Tìm hiểu và nhận biết các dấu hiệu bệnh thận có thể giúp bạn mau chóng kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của mình, từ đó ngăn ngừa biến chứng cũng như nguy cơ tử vong xảy ra.
Ngày nay, hơn 30 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh thận. Phần lớn trường hợp, người bệnh hoàn toàn không hề biết cơ quan bài tiết này đang gặp vấn đề.
Nguyên nhân là do dấu hiệu bệnh thận ở giai đoạn đầu thường dễ nhầm lẫn với nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Mặt khác, không ít trường hợp người mắc bệnh thận có xu hướng chỉ bộc lộ triệu chứng ở giai đoạn sau, tức là khi chức năng thận bắt đầu suy giảm hay xuất hiện một lượng lớn protein trong nước tiểu.
Đây cũng là lý do vì sao theo thống kê, chỉ 10% người mắc bệnh thận mạn nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình.
Vậy, làm thế nào để nhận ra các dấu hiệu bệnh thận? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
10 dấu hiệu bệnh thận không phải ai cũng biết
Cách duy nhất để xác định liệu bạn có bị bệnh thận hay không là làm xét nghiệm chức năng thận. Các chuyên gia khuyến khích những người thuộc một trong các trường hợp sau đây cần đặc biệt tầm soát bệnh thận hàng năm, bao gồm:
- Người từ 60 tuổi trở lên
- Mắc bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường
- Tiền sử gia đình mắc bệnh suy thận
Ngoài ra, bạn nên kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân nếu bắt gặp bất kỳ dấu hiệu bệnh thận nào dưới đây, chẳng hạn như:
1. Mệt mỏi, suy nhược cơ thể hoặc khó tập trung
Chức năng thận suy giảm nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến sự tích tụ độc tố cũng như tạp chất trong máu. Điều này khiến lượng oxy và dưỡng chất trong hồng cầu giảm theo, kéo theo hệ quả là những tế bào khác không được cung cấp đủ năng lượng để duy trì hoạt động.
Do đó, người bị bệnh thận thường kèm theo thiếu máu, khiến cơ thể trở nên suy nhược hơn bao giờ hết.
2. Khó ngủ
Khi hoạt động lọc – thải của thận không như bình thường, các độc tố sẽ tích tụ trong máu thay vì được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó ngủ.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cho rằng béo phì có thể có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh thận mạn tính. Mặt khác, họ cũng cho biết chứng ngưng thở khi ngủ thường có xu hướng phát sinh ở những người gặp vấn đề với thận.
3. Da khô và ngứa
Khi khỏe mạnh, thận đảm nhiệm rất nhiều vai trò, chẳng hạn như:
- Lọc và thải trừ độc tố, tạp chất
- Đào thải dịch dư thừa
- Hỗ trợ sản sinh hồng cầu
- Góp phần cải thiện sức khỏe của xương
- Duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu
Do đó, tình trạng da khô và ngứa có thể được xem là một trong nhiều dấu hiệu bệnh thận thường thấy. Khi thận mất khả năng duy trì cân bằng mật độ khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu, một loạt các bệnh lý liên quan đến xương và chất khoáng có thể phát sinh, gây ngứa hoặc khô da.
4. Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu
Một dấu hiệu bệnh thận phổ biến khác là nhu cầu đi tiểu bỗng dưng tăng lên, đặc biệt là vào ban đêm. Nguyên nhân là bởi “bộ lọc” của thận đã chịu thương tổn nên kích thích nhu cầu đi vệ sinh của bạn.
Đôi khi điều này cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt phì đại ở nam giới.
5. Máu lẫn trong nước tiểu
Thông thường, thận sẽ giữ lại tế bào hồng cầu trong cơ thể khi lọc độc tố và chất thải từ máu ra để tạo thành nước tiểu. Tuy nhiên, khi các vấn đề sức khỏe về thận phát sinh, hồng cầu có nguy cơ lẫn vào trong nước tiểu và thải ra ngoài cơ thể.
Không chỉ là dấu hiệu bệnh thận, đi tiểu ra máu còn có khả năng là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác, ví dụ như:
- Ung thư thận
- Sỏi thận
- Nhiễm trùng thận
6. Nước tiểu nổi bọt
Tình trạng nước tiểu nổi quá nhiều bọt bong bóng có thể cảnh báo nước tiểu có chứa protein. Theo các chuyên gia giải thích, hiện tượng trên tương tự như khi bạn thấy bọt xuất hiện lúc đánh trứng.
7. Bọng mắt xuất hiện và kéo dài nhiều ngày
Protein lẫn trong nước tiểu là một dấu hiệu cảnh báo cho thấy bộ lọc của thận đã bị tổn thương. Hơn thế nữa, việc thiếu protein này cũng làm cho bọng mắt có khả năng xuất hiện trong nhiều ngày liên tục.
8. Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân
Chức năng thận suy giảm có thể khiến natri tồn đọng trong cơ thể, từ đó bắt đầu tích trữ dịch cơ thể ở mắt cá chân hoặc bàn chân, khiến chúng sưng phù lên.
Ngoài ra, sưng chi dưới còn là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan và hàng loạt vấn đề mạn tính khác liên quan đến tĩnh mạch ở chân.
9. Mất khẩu vị, chán ăn
Trong một số trường hợp, bác sĩ cho rằng sự tích tụ độc tố do chức năng thận suy giảm cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn mất khẩu vị và chán ăn.
10. Cơ bắp bị chuột rút
Khi bệnh thận phát sinh, vấn đề mất cân bằng điện giải cũng có nguy cơ xảy ra. Nồng độ canxi quá thấp hoặc hàm lượng phốt pho không được kiểm soát có thể góp phần dẫn đến tình trạng chuột rút ở cơ bắp.
Tiên lượng cho người mắc bệnh thận
Thông thường, bệnh thận sẽ không bộc lộ hoặc biểu hiện rất ít triệu chứng cho đến khi nó phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng hơn, ví dụ như suy thận. Do đó, bác sĩ luôn khuyến khích mọi người nên kiểm tra sức khỏe thận hàng năm để sớm phát hiện bệnh, nếu có.
Hầu hết người bị bệnh thận có khả năng kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của mình bằng một vài loại thuốc. Theo một số nghiên cứu, chỉ 1/50 trường hợp bệnh trở nặng thành suy thận.
Trong nhiều năm trở lại đây, các vấn đề phát sinh ở thận đã và đang trở thành một trong những bệnh lý hàng đầu có tỷ lệ tử vong cao. Việc nhận biết dấu hiệu bệnh thận từ sớm có thể giúp bạn mau chóng có biện pháp điều trị hợp lý và hiệu quả.