản xạ mới đã học được và phát huy óc sáng tạo của trẻ. Ngoài ra, trẻ cần phải ngủ đủ giấc để tập trung cho buổi học của ngày hôm sau nữa.
Giấc ngủ của con: bao lâu thì đủ?
Trẻ em cần thời gian để ngủ nhiều hơn so với người lớn. Ở tuổi tập đi (từ 1 đến 3 tuổi), trẻ cần ngủ từ 11 đến 14 tiếng mỗi ngày, từ 3 đến 5 tuổi trẻ cần 11 đến 13 tiếng, từ 6 đến 13 tuổi cần 9 đến 11 tiếng và với tuổi thanh thiếu niên trẻ cần ngủ từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày.
Con bạn có cần ngủ trưa không?
Câu trả lời còn tùy thuộc vào giấc ngủ đêm qua của con bạn. Con bạn có thể ngủ 13 tiếng vào ban đêm, hoặc chỉ ngủ đủ 8 tiếng và sau đó dành 5 tiếng ban ngày để ngủ bù. Hầu hết các bé từ 5 tuổi trở lên không cần phải ngủ ngày nữa. Nếu con bạn vẫn hay ngủ ngày dù đã lớn, có thể trẻ cần phải ngủ nhiều hơn vào ban đêm đấy.
Làm sao để dỗ con ngủ dễ dàng?
Bạn hãy tạo ra thói quen ngủ đúng giờ cho con, dù cho có vào ngày cuối tuần hay ngày lễ. Tập cho con những thói quen tốt như đi vệ sinh và đánh răng trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể giúp con dễ ngủ hơn bằng cách đọc truyện cho con nghe khi con đã nằm trên giường. Phải đảm bảo phòng ngủ của con yên tĩnh, không có ánh sáng cũng như các thiết bị điện tử và giăng màn cho con ngủ nếu nhà bạn có nhiều muỗi. Nếu con khó ngủ thì vào ban ngày, bạn không nên để trẻ chơi hoặc làm bài tập trên giường, chỉ dành chiếc giường cho việc ngủ thôi, như vậy sẽ giúp bé dễ ngủ hơn đấy.
Có cách nào để trẻ tuổi teen đi ngủ đúng giờ không?
Để trẻ tuổi teen đi ngủ đúng giờ không phải là chuyện đơn giản, do con bạn ở độ tuổi này thường dễ bị xao nhãng bởi nhiều thứ và chẳng thể nào chịu nhắm mắt nằm yên trên giường đúng giờ. Thường trẻ ở tuổi mới lớn sẽ muốn đi ngủ trễ và sáng ra thì nằm nướng trên giường. Tuy vậy, bạn cũng đừng nản chí. Hãy thử khuyên nhủ con đi ngủ sớm, tắt hết đèn, bảo con tắt hết điện thoại, ti vi, máy tính khi đến giờ ngủ, hoặc thậm chí bạn có thể tắt wifi hoặc cất giữ điện thoại của con nếu bạn nhắc nhiều lần mà con vẫn không nghe. Trẻ có thể sẽ chống đối bạn (chắc chắn rồi!), nhưng sau một thời gian con bạn sẽ làm quen với điều đó. Vào ngày cuối tuần, bạn có thể thả lỏng cho con ngủ muộn hơn nhưng không được muộn hơn quá 2 tiếng.
Làm sao để biết con ngủ đủ giấc?
Nếu không có vấn đề về giấc ngủ, con bạn sẽ rơi vào cõi mộng sau từ 15 đến 30 phút nằm trên giường, việc đánh thức con dậy vào buổi sáng cũng rất dễ dàng. Ngoài ra, nếu con ngủ đủ giấc thì ban ngày con sẽ không ngáp và đi học thì sẽ không ngủ gật.
Dấu hiệu nào cho thấy con có thể bị rối loạn giấc ngủ?
Hãy để ý nếu bạn thấy những dấu hiệu sau đây: khi ngủ con ngáy to, nhịp thở của con chậm lại, có lúc tưởng như con ngừng thở vậy. Hoặc nếu như con không thở được khi đang ngủ và phải thức dậy, quấy khóc (ở trẻ nhỏ), đó là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Trong trường hợp này, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Mộng du, thường xuyên gặp ác mộng hoặc tè dầm cũng là những dấu hiệu cho thấy con rối loạn giấc ngủ. Đừng chần chờ gì mà hãy đưa con đến gặp bác sĩ nhé.
Con bạn thiếu ngủ hay bị tăng động giảm chú ý?
Những đứa trẻ thiếu ngủ đôi khi sẽ bị kém tập trung vào việc gì đó vào ban ngày hoặc tỏ ra hiếu động hơn bình thường. Điều này làm cho trẻ giống như đang bị rối loạn tăng động giảm chú ý (một dạng rối loạn tâm thần của não bộ). Đưa trẻ đi khám sẽ dẹp bỏ mối hoài nghi trong lòng bạn. Và cho dù con bạn có bị bệnh này đi chăng nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ cần bạn cho con ngủ đủ giấc, trẻ cũng có thể cải thiện việc tập trung và bớt tăng động hơn đấy.
Qua bài viết trên, bạn có thể thấy giấc ngủ có thể tác động đến trẻ như thế nào rồi phải không? Chúng tôi hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp bạn tập cho con thói quen đi ngủ đủ giấc và đúng giờ để trẻ luôn khỏe mạnh nhé.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Khi nào cho bé ngủ riêng?
- Trẻ khó ngủ vì đâu và cách chữa trị?