Hội chứng HUS còn có tên gọi khác là hội chứng tăng ure máu, hội chứng tán huyết ure huyết hay hội chứng ure huyết cao. Đây là 1 loại bệnh nguy hiểm nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bạn vẫn có cơ hội hồi phục hoàn toàn.
Tìm hiểu chung
Hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS) là gì?
Hemolytic uremic syndrome (HUS) là tình trạng tan máu, giảm tiểu cầu và chấn thương thận cấp tính. Hội chứng này xảy ra khi khi các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương và viêm, làm hình thành cục máu đông (huyết khối). Các cục máu đông làm tắc nghẽn hệ thống lọc của thận và dẫn đến suy thận, có thể đe dọa đến tính mạng.
Đây là một dạng bệnh nghiêm trọng nhưng người bệnh có thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng nếu được điều trị thích hợp và kịp thời. Hầu hết các ca bệnh xảy ra ở trẻ em (90%)
Biến chứng của hội chứng này có thể đe dọa tính mạng, chẳng hạn như:
- Suy thận (cấp tính hoặc mạn tính)
- Đột quỵ hoặc co giật, hôn mê
- Tăng huyết áp
- Rối loạn chảy máu
- Các vấn đề tim mạch, tiêu hóa,…
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS) là gì?
Các triệu chứng thông thường của hội chứng này bao gồm:
- Sốt
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Tiêu chảy (thường có máu)
- Huyết áp cao
- Thiểu niệu (tiểu ít hơn bình thường) hoặc vô niệu (không đi tiểu được) hay nước tiểu có màu đỏ sậm
Bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như:
- Khó thở
- Sưng tay, sưng mặt hoặc cơ thể
- Sắc da tái nhợt hoặc vàng đi (bệnh vàng da), có những đốm nhỏ chảy máu dưới da (đốm xuất huyết) và bầm tím không rõ nguyên nhân
- Tình trạng đột quỵ hoặc động kinh
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS) là gì?
Hội chứng ure máu cao thường xảy ra do ruột bị nhiễm vi khuẩn E.coli. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc như quinine, các thuốc ức chế miễn dịch cyclosporine và một số loại thuốc hóa trị khác cũng có thể gây ra hội chứng này.
Các nguyên nhân khác có thể là:
- Các bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm vi khuẩn phế cầu khuẩn, virus HIV hoặc cúm
- Các vi khuẩn khác như Shigella (trực khuẩn lỵ), Salmonella và một số vi khuẩn đường ruột khác
- Biến chứng của thai kỳ hoặc các tình trạng sức khỏe như bệnh tự miễn, ung thư (hiếm)
Bạn có thể xem thêm: Mẹ có dễ nhiễm E. coli vì thay tã cho bé?
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS)?
Tất cả mọi người đều có khả năng mắc phải hội chứng tăng ure máu này. Tuy nhiên, bệnh phổ biến nhất ở trẻ em dưới 4-5 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chính xác về tình trạng bệnh của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS)?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc HUS bao gồm:
- Độ tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh này.
- Di truyền: những người có sự thay đổi trong gen di truyền khiến họ dễ mắc bệnh hơn.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS)?
Bác sĩ chẩn đoán dựa trên sự kiểm tra và tìm hiểu tiền sử bệnh một cách kĩ lưỡng. Các xét nghiệm được thực hiện thường là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm phân. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân chụp siêu âm để kiểm tra tổn thương thận hoặc sẽ sinh thiết thận khi cần.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS)?
Những phương pháp dùng để điều trị bệnh bao gồm:
- Lọc máu
- Dùng các thuốc như corticosteroids
- Truyền máu
- Truyền tiểu cầu: thực hiện khi bạn dễ bầm tím da hoặc đang chảy máu quá nhiều.
- Trao đổi Plasma
- Chạy thận nhân tạo
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS)?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến hội chứng ure huyết cao:
- Rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với vật nuôi
- Không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín
- Rửa sạch trái cây và rau củ trước khi ăn
- Không sử dụng các loại sữa chưa được tiệt trùng
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.