Triệu chứng viêm phổi có thể bị nhầm lẫn với các chứng cảm cúm, dị ứng mũi… Nếu không nhận biết sớm, bệnh dễ trở nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bạn hãy cùng tìm hiểu về triệu chứng viêm phổi, những đối tượng dễ mắc bệnh và phác đồ điều trị viêm phổi dưới đây nhé!
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()Triệu chứng viêm phổi
Triệu chứng viêm phổi được chia thành 2 loại bao gồm triệu chứng điển hình và triệu chứng không điển hình:
Triệu chứng viêm phổi điển hình
Ở trẻ nhỏ, viêm phổi khó phát hiện hơn do triệu chứng thường khác với ở người lớn. Những người lớn trên 65 tuổi cũng tương tự vì họ có xu hướng ít có triệu chứng hơn người trẻ tuổi.
Dấu hiệu viêm phổi điển hình ở trẻ em
Trẻ dưới 1 tuổi có thể không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng phổi nào. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể xuất hiện các dấu hiệu viêm phổi sau đây:
- Nôn
- Ho, sốt
- Đuối sức
- Bồn chồn
- Khó ăn do khó thở
Đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi, các dấu hiệu viêm phổi có thể rõ ràng hơn. Sau khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên nhẹ như sổ mũi và ho nhẹ, tình trạng viêm phổi của trẻ em có thể trở nặng đột ngột với các triệu chứng sau đây:
• Sốt: Đôi khi viêm phổi ở trẻ em chỉ xuất hiện dấu hiệu duy nhất là sốt.
• Cánh mũi phập phồng (nasal flaring), co rút liên sườn (intercostal retraction): Những triệu chứng này thường là dấu hiệu khi trẻ khó thở.
• Thở khò khè: Triệu chứng thở khò khè khá phổ biến, đặc biệt là ở viêm phổi do virus.
• Chứng xanh tím (cyanosis): Đây là triệu chứng cho thấy sự biến màu hơi xanh tím của da hoặc niêm mạc, các mô gần bề mặt da, mũi và ngón tay, điều này có nghĩa là trẻ không nhận đủ oxy trong máu.
• Nôn mửa: Triệu chứng viêm phổi này thường là do trẻ gặp khó khăn khi thở.
• Ho: Triệu chứng có thể là ho khan hoặc ho có đờm, dịch đờm có thể trong, trắng, xanh vàng hoặc thậm chí có máu.
• Nhịp hô hấp tăng (thở nhanh): Nhịp hô hấp tăng là một dấu hiệu quan trọng cảnh báo bệnh viêm phổi ở trẻ em.
Bạn nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức nếu nhịp thở trên 50 nhịp thở mỗi phút (BPM) ở trẻ 2 – 12 tháng tuổi, 40 BPM ở trẻ 1 – 5 tuổi hoặc 30 BPM ở trẻ lớn hơn 5 tuổi.
Triệu chứng viêm phổi điển hình ở người lớn
Ở người lớn hơn 65 tuổi có xu hướng ít xuất hiện các triệu chứng hơn so với người trẻ tuổi, khi họ tìm kiếm sự chăm sóc y tế thường là lúc bệnh đã bắt đầu trở nặng. Bạn cần thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng thường gặp ở người lớn như:
• Sốt: Viêm phổi có thể gây triệu chứng sốt hay không còn tùy đối tượng. Tuy nhiên, nếu bạn bị sốt trên 38,5ºC kèm theo các triệu chứng cảm lạnh, bạn hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ vì điều này có thể cho thấy bạn đã bị nhiễm vi khuẩn, viêm phế quản hoặc viêm phổi.
• Đau ngực: Bạn có thể có cảm giác đau, áp lực dưới xương ức, nặng ngực hơn khi hít thở sâu hoặc ho.
• Ho thường xuyên: Triệu chứng ho có đờm với dịch đờm có thể màu xanh lá cây, vàng hoặc kèm theo máu. Điều này cảnh báo cho thấy bạn có dấu hiệu viêm phổi, sự xuất hiện của máu có nghĩa là bạn có thể đang bị nhiễm trùng nặng.
• Mệt mỏi, đau cơ: Viêm phổi có thể khiến cơ thể bạn bị mệt mỏi kèm sốt gây đau cơ hoặc đau khớp.
• Khó thở: Dấu hiệu viêm phổi này khiến bạn có cảm giác như không thể có đủ không khí để hít vào dù cố gắng. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy khi cơ thể hoạt động mạnh.
• Đổ mồ hôi, ớn lạnh: Bạn có thể cảm thấy ớn lạnh dù trong căn phòng ấm hoặc đã đắp chăn. Bạn cũng có thể bị đổ mồ hôi và răng đánh lập cập vào nhau.
• Nhức đầu: Triệu chứng này ít khi xảy ra và thường xuất hiện khi bạn bị sốt.
• Thay đổi nhận thức: Xảy ra phổ biến hơn ở người lớn trên 65 tuổi, họ có thể bị mê sảng hoặc lẫn lộn.
• Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường: Triệu chứng này thường xảy ra ở người lớn trên 65 tuổi và ở những người bị tổn thương hệ thống miễn dịch.
• Màu da xám hoặc hơi xanh: Điều này thường xảy ra xung quanh miệng do không nhận đủ oxy trong máu. Bạn cũng có thể buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
Triệu chứng viêm phổi không điển hình
Viêm phổi không điển hình có triệu chứng nhẹ hơn viêm phổi điển hình. Trong thực tế, bạn có thể hoạt động bình thường mà không gặp quá nhiều vấn đề sức khỏe. Bất cứ ai đều cũng có thể mắc phải viêm phổi không điển hình, chứng bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu ở người dưới 40 tuổi.
