Mút tay, bứt tóc, ngoáy mũi… là những cách trẻ em thường dùng để giảm lo lắng, chán nản hoặc mệt mỏi. Những tật xấu này có thể là do bé bắt chước người lớn hoặc do bé cảm thấy dễ chịu và thư giãn hơn khi lặp đi lặp lại những cử chỉ cho đến khi những tật xấu này trở thành một thói quen giúp bé giảm căng thẳng.
Tuy nhiên, trừng phạt không phải là cách tốt nhất để bé từ bỏ những thói quen xấu, thậm chí khi bị phạt, bé có thể trở nên bướng bỉnh hơn, thất vọng và buồn bã hơn. Vậy bố mẹ nên làm thế nào?
Trị thói mút tay của con
Tại sao bé lại thích mút tay? Khi bé vừa chào đời và bước vào hành trình khám phá thế giới to lớn bên ngoài, ngón tay chính là “khám phá” đầu tiên luôn ở ngay trước mắt bé, nhất là khi ngón tay là món duy nhất bé dễ dàng nắm lấy khi đơn độc trong một không gian mới lạ.
Tuy nhiên, điều thú vị là hầu hết trẻ em sẽ dần dần bỏ thói quen mút tay khi được 3 tuổi. Thói quen mút tay cũng không ảnh hưởng đến răng miệng hay giọng nói nếu bé không mút liên tục. Nếu muốn cho bé bỏ thói quen này sớm, bạn hãy thử cách tập cho bé hát, chơi đố vui, lái xe đồ chơi hoặc thổi bong bóng,.. Đây là những trò chơi khiến miệng và tay của bé luôn bận rộn và không còn thời gian để mút tay. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tập cho bé nắm bàn tay lại, đặt ngón cái ở trong mỗi khi bé bị “dụ dỗ” hoặc ngón cái giơ cao mỗi khi khen ngợi để khuyến khích bé từ bỏ thói quen mút ngón tay. Bạn không nên trách mắng làm bé xấu hổ vì đây là thói quen có thể tập thay đổi được.
Ngậm núm vú giả
Tại sao bé lại thích ngậm núm vú giả? Hẳn nhà thám hiểm bé con của bạn luôn muốn được tự do nghịch ngợm và khám phá thể giới xung quanh, nhưng lại có chút sợ hãi và ngại ngần khi lần đầu rời xa mẹ. Đó là lý do lý giải cho nguồn gốc sức mạnh của núm vú, vốn gắn với bầu sữa mẹ và chính là nơi bé tiếp xúc đầu tiên và cảm thấy an tâm nhất khi vừa chào đời
Tuy nhiên, hầu hết các bé sẽ bỏ thói quen nút núm vú khi được 3 tuổi. Nếu không, bạn sẽ phải giúp bé bỏ thói quen xấu này. Chiến thuật đầu tiên là bạn cần tìm cách thay đổi hình dáng bằng chọc vài cái lỗ trên núm vú để khi nút bé sẽ không còn thấy thoải mái như trước. Dần dần bạn đặt ra giới hạn cho bé (khi nào hoặc ở đâu thì bé có thể dùng núm vú) và khen ngợi khi bé quen với luật mới.
Đụng đầu vào vật cứng
Tại sao bé lại thích đụng đầu vào tường hoặc thành giường? Đây là một trong những thói quen xấu ở trẻ em (tương tự như thói quen bứt tóc và thích lúc lắc) mà bố mẹ rất phiền lòng, nhưng thực ra đó chỉ là cách để bé “xả hơi”, đặc biệt là vào giờ ngủ.
Trong trường hợp này, bạn nên “đánh lạc hướng” bé sang các hoạt động bên ngoài, ví dụ như chạy bộ hoặc chơi đồ chơi cả ngày. Gần đến giờ ngủ, bạn có thể cho bé chơi một số trò như nhảy múa, tập thể dục nhịp điệu giúp tiêu hao năng lượng dư thừa của bé, đồng thời có thể kết hợp đọc truyện sau đó để giúp bé ngủ ngon hơn.
Bạn phải luôn chú ý đừng để bé ngủ sớm quá hay trễ quá để bé ngủ ngon nhưng không quá mệt. Nếu cho đến khi được 3 tuổi, bé vẫn thường xuyên đụng đầu vào tường, tự làm đau chính bản thân hoặc bé ít giao tiếp xã hội, bạn nên đưa bé đến khám bác sĩ ngay.
Bứt tóc
Tại sao bé lại thích bứt tóc? Đây cũng là một hành vi thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi như một cách giúp bé xả stress.
Thông thường, việc giúp bé bỏ thói quen xấu này lại khiến bé tưởng nhầm đây là thói quen bị-cấm-tuyệt-đối. Thay vì nhắc nhở hoặc la mắng bé bứt tóc, bạn nên tìm một phương pháp thay thế để giúp bé giảm stress và giải phóng năng lượng. Những hoạt động chạy nhảy, ném banh… là những hoạt động giúp tiêu hao năng lượng cho bé cực hiệu quả. Bên cạnh đó, những hoạt động nhẹ nhàng hơn như nghe kể chuyện, nghe nhạc cũng vô cùng có ích. Nếu bé vẫn tiếp tục bứt tóc, bạn có thể suy nghĩ đến phương pháp cắt tóc thật ngắn cho bé nhé.
Ngoáy mũi
Tại sao bé lại thích ngoáy mũi? Trẻ con thường thích ngoáy mũi khi bé thấy buồn, stress hoặc đơn giản chỉ là tò mò về cái gì có trong mũi của bé. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do khi bé bị dị ứng, dịch nhầy và chất thải của mũi khiến bé luôn cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên, bé sẽ từ từ bỏ thói quen ngoáy mũi, ít nhất là ở nơi công cộng khi bé bắt đầu nhận thức về những gì người khác nghĩ (nhất là khi bé 5-6 tuổi). Bạn cũng có thể khuyến khích bé chơi thể thao, chơi xếp hình hoặc giải đố, để bé tập trung suy nghĩ vào đấy. Nếu bé ngoáy mũi thường xuyên gây chảy máu, bạn nên giải thích cho bé là điều đó không tốt và giúp bé lau khô mũi. Nếu bé hay ngoáy mũi do bị dị ứng, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh.
Tất cả những thói quen xấu hẳn khiến bố mẹ bực mình, nhưng bạn đừng bao giờ la mắng khiến bé xấu hổ. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn tìm cách hướng con đến những hoạt động vui chơi giúp bé giải phóng năng lượng hiệu quả hoặc đưa bé đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác của các thói quen xấu ở bé nhé.