Viêm bao quy đầu là tình trạng liên quan đến sức khỏe vùng kín của nam giới. Nó có thể gây ra nhiều tác động lớn nếu không được chữa trị đúng cách.
Quy đầu là vùng đầu dương vật, tại đây có một bao da mỏng trùm lên đầu dương vật và lỗ tiểu gọi là bao da quy đầu. Bình thường khi dương vật cương, bao da quy đầu bị tụt xuống và để lộ ra vùng lỗ tiểu và đầu dương vật.
Trong một số trường hợp, khi bao da quy đầu bị hẹp bẩm sinh, đầu dương vật ở trạng thái bình thường hoặc khi cương lên vẫn bị kẹt trong bao da quy đầu làm ứ đọng nước tiểu hay chất bẩn vùng đầu dương vật, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Tìm hiểu chung
Viêm bao quy đầu là gì?
Viêm bao quy đầu (viêm quy đầu) là tình trạng sưng, đau nhức hoặc khó chịu ở đầu dương vật. Bệnh này thường xảy ra ở người không cắt bao da quy đầu.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm bao quy đầu là gì?
Các triệu chứng viêm bao quy đầu thông thường bao gồm:
- Đỏ, sưng ở đầu dương vật hoặc bao quy đầu
- Đau, khó đi tiểu
- Vùng quy đầu tiết ra dịch có mùi hôi
Bao quy đầu có thể trở nên đỏ, sưng và đau khi chạm vào. Nếu không được chữa trị, bệnh có thể làm thay đổi hình dạng dương vật, gây phồng rộp và lở loét.
Bạn có thể gặp các dấu hiệu viêm bao quy đầu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Tình trạng này bình thường không nghiêm trọng nhưng nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh khác, ví dụ như nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục hoặc nấm. Do đó, bác nên đi khám bệnh sớm nếu có nghi ngờ mình bị viêm nhiễm.
Nếu trẻ bị viêm bao quy đầu, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nhân viêm bao quy đầu là gì?
Các nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh lý bao gồm:
- Nhiễm khuẩn hoặc nấm
- Nhiễm trùng đường tiểu
- Dị ứng
- Vệ sinh kém
- Chấn thương
- Bệnh lây lan qua đường tình dục
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Bao da quy đầu bị hẹp có thể giữ lại nước tiểu, vi khuẩn và các vi sinh vật gây ra viêm
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải viêm bao quy đầu?
Căn bệnh này khá phổ biến và ảnh hưởng đến nam giới ở mọi độ tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ viêm bao quy đầu?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể là do:
- Mắc bệnh tiểu đường mà không chữa trị hoặc không kiểm soát đường huyết tốt
- Bị các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh Herpes hoặc bệnh lậu
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh?
Bác sĩ sẽ xem tiền sử bệnh lý và kiểm tra sức khỏe. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể lấy mủ ở quy đầu để kiểm tra xem nguyên nhân gây bệnh có phải là vi khuẩn hoặc nấm hay không. Bác sĩ cũng có thể thử máu nếu bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng như tiểu đường hoặc giang mai.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm bao quy đầu?
Liệu trình điều trị viêm bao quy đầu phụ thuộc vào độ tuổi và nguyên nhân. Những trường hợp nhẹ chỉ cần thoa kem kháng sinh. Với các trường hợp nặng hơn hoặc bị tiểu đường, bệnh nhân có thể cần uống thuốc kháng sinh. Kem corticosteroid cũng được dùng để làm giảm sưng. Hiếm có trường hợp bệnh nhân cần phải phẫu thuật.
Thời gian bình phục phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng ở bệnh nhân. Ở những trường hợp nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm dần hoặc thậm chí biến mất sau 5–10 ngày. Ở những trường hợp nặng, thời gian hồi phục có thể sẽ lâu hơn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bao quy đầu?
Những thói quen có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng viêm này là:
- Vệ sinh sạch sẽ: bạn nên thường xuyên kéo bao quy đầu xuống và vệ sinh đầu dương vật
- Dùng bao cao su khi quan hệ
- Dùng kem hoặc thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Nếu bạn bị dị ứng với loại xà phòng thông thường, dùng thử xà phòng dịu nhẹ để xem các biểu hiện viêm bao quy đầu có giảm hay không
Bạn hãy gọi cho bác sĩ nếu:
- Bị sưng nặng hơn kể cả sau khi điều trị
- Bệnh không cải thiện sau 3–4 ngày
- Khó tiểu, có máu hoặc mủ trong nước tiểu
- Viêm tái phát. Bạn nên xem xét việc cắt bao quy đầu nếu bị viêm hết lần này đến lần khác
Hẹp bao da quy đầu là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm bao quy đầu phát sinh. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như quan hệ tình dục không an toàn, dị ứng, chấn thương… cũng có thể gây bệnh. Đối với trẻ nhỏ bị hẹp bao quy đầu nặng, bạn nên đưa trẻ đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc nam khoa để bé được tư vấn và can thiệp đúng cách.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.