Thuốc giảm đau nhanh là những loại thuốc dùng để điều trị cơn đau do các bệnh lý, chấn thương hay phẫu thuật gây nên. Thuốc có tác dụng ngăn chặn các tín hiệu đau từ não bộ. Mỗi loại thuốc sẽ có cơ chế hoạt động riêng phù hợp với từng cơn đau.
Các loại thuốc giảm đau nhanh từ lâu được xem là một trong những thành tựu to lớn của y học. Sự ra đời của thuốc đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân vượt qua được những cơn đau do bệnh tật. Tìm hiểu kỹ về thuốc trước khi sử dụng giúp bạn dùng thuốc an toàn và hiệu quả hơn.
Những chứng bệnh cần dùng thuốc giảm đau
Những trường hợp cần dùng thuốc giảm đau bao gồm:
- Viêm khớp;
- Nhức đầu;
- Đau cơ;
- Chuột rút;
- Đau lưng do thoát vị đĩa đệm hay chứng hẹp ống sống;
- Cơn đau xuất hiện do chấn thương vật lý, phẫu thuật, sinh đẻ;
- Đau khớp;
- Cảm lạnh và cảm cúm;
Cho dù cơn đau là nhẹ hay nặng thì thuốc giảm đau đều mang lại hiệu quả nhanh chóng. Mặc dù chúng không loại bỏ hoàn toàn nguồn gốc gây đau, nhưng chúng giúp bạn giảm cảm giác đau và cảm thấy thoải mái hơn. Thuốc viên thường phát huy tác dụng sau 30 đến 60 phút. Tiêm thuốc thường mang lại hiệu quả nhanh hơn rất nhiều.
Thuốc giảm đau có những loại nào?
Những loại thuốc giảm đau nhức nhanh chủ yếu gồm hai loại:
- Thuốc giảm đau không gây mê thông thường, như Paracetamol và nhóm NSAIDs (bao gồm Aspirin, Ibuprofen, Meloxicam,…), có tác dụng nhẹ;
- Thuốc giảm đau gây mê (chẳng hạn như Morphine, Codein) có tác dụng mạnh. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng những loại thuốc này khi dấu hiệu đau trở nên nghiêm trọng hơn và không thể dùng thuốc giảm đau không gây mê được.
NSAIDs là gì?
NSAIDs là nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid. Trong quá trình trị đau và viêm, những loại thuốc này được xem là lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ. Một số thuốc NSAIDs có thể sử dụng mà không cần kê đơn.
NSAIDs phát huy tác dụng chống viêm và giảm đau hiệu quả trong các trường hợp như:
- Viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp mạn tính, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút (thống phong), viêm khớp vảy nến, chứng viêm khớp ở tuổi thiếu niên;
- Bong gân và căng cơ;
- Tổn thương nhẹ và đau do chấn thương;
- Chứng nhức đầu, trong đó có nhức đầu căng cơ và chứng nhức nửa đầu;
- Đau mắt và đau tai;
- Đau răng;
- Đau cổ, trong đó có tổn thương mô mềm cổ;
- Đau lưng, trong đó có bong gân, trật khớp lưng, bệnh thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa và chứng hẹp ống sống;
- Đau vai;
- Đau cánh tay và cổ tay, trong đó có chứng đau khuỷu tay và hội chứng ống cổ tay;
- Chứng chuột rút do kinh nguyệt và đau xương chậu;
- Đau chân, đau đầu gối;
- Đau khớp;
- Hội chứng mệt mỏi kinh niên;
- Hội chứng đau vùng phức hợp;
Những sự thật cần biết về thuốc giảm đau
Theo nghiên cứu trên trang eMedExpert về việc sử dụng thuốc giảm đau, việc tăng liều lượng thuốc đông nghĩa với tăng độc tính và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Kết hợp càng nhiều loại thuốc với nhau, nguy cơ tương tác thuốc càng cao.
Bênh cạnh đó, thuốc giảm đau sẽ không:
- Loại bỏ nguồn gốc gây đau;
- Ngăn ngừa chứng nhức đầu;
- Tiếp thêm năng lượng;
Khi sử dụng thuốc giảm đau, cần chú ý:
- Loại thuốc bạn sử dụng;
- Liều lượng sử dụng;
- Thời hạn sử dụng thuốc;
- Tình trạng sức khỏe, dược phẩm khác đang dùng và tiền sử bệnh.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn nắm rõ những khuyến cáo về sử dụng thuốc. Không nên tự ý kết hợp các loại thuốc nhằm tránh tương tác thuốc và tác dụng ngoại ý khác. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng rất quan trọng.
Sử dụng các loại thuốc giảm đau hỗ trợ một phần không nhỏ trong việc đối phó với nhiều bệnh lý cơ xương khớp và các bệnh khác. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng thuốc một cách khoa học để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé.