Các thực phẩm chức năng gan thường được quảng cáo về các tác dụng giải độc, bảo vệ gan. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng xác thực cho các tác dụng này.
Gan là một trong những cơ quan lớn nhất và quan trọng trong cơ thể. Ngoài việc lưu trữ và giải phóng năng lượng, gan hoạt động như một bộ lọc tự nhiên. Nó có thể tóm gọn các “chất thải” trong máu, loại bỏ độc tố và các sản phẩm chuyển hóa khác ra khỏi cơ thể.
Thực phẩm chức năng gan
Có rất nhiều sản phẩm cam kết sẽ luôn giúp cho gan hoạt động ở trạng thái tốt nhất.
Vậy các thực phẩm chức năng gan có tác dụng gì? Liệu cơ quan thải độc trong cơ thể cũng cần được giải độc?
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích từ các thành phần trong các thực phẩm bổ gan như chiết xuất từ cây kế sữa hay lá atiso, những lời quảng cáo đó hầu hết không dựa trên tài liệu tin cậy.
Liệu chức năng gan có thật sự cải thiện ở người khỏe mạnh nhờ vào sự hỗ trợ của các thực phẩm chức năng? Điều này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Thực phẩm chức năng gan hứa hẹn điều gì?
Các thực phẩm chức năng gan đều được tuyên bố giúp “thải độc”, “phục hồi” và “giải cứu” gan.
Chúng giúp loại bỏ bớt các tác hại của rượu, chất béo, đường và tất cả các chất độc khác tích lũy trong thời gian dài hay sau một bữa tiệc cuối tuần “tưng bừng”.
Ngoài ra, trên website các công ty cũng quảng cáo sản phẩm của họ có chức năng:
- Tăng cường chức năng gan, giúp bảo vệ sức khỏe
- Bảo vệ tế bào gan khỏi các yếu tố gây tổn thương
- Kích thích sự phát triển của tế bào gan mới
- Giải độc gan
- Cải thiện lưu lượng máu ở gan
Kèm theo đó là các lời hứa hẹn thực phẩm chức năng cũng giúp tái tạo lại và hồi phục tế bào gan một cách tốt nhất. Đồng thời, sản phẩm cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn, nâng cao hệ thống miễn dịch, giảm cân hay thậm chí giúp cải thiện tâm trạng.
Gan hoạt động như thế nào?
Gan là bước cuối cùng trong giai đoạn xử lý thức ăn. Sau khi dạ dày và ruột tiêu hóa xong, sản phẩm chuyển hóa sẽ theo máu đến gan để lọc.
Gan cũng giúp phân giải chất béo, giải phóng năng lượng. Bên cạnh đó, gan sản xuất ra dịch mật, tham gia vào quá trình phân hủy và hấp thu chất béo.
Cơ quan này còn tham gia vào quá trình chuyển hóa đường. Glusoce từ máu được lưu trữ tại gan dưới dạng glycogen. Bất cứ khi nào lượng đường trong máu giảm xuống, gan lại giải phóng glycogen vào máu để giữ nồng độ đường luôn ổn định.
Khi rượu, thuốc hay bất kỳ chất độc nào xâm nhập vào cơ thể, gan sẽ giải phóng chúng vào hệ tuần hoàn. Sau đó, gan dọn dẹp sạch sẽ hoặc loại bỏ các chất độc qua phân và nước tiểu.
Các thành phần phổ biến trong thực phẩm chức năng gan
Rất nhiều sản phẩm bổ gan trên thị trường chứa ba thành phần thảo dược sau:
- Cây kế sữa
- Lá atiso
- Rễ bồ công anh
Cây kế sữa
Cây kế sữa đã được sử dụng để điều trị các rối loạn về gan trong hơn 2.000 năm. Nó cũng là thảo dược thường dùng ở Hoa Kỳ khi gặp các vấn đề về gan.
Hoạt chất chính trong cây kế sữa là silymarin. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy silymarin giúp tái tạo mô gan, giảm viêm và bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương bằng cách hoạt động như một chất chống oxy hóa.
Một nghiên cứu đã thực hiện trên trẻ em đang điều trị hóa trị liệu vì bệnh bạch cầu. Sau 28 ngày, những trẻ sử dụng cây kế sữa có dấu hiệu tổn thương gan ít hơn.
