Giảm cân, giữ dáng ngày nay dường như đã là xu thế thời đại không những được các chị em theo đuổi mà còn cả phái mạnh nữa. Theo đó, nhiều người rất quan tâm đến việc lựa chọn thức uống trong thực đơn dinh dưỡng, bởi điều này cũng có ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân. Thay vì dùng nước chanh, nước gừng hay một số loại trà giảm cân như truyền thống, có người ngày nay lại chọn sữa đậu nành. Vậy trên thực tế, uống sữa đậu nành có giảm cân không?
Đậu nành là loại hạt rất được ưa chuộng bởi nó chứa ít calo nhưng lại giàu dinh dưỡng, đặc biệt là các chất chống oxy hóa. Chính vì thế, thoạt nghe thì có vẻ đây là thực phẩm lý tưởng với những người muốn tăng cơ, giảm cân nhưng tác dụng này còn phụ thuộc phần lớn vào cách bạn sử dụng thế nào đấy. Để rõ hơn, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Thành phần trong sữa đậu nành
Sữa đậu nành (Soy milk) được chế biến bằng cách ngâm và nghiền hạt đậu nành (đậu tương) nguyên chất, sau đó đun sôi hỗn hợp và lọc các hạt còn lại. Đây được xem là thức uống cực kỳ lành mạnh với cơ thể bởi hoàn toàn được chiết xuất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên.
Theo thống kê, một cốc sữa đậu nành nguyên chất mang lại những thành phần có giá trị sau:
- 30% riboflavin và 50% vitamin B12: Về cơ bản, 2 trong số các vitamin nhóm B này đều đóng vai trò quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo mà cơ thể hấp thụ thành năng lượng cho các hoạt động sống, từ đó thúc đẩy việc tiêu hao mỡ thừa hiệu quả.
- Chất xơ: Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc dùng sữa đậu nành có thể đáp ứng khoảng 10 – 12% nhu cầu chất xơ cho cơ thể trong ngày. Thành phần này có vai trò tạo cảm giác no lâu hơn, từ đó giảm việc nạp thêm calo vào cơ thể. Điều này rất khả quan đối với quá trình ăn kiêng giảm cân của chị em.
- Đậu nành còn có sự góp mặt của hàm lượng protein và axit amin thiết yếu. Từ đó, giúp cơ thể không quá mập và khó nhìn nếu bạn thừa cân không nhiều.
Uống sữa đậu nành có giảm cân không?
Câu trả lời là “Có” nhưng cụ thể giảm nhiều hay ít và có thực sự hiệu quả hay không thì còn phải đặt lên bàn cân xem xét. Bởi lẽ, việc dùng sữa sai cách không những chẳng mang lại lợi ích mà còn gây tác dụng ngược khiến bạn tăng cân chóng mặt, thậm chí làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể. Để trả lời chính xác cho thắc mắc này, mời bạn cùng tìm hiểu qua từng khía cạnh của vấn đề như sau:
1. Uống sữa đậu nành như thế nào thì tốt cho cân nặng?
Sữa đậu nành chứa nhiều chất béo không bão hòa dạng đơn. Những axit béo này có thể giúp ngăn chặn quá trình hấp thụ chất béo vào đường ruột. Bên cạnh đó, chất xơ dồi dào cũng tạo cảm giác no và giảm bớt những cơn thèm ăn. Nên uống sữa đậu nành mỗi ngày hỗ trợ cực tốt cho quá trình giảm cân của bạn.
Tuy nhiên, dù tốt tới đâu cũng cần uống vừa phải. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới hệ tiêu hóa, có thể gây khó tiêu đầy hơi, vô cùng khó chịu.
- Liều lượng với người trưởng thành là khoảng 500ml mỗi ngày.
- Mỗi lần bạn chỉ nên sử dụng khoảng một ty nhỏ từ 100-150ml mà thôi.
Hãy nhớ nhé! Đừng uống quá nhiều đậu nành trong ngày, nếu không, cảm giác ấm ách khó chịu sẽ làm phiền bạn cả ngày đấy!
2. Có nên uống sữa đậu nành với đường?
Sữa đậu nành thường khá nhạt, chỉ có mùi thơm và vị béo ngậy nhẹ nhàng của đậu nành mà thôi. Vì thế, thói quen của hầu hết mọi người là cho đường vào để có vị ngọt nhẹ, tăng thêm mùi vị cho loại đồ uống này. Nhưng đây quả thật là thói quen không tốt nếu như bạn đang muốn giảm cân.
