Trầm cảm sau khi sinh là tình trạng khá phổ biến ở nhiều phụ nữ ngày nay, tầm ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đến con rất nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến mẹ mà cả sự phát triển của bé.
Hội chứng “baby blues” và trầm cảm sau sinh khác nhau như thế nào?
Hội chứng “baby blues” là một dạng trầm cảm nhẹ sau sinh mà rất nhiều phụ nữ mới làm mẹ đều trải qua. Hội chứng này bắt đầu 1–3 ngày sau sinh và kéo dài khoảng 10 ngày đến vài tuần. Khi mắc hội chứng “baby blues”, nhiều phụ nữ có tâm trạng bất ổn định, một phút trước đang hạnh phúc, vui vẻ, một phút sau có thể khóc ngay mà không cần lý do gì.
Họ cảm thấy lo lắng, bối rối, gặp vấn đề về ăn uống hay giấc ngủ. Có đến 80% những phụ nữ mới làm mẹ đều mắc phải hội chứng “baby blues”. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ tự nhiên biến mất. Khoảng 13% những người mới làm mẹ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh. Tình trạng này nghiêm trọng và kéo dài hơn “baby blues”. Nếu trong gia đình trước đây cũng có người mắc phải hội chứng trầm cảm thì bạn càng có nguy cơ cao rơi vào tình trạng này.
Một số triệu chứng của hội chứng trầm cảm bao gồm:
- Cảm thấy bạn không thể chăm sóc cho con mình;
- Lo lắng tột độ hay hoảng sợ cực đoan;
- Khó khăn khi đưa ra một quyết định;
- Luôn cảm thấy buồn phiền, thậm chí là tuyệt vọng;
- Mất kiểm soát.
Nguyên nhân chính gây ra chứng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được làm rõ. Nếu bạn có những triệu chứng trên, điều quan trọng là bạn phải nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Trầm cảm sau sinh cần phải điều trị dứt điểm, do đó tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ để có lời khuyên và phương pháp điều trị tốt nhất.
Tầm ảnh hưởng của chứng trầm cảm sau sinh đến con
Nếu người mẹ không mau chóng chữa bệnh trầm cảm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bé. Những bà mẹ mắc chứng trầm cảm sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái. Một phút trước, có thể họ rất yêu thương con nhưng ngay sau đó lại cảm thấy chán nản.
Họ có thể đáp trả lại những mong muốn của bé theo một cách tiêu cực hoặc ngó lơ nó. Cảm xúc và hành vi lúc này đều ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con cái của người mẹ. Trên tất cả, mẹ cần đáp ứng mong muốn của con, chẳng hạn như cho ăn, thay tã, âu yếm, vỗ về con. Sự gắn bó bền chặt sẽ giúp giải tỏa căng thẳng và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tình cảm dài lâu, khiến con cảm thấy an toàn và được bảo vệ, học cách tin tưởng vào người khác.
Nếu bị trầm cảm, người mẹ có thể gặp vấn đề trong cách thể hiện tình yêu, cách chăm sóc con cái. Điều này sẽ kéo theo hàng tá vấn đề sau này trong tuổi thơ của bé. Trẻ em không phát triển tình cảm gắn bó bền chặt có thể dẫn đến những vấn đề sau đây:
- Gặp vấn đề trong việc tương tác với người mẹ (bé không muốn ở gần mẹ hoặc cảm thấy buồn khi ở cạnh mẹ);
- Giấc ngủ có vấn đề;
- Chậm phát triển;
- Thường xuyên bị đau bụng;
- Trở nên thụ động, ít nói;
- Phát triển các kỹ năng hay đạt đến những cột mốc phát triển quan trọng chậm hơn nhiều so với những bé khác.
Đối với những bé mới biết đi hay chưa đến tuổi đi học có mẹ mắc chứng trầm cảm sẽ gặp những vấn đề sau đây:
- Ít độc lập hơn bạn bè;
- Ít hòa đồng với mọi người;
- Gặp nhiều vấn đề trong việc tuân theo kỷ luật;
- Hay phá phách hoặc hung hăng hơn;
- Không học tập tốt.
Đối với bé đã đến tuổi đi học có thể sẽ:
- Gặp nhiều vấn đề trong hành vi;
- Khó khăn trong học tập;
- Nguy cơ cao mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD);
- Học tập không tốt;
- Nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm, thường xuyên lo lắng, gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần khác.
Trẻ em ở lứa tuổi “teen” có mẹ mắc chứng trầm cảm có nguy cơ cao gặp một số vấn đề như rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, lạm dụng chất gây nghiện, mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và học tập khó khăn hơn các bạn.
Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể chữa trị được nếu phát hiện kịp thời. Hy vọng bạn có thể mau chóng tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho bản thân nhé!