Rất nhiều nghiên cứu về silymarin có liên quan đến những người mắc bệnh xơ gan, viêm gan B hoặc viêm gan C.
Tổ chức Cochrane đã đánh giá 18 nghiên cứu về cây kế sữa bao gồm các nghiên cứu trên người mắc bệnh gan. Nghiên cứu cho thấy so với thuốc giả dược (placebo), kế sữa không có nhiều tác dụng khi có biến chứng hay tử vong do bệnh gan. Trong đó, nhiều nghiên cứu không đáng tin cậy.
Một báo cáo phân tích năm 2017 cho thấy silymarin giúp giảm nhẹ men gan, đó là dấu hiệu tích cực đối với người có tổn thương do bệnh gan. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để biết được cây kế sữa có tác động như thế nào đối với cơ thể.
Mặc dù khá an toàn nhưng một số người vẫn gặp phải dị ứng hoặc vấn đề về tiêu hóa khi sử dụng cây kế sữa.
Ngoài ra, cây kế sữa có thể gây giảm lượng đường trong máu nên những người mắc bệnh đái tháo đường cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Lá atiso
Lá atiso có hoạt tính chống oxy hóa và khả năng bảo vệ gan. Các thử nghiệm trên động vật cho thấy lá atiso có khả năng tái sinh tế bào gan.
Các nghiên cứu được thực hiện từ năm 2016 – 2018 trên các bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu nhận thấy lá atiso giúp giảm các dấu hiệu tổn thương gan. Tuy vậy, tác dụng lâm sàng khi sử dụng lá atiso vẫn cần được đánh giá.
Rễ bồ công anh
Mặc dù được sử dụng nhiều để điều trị bệnh gan, các bằng chứng khoa học về tác dụng của rễ bồ công anh vẫn còn khan hiếm. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định chắc chắn rễ bồ công anh có hiệu quả và an toàn cho mục đích bảo vệ gan.
Các thành phần khác
Ngoài các thành phần phổ biến trên, thực phẩm chức năng gan còn kết hợp thêm các thành phần khác như:
- Rễ khoai lang Mexico.
- Chiết xuất rễ cây dương đề.
- Quả táo gai.
- Diệp hạ châu.
Những nghiên cứu về hiệu quả trên người của các dược liệu này vẫn chưa đầy đủ.
Làm sao để bảo vệ gan luôn khỏe mạnh?
Hiện nay, chưa có đầy đủ các bằng chứng khoa học để đảm bảo các thực phẩm chức năng gan sẽ có tác dụng thải độc hay bảo vệ tế bào gan. Tuy nhiên, một số lối sống sẽ giúp cải thiện chức năng của gan.
Hạn chế chất béo trong chế độ ăn uống
Chế độ ăn quá nhiều đồ chiên, đồ ngọt và thức ăn nhanh dẫn đến tăng cân. Khi bạn thừa cân hoặc béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Giữ chế độ ăn uống lành mạnh khiến gan làm việc tốt hơn.
Tránh xa các chất độc hại cho gan
Các hóa chất có trong thuốc trừ sâu, sản phẩm tẩy rửa hay bình xịt khí dung có thể gây tổn thương gan. Hút thuốc lá cũng gây ảnh hưởng xấu đến gan.
Không uống quá nhiều rượu
Tiêu thụ quá nhiều bia, rượu hoặc các đồ uống có cồn sẽ làm hỏng tế bào gan, dẫn đến xơ gan. Bạn có thể uống rượu vừa phải, điều độ, không quá 1 – 2 ly mỗi ngày.
Hạn chế sử dụng thuốc dài ngày
Mỗi loại thuốc khi vào cơ thể đều được phân bố và chuyển hóa qua gan. Sử dụng thuốc mạn tính hay lạm dụng các thuốc có chứa steroid, thuốc hít (ống hít hen suyễn) có thể gây tổn thương gan vĩnh viễn.
Các loại thuốc có hại và bất hợp pháp như heroin cũng gây ảnh hưởng đến gan.
Không sử dụng thuốc chung với rượu
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc kê đơn nào và tránh uống chung với rượu.
Bạn nên làm gì?
Các thực phẩm chức năng gan đều quảng cáo rất nhiều tác dụng có lợi nhưng lại chưa có nhiều bằng chứng khoa học xác thực. Nếu bạn muốn sử dụng các thực phẩm chức năng gan an toàn và hiệu quả, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.