Triệu chứng viêm phổi không điển hình ở trẻ em
Các triệu chứng đầu tiên của viêm phổi không điển hình ở trẻ em có thể giống như một cơn cảm lạnh, cảm cúm, thường bắt đầu với cơn sốt, đau họng và đau đầu. Triệu chứng ho khan có thể trầm trọng hơn vào ban đêm. Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Đau cơ
- Khó thở
- Tiêu chảy
- Đau ngực
- Phát ban da
- Cảm giác ớn lạnh
- Có tiếng rít, khò khè ở ngực
Triệu chứng viêm phổi không điển hình ở người lớn
Triệu chứng phổ biến nhất ở người lớn là ho khan ban đầu, dần dần có thể chuyển sang ho có đờm. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đau ngực
- Viêm họng
- Thở khò khè
- Sốt nhẹ, có thể kèm ớn lạnh
Thời gian phục hồi bệnh viêm phổi không điển hình có thể lâu hơn đối với cho trẻ nhỏ, người già và những người bị tổn thương hệ thống miễn dịch.
Đối tượng dễ bị viêm phổi
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm phổi, nhưng một số đối tượng nhất định có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những đối tượng này bao gồm:
– Trẻ dưới 2 tuổi.
– Người từ 65 tuổi trở lên.
– Những người bị đột quỵ, gặp vấn đề về nuốt hoặc bị liệt toàn thân.
– Người gần đây hoặc hiện đang nhập viện, đặc biệt phải dùng máy thở.
– Người bị nhiễm trùng đường hô hấp chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.
– Người hút thuốc, sử dụng một số loại thuốc kích thích hoặc uống quá nhiều rượu.
– Người có hệ miễn dịch yếu do bệnh hoặc sử dụng thuốc như steroid hoặc thuốc ung thư.
– Người tiếp xúc với chất kích thích phổi như môi trường ô nhiễm, khói và một số hóa chất.
– Người mắc một số bệnh mãn tính nhất định như hen suyễn, xơ nang, tiểu đường hoặc suy tim.
Viêm phổi có thể lây truyền khi vi khuẩn từ cơ thể người bị viêm phổi lây sang người khỏe mạnh. Vì thế, bạn sẽ dễ bị viêm phổi nếu tiếp xúc với người bệnh viêm phổi qua các đường sau đây:
• Qua không khí: Một người bị viêm phổi có thể ho hoặc hắt hơi, sau đó những người xung quanh khác hít phải các hạt bị nhiễm bệnh. Tình trạng này xảy ra khi những người tiếp xúc gần gũi với nhau, chẳng hạn như cha mẹ và con cái, hoặc trong nơi không gian thông gió kém như máy bay.
• Qua miệng hoặc mắt: Khi một người bị nhiễm trùng dùng tay che miệng khi ho và sau đó bắt tay người khác, họ có thể bị lây nhiễm bệnh nếu bốc thức ăn hoặc dụi mắt mà không rửa tay.
Khi bạn phát hiện những người xung quanh có triệu chứng viêm phổi, bạn cần hạn chế tiếp xúc. Nếu đang mắc bệnh viêm phổi, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn phác đồ điều trị.
Phác đồ điều trị viêm phổi
Quá trình điều trị viêm phổi sẽ phụ thuộc vào loại viêm phổi mà bạn mắc phải, mức độ nghiêm trọng và sức khỏe tổng thể. Bác sĩ sẽ căn cứ vào những thông tin thăm khám và đưa ra các chỉ định điều trị.
1. Dùng thuốc kê đơn điều trị viêm phổi
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị viêm phổi dựa trên nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh.
• Viêm phổi do vi khuẩn: Thuốc kháng sinh đường uống có thể điều trị hầu hết các trường hợp viêm phổi do vi khuẩn.
• Viêm phổi do virus: Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus. Nhiều trường hợp bệnh có thể tự khỏi bằng cách chăm sóc tại nhà.
• Viêm phổi do nấm: Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống nấm cho tình trạng này, bạn có thể phải dùng thuốc trong vài tuần để loại bỏ nhiễm trùng.
Bạn cần lưu ý tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị dùng thuốc kháng sinh ngay cả khi triệu chứng viêm phổi đã có dấu hiệu cải thiện. Việc tự ý ngưng thuốc không những khiến bệnh lâu lành mà còn có thể làm bệnh khó điều trị hơn trong tương lai.
2. Chăm sóc người bệnh viêm phổi tại nhà
Bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc không kê đơn (OTC) để giảm đau và hạ sốt khi cần thiết. Các loại thuốc có thể bao gồm:
- Aspirin
- Ibuprofen
- Acetaminophen
Trường hợp ho quá nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ho để làm dịu cơn. Bạn có thể hỗ trợ phục hồi bệnh và ngăn ngừa tái phát bằng cách nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
3. Điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện
Nếu các triệu chứng viêm phổi trở nên trầm trọng hoặc kèm theo vấn đề sức khỏe khác, bạn có thể phải nhập viện. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim, nhiệt độ và nhịp thở của bạn cùng các phương pháp điều trị như:
• Dùng kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng bằng cách tiêm đường tĩnh mạch.
• Trị liệu hô hấp: Điều này bao gồm việc cung cấp các loại thuốc trực tiếp vào phổi và dạy bạn thực hiện các bài tập thở để tối đa hóa lượng oxy trong phổi.
• Liệu pháp oxy: Được dùng để duy trì nồng độ oxy trong máu thông qua ống mũi, mặt nạ hoặc máy thở tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
Nếu bạn nhận biết sớm được các triệu chứng viêm phổi, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Đây là chứng bệnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, bạn hãy trang bị đủ kiến thức về bệnh và hạn chế những tác nhân xấu gây ảnh hưởng đến phổi nhé!
Hoàng Trí | HELLO BACSI
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()