Bạn có đang cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ không? Nếu bạn vẫn hay lo âu, phiền muộn và buồn bã vì nhiều thứ, tại sao không thử ngay 10 bí quyết mà Hello Bacsi giới thiệu sau đây để thổi làn gió mới cho cuộc sống của bạn tràn ngập niềm vui?
Một vài năm trước, tôi thức dậy vào một buổi sáng bình thường như bao ngày và đột nhiên nhận ra: thời gian đang trôi rất nhanh còn tôi thì cũng đang lãng phí cuộc sống của mình rất nhanh chóng.
Vậy tôi có thể làm gì với cuộc đời mình đây?
Câu trả lời chính là sống hạnh phúc hơn mỗi ngày. Hạnh phúc cũng chính là “liều thuốc bổ” cho sức khỏe. Có rất nhiều lý do khiến tôi hạnh phúc: tôi có một gia đình với 2 bé gái đáng yêu, tôi đang làm công việc mong muốn và được sống tại nơi ưa thích. Tôi khỏe mạnh, có nhiều bạn bè, vẫn trẻ trung xinh đẹp nhưng lại thường xuyên cáu gắt với chồng mình và những người xung quanh. Tôi thấy thất vọng và muốn từ bỏ mọi thứ dù chỉ gặp một thất bại nhỏ, mất đi quyền kiểm soát tâm trạng của chính mình. Đây có phải là cách cư xử của một người hạnh phúc không?
Tôi quyết định bắt đầu hệ thống một chương trình để học cách vui vẻ hơn, gọi là Dự án Hạnh phúc. Nghe có vẻ hơi khoa trương nhưng đây lại là những thứ rất cần thiết cho tôi lúc này. Cuối cùng, tôi đã dành ra 1 năm để thử nghiệm những bài học của người có kinh nghiệm hơn, qua các nghiên cứu khoa học và những nền văn hóa phổ biến. Điều tôi muốn biết chính là: nếu tôi làm theo tất cả những bài học này, liệu chúng có thật sự hiệu quả?
Một năm đã trôi qua và tôi có thể nói: chúng cực kỳ hiệu quả. Bản thân tôi đã trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn. Và đây là tất cả những gì tôi đã học.
1. Không cần phải bắt đầu với thứ gì đó quá uyên bác, cao siêu
Ngay khi bắt đầu Dự án Hạnh phúc của mình, tôi nhận ra ngay rằng: thay vì phải sắp đặt từng phương pháp hằng ngày, phải trả lời những câu hỏi chuyên sâu để khẳng định bản thân thì thực chất, tôi nên bắt đầu với những thứ cơ bản hơn, ví dụ như đi ngủ và không để mình bị đói. Khoa học đã chứng minh được ngủ và đói bụng là 2 yếu tố sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự vui vẻ của một người.
2. Để mọi sự bực tức trong bạn trôi đi cùng hoàng hôn
Tôi đã luôn cố gắng làm dịu tất cả mọi sự kích động sớm nhất có thể, để đảm bảo rằng mình có thể đi ngủ mà không bị bất kỳ cảm xúc tồi tệ nào làm phiền. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: khi bạn thể hiện sự tức giận vì những thứ nhỏ nhặt, nhất thời thì lượng cảm xúc xấu sẽ bị nhân lên. Nhưng khi bạn không thể hiện cảm xúc này ra, thường chúng sẽ tự biến mất.
3. Bạn cứ tưởng tượng như mình đang rất vui cho đến khi bạn cảm nhận được thực sự
Cảm xúc thường đi theo hành động. Khi tôi cảm thấy tâm trạng không tốt, tôi sẽ hành động một cách vui vẻ và tràn đầy sức sống. Và rồi tôi thực sự thấy tâm trạng tốt hơn rất nhiều. Khi tôi đang giận một ai đó, tôi sẽ làm một việc có ý nghĩa, quan tâm đến họ và mọi cảm xúc tức giận với người đó sẽ dịu đi. Một phương pháp hiệu quả đến bất ngờ đấy.
4. Nhận ra rằng những thứ đáng làm thì cực kỳ đáng làm
Thử thách và sự đổi mới là một trong những chìa khóa đưa bạn đến với hạnh phúc. Não sẽ được kích thích khi bạn gặp một điều gì đó bất ngờ. Và khi bạn giải quyết được một tình huống mình không ngờ tới, cảm giác hài lòng sẽ mãnh liệt hơn nhiều. Những người thường thử thách cái mới, ví dụ như học chơi một trò chơi, du lịch đến những vùng đất lạ, sẽ hạnh phúc hơn người chỉ thực hiện những hoạt động họ đã quen thuộc.
Tôi thường nhắc bản thân mình rằng: “Hãy tận hưởng niềm vui của sự thất bại” và đặt ra thêm nhiều mục tiêu mới khó nhằn hơn. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy làm cái này, cái kia có vẻ tốt, có vẻ sẽ giúp ích, hay chỉ đơn là bạn có thể sẽ vui và hứng thú hơn, vậy có nghĩa là việc đó cực kỳ đáng làm và đừng ngần ngại mà hãy làm ngay nhé!
5. Đừng tìm cách vùi dập những muộn phiền của bạn
Thường những việc bạn nghĩ sẽ là “phương thuốc” điều trị cho mình thực chất sẽ không có hiệu quả gì cả. Niềm vui chỉ xuất hiện được trong chốc lát thôi và rồi sau đó là cảm giác tội lỗi, mất kiểm soát cùng những hậu quả tiêu cực khác sẽ làm một ngày của bạn càng trở nên tồi tệ hơn. Tuy rất dễ để nghĩ rằng: “Tôi sẽ vui hơn nếu dùng vài ly rượu, ăn một cây kem, mua quần áo mới…” nhưng việc tốt nhất mà bạn nên làm chính là ngừng hỏi mình xem những giải pháp trên có ích gì hay không.
6. “Mua” một ít niềm vui
Những tâm lý cơ bản của chúng ta bao gồm cả cảm giác được yêu, được bảo vệ và làm tốt công việc của mình hay cảm giác được nắm quyền kiểm soát nữa.
Tiền sẽ không tự động giúp bạn lấp đầy những cảm giác này đâu, nhưng nó vẫn giúp ích được một phần đấy! Tôi đã học cách tiêu tiền để có thể:
- Gần gũi hơn với gia đình và bạn bè
- Cải thiện sức khỏe tốt hơn
- Làm việc hiệu quả hơn
- Loại bỏ mọi nguồn gốc gây kích động hay xung đột hôn nhân
- Tài trợ cho những việc quan trọng và cần thiết
- Làm dồi dào nguồn kinh nghiệm của mình.
Ví dụ, khi chị tôi kết hôn, tôi đã ra oai với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số mới. Tuy nó đắt nhưng vẫn đem lại hạnh phúc vì cả tôi và gia đình đều đã lưu giữ được những kỷ niệm tuyệt vời.
7. Đừng chỉ chăm chăm vào những gì tốt nhất
Có 2 kiểu người khi ra quyết định:
- Kiểu người hài lòng sẽ ra quyết định khi những tiêu chuẩn của họ được đáp ứng.
- Người cầu toàn lại muốn đưa ra được quyết định tốt nhất có thể. Dù cho họ có tìm được một chiếc xe đạp hoặc balo vừa ý, họ vẫn sẽ không ra quyết định cho tới khi kiểm tra được hết tất cả các lựa chọn.
Người hài lòng thường sẽ có xu hướng vui vẻ hơn người cầu toàn. Bởi vì thực chất, người cầu toàn sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để ra quyết định, họ cũng thường cảm thấy lo lắng về những lựa chọn của mình. Do đó, bạn hãy nhớ: đôi khi, đủ tốt là đã đủ thật sự rồi.
8. Tập thể dục để khơi nguồn năng lượng
Về mặt tinh thần, tôi biết tập thể dục sẽ có hiệu quả. Nhưng đã không ít lần tôi tự nhủ: “Mình mệt quá, mình không có thời gian, không có tiền và cũng không có hứng để đi tập”. Việc này hoàn toàn không nên tái diễn nữa.
Tập thể dục là một trong những yếu tố giúp cải thiện tâm trạng rất tốt và đáng tin cậy. Thậm chí chỉ cần 10 phút đi bộ thôi, đầu óc bạn cũng sẽ giảm được căng thẳng và nhìn nhận mọi việc sáng suốt hơn.
9. Ngưng cằn nhằn
Tôi biết thừa là cằn nhằn không thực sự tốt, nhưng nếu tôi ngừng, chồng tôi có lẽ sẽ chẳng làm việc gì trong nhà cả. Sai rồi! Thực chất, khi không cằn nhằn, nhiều việc đã được hoàn thành hơn tôi nghĩ. Thêm vào đó, thật bất ngờ là tôi còn cảm thấy vui và thoải mái nhiều hơn nữa. Trước đây, tôi đã không nhận ra được sự vô lý và giận dỗi của mình khi cứ cáu gắt như vậy.
Biện pháp để giải quyết vấn đề này chính là thay việc cằn nhằn bằng những “vũ khí” có tính khích lệ, động viên hơn như:
- Những hành động gợi ý. Ví dụ: để một cái bóng đèn mới lên bàn nếu bạn muốn nhờ chồng mình thay chúng
- Dùng 1 từ thôi. Bạn có thể chỉ nói: “Sữa!” thay vì cứ cằn nhằn liên tục
- Không cần quá để ý đến những việc đã làm
Hiệu quả nhất chính là tự làm công việc một mình. Chúng ta đâu nhất thiết cứ công việc nào cũng phải phân chia ra, đúng không nào?
10. Bắt tay vào hành động thôi!
Người ta thường cho rằng hạnh phúc chủ yếu là tùy vào tính khí bẩm sinh: có người sẽ rất bi quan nhưng có người lại luôn thấy lạc quan và tràn đầy sức sống. Mặc dù yếu tố di truyền thực sự đóng một vai trò khá lớn nhưng bạn vẫn có quyền kiểm soát 40% mức độ hạnh phúc của mình. Dành thời gian suy ngẫm lại và bước đi thật sáng suốt sẽ cực kỳ hiệu quả đấy. Bạn cũng có thể thực hiện theo 5 bước để sống lạc quan hơn.
Hãy dùng ngay những bí quyết này và bắt đầu một Dự án Hạnh phúc cho riêng bạn, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ không cần tới 1 năm đâu! Chúc bạn hạnh phúc hơn mỗi ngày!