Bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng với những người thường xuyên gặp áp lực. Và căn bệnh trầm cảm ở sinh viên đại học đang ngày càng tệ hơn.
Thiếu ngủ, thói quen ăn uống kém và không tập thể dục là một trong những nguyên ngân chính gây ra bệnh trầm cảm ở sinh viên đại học. Sự căng thẳng đi kèm với nhiều áp lực từ xung quanh như lo lắng về tài chính, áp lực để có được việc làm tốt sau giờ học và những mối quan hệ không thành có thể khiến nhiều sinh viên phải rời trường đại học hoặc tệ hơn.
Vì tình trạng này gây ra hậu quả khá nghiêm trọng nên Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách điều trị trầm cảm ở sinh viên nhé.
Những dấu hiệu sinh viên bị trầm cảm
Trầm cảm ở sinh viên có thể bao gồm:
- Bạn cảm thấy buồn, vô vọng, bất lực và mệt mỏi
- Bạn tự cô lập bản thân dù có ngồi ở trong một tập thể đông người
- Bạn không còn quan tâm đến bạn bè và những điều bạn thích thú trước đây
- Bạn ăn không ngon, ngủ không sâu giấc
- Bạn không thể kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực cho dù có cố gắng như thế nào
- Bạn dễ bị kích thích, nóng tính và hay nổi giận hơn bình thường
- Bạn thích uống rượu, bia hoặc thực hiện nhiều hành vi liều lĩnh đến tính mạng
- Bạn hút thuốc lá liên tục trong nhiều giờ
- Bạn không thấy hứng thú với chuyện tình cảm
- Bạn nhức đầu, đau bụng hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa
Những rủi ro và hậu quả của trầm cảm ở sinh viên đại học
Nhiều yếu tố trong môi trường đại học góp phần tạo nên nguy cơ trầm cảm. Ngày nay, nhiều sinh viên không có sự chuẩn bị tốt cho cuộc sống đại học và phải đối mặt với nhiều khoản nợ. Họ cũng có ít triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp hơn các thế hệ đi trước. Ngoài học tập, còn có những mối quan ngại khác có thể dẫn đến những giai đoạn trầm cảm ở sinh viên đại học.
Những sinh viên thường xuyên chán nản trong học tập và trong cuộc sống dễ tìm đến những phương pháp giải tỏa căng thẳng như chất gây nghiện. Các sinh viên đại học cũng có xu hướng uống rượu, hút thuốc lá, hút cần sa và tham gia vào các hành vi tình dục nguy hiểm để đối phó với những vấn đề cảm xúc hơn những sinh viên bình thường.
Những vấn đề trở ngại trong tình yêu
Thông thường, một mối quan hệ tan vỡ có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm rất nhanh. Những dấu hiệu bao gồm khó ngủ, có những suy nghĩ tiêu cực và khó kiểm soát chúng trong cuộc sống hằng ngày. Có đến 43% sinh viên đại học cho biết họ thường bị trầm cảm nặng sau khi chia tay hoặc có mối quan hệ không như ý muốn. Sinh viên có nhiều khả năng trở nên đau khổ sau một lần chia tay, bị bỏ rơi hoặc từng bị lạm dụng tình cảm. Họ luôn cảm thấy không an toàn, cảm thấy bị phản bội và không sẵn sàng khi phải chấm dứt các mối quan hệ của mình.
May mắn thay, thời gian chính là phương pháp điều trị trầm cảm tốt nhất khi tan vỡ chuyện tình cảm.
Tỷ lệ tự tử ở sinh viên đại học mắc chứng trầm cảm
Ở Hoa Kỳ, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người từ 15–34 tuổi.
Trầm cảm là yếu tố lớn nhất dẫn đến việc tự tử ở sinh viên đại học. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Lạm dụng chất kích thích
- Gia đình có tiền sử trầm cảm và bệnh về thần kinh
- Đã có ý định tự tử từ trước
- Các vấn đề trong cuộc sống quá căng thẳng
- Sử dụng súng
- Tiếp xúc với các sinh viên khác đã từng tự tử
- Hành vi tự làm hại mình như tự thiêu hoặc rạch tay
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế chứng trầm cảm
- Suy nghĩ đơn giản về cuộc sống
- Hòa đồng hơn với bạn bè và người thân
- Tham gia các hoạt động từ thiện
- Làm những công việc bản thân cảm thấy thích thú như đọc sách, nấu ăn, đi du lịch
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
- Học cách thư giãn và kiểm soát căng thẳng
- Không nên đưa ra các quyết định quan trọng khi bạn đang cảm thấy chán nản
- Tập thể dục thường xuyên
Khi nào bệnh nhân trầm cảm nên đến khám bác sĩ?
Bạn nên đến tìm gặp bác sĩ ngay nếu:
- Các triệu chứng trở nặng hơn
- Bạn gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc chống trầm cảm
- Bạn có các triệu chứng rối loạn thần kinh như nghe thấy giọng nói, thấy những thứ siêu nhiên hoặc cảm thấy bị hoang tưởng
- Bạn có ý định tự tử, ý định giết hoặc làm hại người khác
Chẩn đoán và điều trị trầm cảm ở sinh viên đại học
Trường đại học là một môi trường căng thẳng đối với hầu hết các bạn trẻ, do đó cha mẹ, bạn bè, giảng viên và các chuyên gia cố vấn hãy đặc biệt quan tâm đến vấn đề này nếu nghi ngờ một sinh viên đang gặp tình trạng trầm cảm.
Các sinh viên trầm cảm thường không muốn tìm kiếm sự trợ giúp từ các mối quan hệ bên ngoài xã hội. Chúng ta cần phải đánh giá sức khỏe về thần kinh bao gồm sinh viên có được gia đình quan tâm từ khi còn bé cho đến lớn không, việc học tập ở trường và xem sinh viên đã có bất cứ hành vi tự gây thương tích nào hay không để đánh giá bệnh trước khi thực hiện kế hoạch điều trị.
Sự kết hợp của các thuốc chống trầm cảm và liệu pháp nói chuyện như liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị tốt nhất cho những sinh viên đại học mắc chứng trầm cảm. Sinh viên chán nản cũng có nhiều khả năng được cải thiện tâm lý và cảm xúc từ việc tập luyện thể thao, ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đủ hơn so với mọi người.
Chính vì tình trạng trầm cảm ở sinh đại học đang trở nên phổ biến hơn nên các bậc phụ huynh cũng như nhà trường hãy thường xuyên lưu tâm đến tâm lý, cảm xúc cũng như hành vi của các em. Hãy trò chuyện với các sinh viên đang trong giai đoạn áp lực về học tập để các em có cái nhìn lạc quan hơn trong cuộc sống. Hơn hết, chúng ta nên hướng các sinh viên đến những điều có ích, tránh xa những tiêu cực và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân.