Theo tự nhiên, nam giới sẽ cao lớn và khỏe mạnh hơn nữ giới nên chiều cao cũng sẽ ấn tượng hơn rất nhiều. Hãy xem bài viết sau để biết chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam như thế nào so với nam giới các quốc gia khác nhé.
Trên thế giới, chiều cao trung bình của các nước phương Tây thường sẽ nổi trội hơn các nước Á Đông do chế độ ăn uống và điều kiện sống tốt hơn. Nhưng trên thực tế, chiều cao không hề phản ánh tình trạng sức khỏe như cân nặng.
Theo tạp chí Khoa học thường thức của Mỹ “Scientific American”, khoảng 20–40 % chiều cao của bạn ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như dinh dưỡng, tập thể dục,… nhưng 60–80 % lại được quy định bởi gen. Nếu bạn tò mò chiều cao của mình như thế nào so với những người cùng giới khác, hãy tìm hiểu bài viết mà Hello Bacsi muốn chia sẻ sau đây.
Các quốc gia có các mức chiều cao khác nhau. Dưới đây là danh sách chiều cao trung bình của các quốc gia ở cả phương Tây và phương Đông:
- Mỹ: 1,77 m;
- Canada: 1,75 m;
- Mexico: 1,67 m;
- Úc: 1,74 m;
- Tây Ban Nha: 1,78 m;
- Đức: 1,8 m;
- Anh: 1,77 m;
- Nga: 1,76 m;
- Trung Quốc: 1,67 m;
- Nhật: 1,7 m;
- Brazil: 1,73 m;
- Pháp: 1,76 m;
- Ấn Độ: 1,64 m;
- Hy Lạp: 1,78 m;
- Ý: 1,76 m;
- Việt Nam: 1,64 m;
- Hàn Quốc: 1,73 m.
Đất nước có nam giới cao nhất là Hà Lan với chiều cao trung bình lên tới 1,84 m. Đất nước có nam giới thấp nhất là Indonesia với chiều cao trung bình là 1,58 m.
Theo báo cáo của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), ở châu Á, người Hàn Quốc hiện đang sở hữu chiều cao trung bình cao nhất. Trang city-data đưa con số cụ thể, đàn ông Hàn Quốc có chiều cao trung bình là 1,73m. Trong khi đó Việt Nam nằm trong top 5 nước có chiều cao dân cư thấp nhất thế giới với chiều cao trung bình chỉ 1,64 m.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao
Những yếu tố khác ngoài di truyền có thể ảnh hưởng đến chiều cao:
- Cân nặng khi sinh: Cân nặng lúc mới sinh là kết quả của nhiều yếu tố bao gồm gen di truyền và chế độ dinh dưỡng khi trong bụng mẹ, giúp dự đoán chiều cao của trẻ sau này khá chính xác;
- Sinh non: Những đứa trẻ sinh non thường có cân nặng nhẹ hơn những đứa trẻ khác. Sinh non cũng là một nhân tố độc lập ảnh hưởng đến chiều cao. Những đứa bé sinh non khi lớn thường sẽ thấp hơn;
- Hormone: Hormone ảnh hưởng đến sự phát triển trong suốt cuộc đời, đặc biệt trong quá trình dậy thì. Sự mất cân bằng nội tiết có thể làm cho con người cao hoặc thấp bất thường;
- Dinh dưỡng: Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng quyết định chiều cao. Những người có chế độ dinh dưỡng thấp, đặc biệt hấp thụ không đủ canxi, vitamin D, các loại vitamin khác và chất khoáng sẽ không có chiều cao lý tưởng;
- Vị trí địa lý: có mối liên hệ mạnh mẽ giữa nơi sinh sống và dân tộc làm ảnh hưởng đến chiều cao. Bên cạnh đó, địa điểm còn ảnh hưởng đến việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời – nguồn vitamin D dồi dào. Nơi sinh sống cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận các loại thức ăn tốt cho sức khỏe, các vấn đề về nghèo đói và sức khỏe cơ thể;
- Chậm phát triển: Những nhân tố làm chậm phát triển như rối loạn ăn uống, bị bệnh nặng và uống thuốc có thể làm con người thấp hơn so với gen quy định.
Các loại bệnh gây ảnh hưởng xấu đến chiều cao
Các loại bệnh như bệnh đái tháo đường, tim mạch, suy thận và ung thư có thể ảnh hưởng đến chiều cao cũng như một số căn bệnh khác bao gồm:
Chứng loạn sản sụn (Achondroplasia)
Chứng loạn sản sụn là một dạng bệnh làm tứ chi ngắn đi. Người bị bệnh loạn sản sụn chỉ có chiều cao trung bình khoảng 1,22 m.
Bệnh loạn sản hệ xương (Spondyloepiphyseal dysplasias (SED))
Bệnh loạn sản hệ xương SED gây ra chứng thân ngắn hơn bình thường. Bệnh này do di truyền nhưng thường không được phát hiện cho đến khi trẻ ở độ tuổi từ 6–8 tuổi.
Bệnh loạn sản gây vặn vẹo (Diastrophic dysplasia)
Bệnh loạn sản này là một dạng bệnh di truyền khá hiếm gặp gây ngắn bắp chân và cánh tay.
Những người gặp bệnh gây thấp chiều cao có thể cũng bị ảnh hưởng sức khỏe như bệnh SED gây viêm xương khớp nặng.
U tuyến yên
Trẻ bị u tuyến yên – khối u trong tuyến yên – cơ thể tiết ra rất nhiều hormone tăng trưởng, làm cho chúng phát triển cao hơn so với bình thường.
Người với chiều cao không bình thường có nhiều vấn đề về sức khỏe. Kích cỡ vượt khổ của họ làm căng hệ thống chuyển hóa và gây ra bệnh tim mạch như là chứng giãn nở tim hay còn gọi là bệnh cơ tim.
Để có một chiều cao cân đối và theo chuẩn của thế giới, người Việt Nam cần chú trọng chế độ ăn uống của bản thân hơn, đặc biệt các sản phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D cũng như siêng tập thể dục. Người lớn cũng nên chú ý phòng tránh các loại bệnh gây đột biến chiều cao hay ảnh hưởng xấu đến quá trình tăng trưởng của trẻ để trẻ phát triển và đạt chiều cao tốt nhất có thể.