Trong khi một tình yêu thăng hoa có thể mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe thì thất tình lại khiến bạn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều người xem tình yêu là mục đích sống. Một số người khác đánh đồng tình yêu với hạnh phúc. Song, đó là khi tình yêu có khả năng đáp ứng nhu cầu cảm xúc của một người. Ngược lại, khi họ cảm thấy chán chường, mệt mỏi hoặc thất tình thì sao?
Thất tình là gì?
Năm 1979, tiến sĩ, nhà tâm lý học Dorothy Tennow đã đặt ra thuật ngữ “Limerence” để mô tả sự suy nhược trong tình yêu hay còn gọi là thất tình.
Trong cuốn sách “Tình yêu và sự suy nhược” của mình, cô định nghĩa limerence là một trạng thái mãnh liệt, say đắm khi yêu nhưng đã bị người yêu từ chối hoặc rất sợ bị từ chối. Nó khiến con người bị ám ảnh và phụ thuộc vào cảm xúc của người mình yêu.
Theo tác giả, những dấu hiệu cho thấy một người đang bị thất tình bao gồm:
– Muốn kiểm soát mọi mặt trong sinh hoạt của người yêu.
– Mong muốn được đáp ứng nhu cầu cảm xúc một cách nhanh chóng.
– Tâm trạng phụ thuộc vào hành vi của người yêu. Nói cách khác, bạn vui hay buồn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng tình cảm của người bạn yêu.
– Nỗi sợ bị tự chối.
– Xem người yêu là “trung tâm” trong cuộc sống. Mọi mối quan hệ khác đều trở nên mờ nhạt so với mối quan hệ với người yêu.
Những biểu hiện này cho thấy trạng thái suy nhược trong tình yêu hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe của người mắc bệnh. Thậm chí, nó còn mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác cho người “được yêu”.
Cũng theo Tennow, hội chứng thất tình có mối liên hệ với nhiều tình huống bi thảm. Chúng bao gồm những vụ tai nạn có chủ ý, tự tử và một loạt “tác dụng phụ” khác. Người bệnh gây ra những điều này để có được sự quan tâm, chú ý của người họ yêu.
Không những thế, những người đã từng thất tình còn cho rằng họ có cảm giác hận thù và có xu hướng tự sỉ vả bản thân. Họ cho rằng mình bất lực và không thể kiểm soát cảm xúc của chính mình.
Mối liên hệ giữa tình yêu và hormone căng thẳng
Medical News Today cho biết, những người đang yêu thường có xu hướng kích hoạt một số hormone hoạt động như chất dẫn truyền thần kinh có lợi cho não. Một trong số đó là “hormone tình yêu” oxytocin. Cơ thể của người đang yêu giải phóng hormone này khi quan hệ tình dục hoặc động chạm vào cơ thể của đối phương. Hormone này có tác dụng tiết giảm căng thẳng, củng cố và kéo dài mối quan hệ.
Tuy nhiên, mức độ oxytocin chỉ bắt đầu tăng lên đáng kể sau năm đầu tiên của tình yêu. Một cuộc nghiên cứu đã được tiến hành để so sánh về sức khỏe của những người mới yêu với những người đã yêu lâu dài và người độc thân.
Theo đó, khi đánh giá tiêu chuẩn của các loại hormone khác nhau, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người đã yêu nhau trong 6 tháng trước đó có nồng độ hormone căng thẳng cortisol cao hơn nhóm yêu lâu và nhóm độc thân. Một năm sau, mức độ cortisol của họ đã trở lại bình thường.
Theo phân tích, mức độ cortisol sản sinh ra nhiều hơn trong khoảng thời gian mới yêu là kết quả của tình trạng căng thẳng và những vấn đề liên quan khi bắt đầu một mối quan hệ. Nồng độ cortisol cao có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bạn có nhiều nguy cơ nhiễm trùng hơn. Nó cũng làm tăng khả năng phát triển bệnh cao huyết áp và tiểu đường loại 2. Không những thế, cortisol cao quá mức có thể làm suy giảm chức năng não, trí nhớ, thậm chí, nó còn có khả năng làm giảm thể tích não.
Nghiện yêu cũng là một dạng thất tình
Trên thực tế, tình yêu cũng có khả năng kích thích cơ thể giải phóng dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh có đặc tính như các chất gây nghiện. Cơ thể bạn có xu hướng giải phóng chất này khi tham gia vào các gây hưng phấn.
Nhìn chung, theo quan điểm thần kinh học, tình yêu có đầy đủ các yếu tố gây nghiện. Tiến sĩ Helen Fisher – một nhà nhân chủng học đang làm việc tại Đại học Indian đã cùng cộng sự tiến hành một cuộc nghiên cứu để minh chứng cho điều này.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu quét MRI não của 15 người đang cảm thấy mình yêu mãnh liệt nhưng bị người yêu từ chối. Những vùng não được quét bao gồm vùng não thất, vỏ não giữa và vỏ não trước.
Khi đó, hoạt động não bộ của những người này có liên quan đến một số hành vi như thay đổi tâm trạng, thèm muốn, ám ảnh, lệ thuộc cảm xúc, thay đổi tính cách, chấp nhận rủi ro và mất tự chủ. Các nhà nghiên cứu xem đó là biểu hiện của chứng nghiện yêu. Nó cũng tương tự với các chứng nghiện hành vi khác như nghiện tình dục, cờ bạc, công nghệ hoặc nghiện làm việc.
Như vậy, dù ở hình thức nào thì thất tình cũng gây không ít ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh về cả tinh thần lẫn thể chất.