Mục đích chính khi điều trị ngoại khoa cho bệnh basedow là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp để điều trị các triệu chứng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vì sợ các biến chứng sau phẫu thuật, nhiều người cảm thấy lo ngại và không biết bệnh basedow có nên mổ không.
Phẫu thuật là một lựa chọn điều trị cho những người bị cường giáp vì nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả do basedow. Đây không phải là phương pháp điều trị phổ biến như thuốc kháng giáp hay liệu pháp i-ốt phóng xạ nhưng là cách cuối cùng khi các biện pháp khác không hiệu quả hoặc người bệnh không có khả năng thực hiện điều trị nội khoa. Phẫu thuật tuyến giáp là quá trình cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
Phẫu thuật tuyến giáp sẽ cần mất vài giờ để thực hiện và nhìn chung thời gian phục hồi khá nhanh, người bệnh có khi chỉ cảm thấy hơi khó chịu. Một vết mổ nhỏ sẽ được tạo ra ngay phía trước cổ và bác sĩ sẽ cần gây mê toàn thân trong khi phẫu thuật.
Sau khi mổ tuyến giáp, bạn có thể thực hiện các hoạt động bình thường như ăn, nói và đi lại ngay sau đó. Một số trường hợp, bạn cần ở lại bệnh viện để theo dõi thêm, nhưng đa số người bệnh đều được xuất viện một vài giờ sau khi phẫu thuật.
Tuy nhiên, tương tự những phẫu thuật khác, phẫu thuật tuyến giáp cũng có những rủi ro nhất định. Do đó, người bệnh basedow có nên mổ không là vấn đề mà khá nhiều người thắc mắc. Hãy cùng tìm hiểu khi nào người bệnh basedow được chỉ định phẫu thuật và những thông tin liên quan đến quá trình này qua bài viết dưới đây.
Khi nào người bệnh basedow nên phẫu thuật?
Nếu bạn băn khoăn không biết bệnh basedow có nên mổ không thì câu trả lời chính là phẫu thuật tuyến giáp có khả năng được chỉ định cho hầu hết người bệnh basedow, nhất là:
- Người có bệnh mắt do basedow từ trung bình đến nặng
- Những người hút thuốc bị basedow vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt do basedow sau khi dùng i-ốt phóng xạ
- Phụ nữ bị basedow khi đang mang thai hay cho con bú để tránh những nguy cơ từ việc dùng i-ốt đồng vị phóng xạ
- Người bệnh basedow có bướu cổ khá lớn, có hoặc không gây chèn ép đến các cơ quan khác
- Người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát nội tiết tố trong khi dùng thuốc hay gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng từ thuốc kháng giáp
- Người bệnh không có khả năng điều trị nội khoa lâu dài vì tốn kém
- Người bệnh trẻ tuổi, dưới 40 tuổi và vì lý do thẩm mỹ (bướu cổ lớn có thể gây tâm lý e ngại cho người bệnh)
Ở nước ngoài như Mỹ, Canada hay châu Âu, khuynh hướng điều trị cho bệnh basedow thường là dùng i-ốt đồng vị phóng xạ hoặc điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do hoàn cảnh kinh tế – xã hội nên người bệnh thường khó có điều kiện theo phương pháp điều trị nội khoa lâu dài theo đúng phác đồ, việc xây dựng các trung tâm điều trị bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, điều trị bảo tồn chỉ có hiệu quả với những trường hợp mới phát hiện bệnh, đồng thời tỷ lệ tái phát hay không khỏi bệnh vẫn còn cao. Do đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất cho người bệnh tại nước ta. Theo các công trình nghiên cứu cho thấy thì sau một đợt điều trị nội khoa tấn công từ 2–3 tháng mà các triệu chứng vẫn không ổn định thì tiếp tục điều trị cũng chỉ chữa khỏi khoảng 50%.
Những điều cần biết trước khi phẫu thuật basedow
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi bị cường giáp nặng, bạn sẽ cần kiểm soát tình trạng này trước khi phẫu thuật tuyến giáp. Nếu không, bạn có nguy cơ mắc một số vấn đề về tim và giải phóng hormone tuyến giáp vào máu ở mức nguy hiểm.
Để kiểm soát triệu chứng cường giáp trước khi mổ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng giáp hoặc thuốc chẹn beta. Một lựa chọn khác là sử dụng i-ốt nguyên tố (không phải đồng vị phóng xạ) trước khi phẫu thuật một tuần. I-ốt nguyên tố là một giải pháp tạm thời cho tình trạng cường giáp.
Lưu ý, bạn không nên dùng thuốc sớm trước khi phẫu thuật. Nếu uống thuốc quá sớm, bệnh cường giáp có khả năng khởi phát lại ngay trước khi phẫu thuật và gây ra nhiều biến cố nghiêm trọng. Thời gian điều trị nội khoa trước phẫu thuật chỉ nên kéo dài không quá 6 tháng.
Rủi ro sau khi mổ bướu cổ basedow
Cũng như bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào, mổ cắt bỏ tuyến giáp cũng có những rủi ro và biến chứng nhất định mà bạn nên tìm hiểu trước. Khi phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm thì những rủi ro thường hiếm khi xảy ra (<2%) và tỷ lệ gặp những phản ứng bất lợi từ phẫu thuật cũng giảm xuống. Bạn nên tìm kiếm những bác sĩ phẫu thuật tuyến giáp có nhiều năm kinh nghiệm và các bệnh viện, trung tâm y tế uy tín.
Một rủi ro hiếm thấy khác là phẫu thuật gây ảnh hưởng đến các cấu trúc xung quanh tuyến giáp như dây thanh quản. Nếu dây thanh quản bị tổn thương, giọng nói của bạn có khả năng khàn hoặc thay đổi vĩnh viễn.
Các tuyến cận giáp nằm gần tuyến giáp cũng có nguy cơ bị tổn thương sau khi phẫu thuật. Các tuyến cận giáp giúp điều chỉnh mức độ canxi trong cơ thể. Khi bị tổn thương thì tình trạng suy tuyến cận giáp có khả năng xảy ra. Điều này gây hạ canxi máu, làm nồng độ canxi trong máu hạ thấp bất thường. Ngay cả khi tuyến cận giáp không bị ảnh hưởng, cơ thể cũng dễ bị hạ canxi máu tạm thời nhưng có thể khắc phục bằng cách bổ sung canxi đường uống. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do cường giáp có thể làm cạn kiệt canxi dự trữ trong cơ thể trước khi phẫu thuật và bạn cần mất thời gian để bổ sung lại đầy đủ.
Nhiễm trùng và chảy máu là các biến chứng khá hiếm gặp sau khi phẫu thuật tuyến giáp.
Biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong sau khi phẫu thuật tuyến giáp là cơn bão giáp trạng. Nguyên nhân gây ra biến chứng này là do công tác chuẩn bị phẫu thuật chưa tốt khiến người bệnh lên bàn mổ trong tình trạng tuyến giáp chưa ổn định hoàn toàn. Sau khi phẫu thuật, người bệnh bị sốt cao đến 40–41ºC, rối loạn tâm thần, kích động, mạch đập rất nhanh… Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây tử vong. Hiện nay với những phương pháp đánh giá bệnh nhân hữu hiệu và chuẩn bị phẫu thuật tốt, biến chứng này hầu như không thấy xảy ra.
Một vấn đề khác thường xảy ra sau khi phẫu thuật là người bệnh bị suy giáp. Điều này thường gặp phải khi người bệnh phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, nhưng cũng có khi xảy ra khi chỉ có một phần tuyến giáp bị loại bỏ. Lúc này, để bù đắp cho sự thiếu hụt hormone tuyến giáp, bạn cần phải uống thuốc thay thế các hormone này suốt đời. Tuy nhiên, các phương pháp để điều trị lâu dài tình trạng suy giáp khá an toàn, hiệu quả và không quá tốn kém cho người bệnh.