Đường luôn là nguyên nhân gây béo, vì đường phân giải ra rất nhiều đơn vị năng lượng. Nên một khi đã có kế hoạch giảm cân thì không thể nào để đồ ngọt có mặt trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày được.
Trường hợp bạn thích vị ngọt, chỉ nên cho một chút đường riêng cho người giảm cân vào sữa đậu nành mà thôi. Không nên cho quá nhiều đường cho thức uống này để tránh tăng cân nhé!
3. Không nên uống sữa đậu nành vào buổi tối
Thông thường, bữa tối chúng ta không nên ăn nhiều và chỉ ưu tiên sử dụng các sản phẩm dễ tiêu mà thôi. Sữa đậu nành khá giàu đạm nên có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa khiến người dùng có cảm giác nặng bụng, khó chợp mắt được, đặc biệt là những đối tượng có hệ đường ruột không tốt.
Theo đó việc khó ngủ, ngủ không sâu giấc và thức khuya quá mức sẽ kích thích việc tích tụ chất béo ở vùng bụng. Vậy nên, sữa đậu nành là đồ uống thích hợp cho bữa điểm tâm vào mỗi buổi sáng. Sử dụng sữa đậu nành vào thời điểm nào cũng rất quan trọng trong giảm cân.
4. Kết hợp sữa đậu nành và những thành thực phẩm ăn kiêng khác
Tuy là loại đồ uống nhiều dưỡng chất nhưng chỉ uống sữa đậu nành cũng không phải là giải pháp tốt. Bạn nên cân đối giữa sữa với những thực phẩm có lợi khác để xây dựng lên thực đơn giảm cân khoa học.
Tùy vào cân nặng của bạn để tính toán và cân đối lượng calo cần thiết mỗi ngày. Cụ thể là cứ mỗi kg trọng lượng cơ thể cần khoảng 25-30kcal mỗi ngày. Khi giảm béo, lượng này có thể giảm xuống thấp hơn.
Thực đơn cần cân đối 4 nhóm chất chính: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vi chất (vitamin và khoáng chất). Có như thế, giảm cân mới đẹp và đảm bảo sức khỏe.
Những tác dụng phụ khi sử dụng sữa đậu nành giảm cân
- Thứ nhất, với mục đích uống sữa đậu nành để giảm cân bạn chỉ nên sử dụng sữa đậu nành nguyên chất. Không nên sử dụng đường nhiều. Vì các chất có trong đường có thể gây phản tác dụng ngược lại, làm cơ thể tăng cân.
- Thứ hai, để có được tác dụng như mong muốn bạn nên sử dụng sữa đậu nành tự làm tại nhà. Không nên sử dụng sữa đậu nành đã qua chế biến. Hay đậu nành có thành phần chất bảo quản. Các loại sữa đóng hộp có thể chứa thêm nhiều chất gây tăng cân hoặc gây tác dụng phụ cho sức khỏe.
1. Đậu nành không thể làm tăng cơ
Nếu bạn chọn sử dụng đậu nành thay thế cho sữa bò vì lo sợ nguy cơ tăng cơ trong quá trình tập luyện thì đây không phải một ý kiến hay.
- Thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng các axit amin hỗ trợ cho việc tăng trưởng và hồi phục cơ bắp có trong đậu nành lại được hấp thu bởi nội tạng (dạ dày, ruột non, ruột già, tuyến tụy và lá lách) và không cung cấp năng lượng cho các khu vực ngoại biên của cơ thể như cơ bắp.
- Bên cạnh đó, protein của đậu nành còn gây ức chế hoạt động của axit amin leucine (một axit amin hỗ trợ cho việc xây dựng cơ bắp) và các nhân tố kích hoạt sự phát triển cơ bắp.
2. Đậu nành dễ khiến bạn tăng cân
Một trong những tác động xấu của đậu nành đến cân nặng là do nó có khả năng cản trở các hoạt động của tuyến giáp, làm tuyến giáp không thể hoạt động bình thường, gây suy giảm việc trao đổi chất và nguy cơ tăng cân cao hơn.
Đậu nành cũng có thể tác động đến sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Loại đậu này chứa rất nhiều phytoestrogens, có tác dụng khuyến khích sự tăng trưởng của các tế bào nhạy cảm với sự khuếch đại của hormone nội tiết tố nữ estrogen, từ đó dẫn tới việc tăng tích lũy mỡ trong ngực, chân, eo và mông.
Những lưu ý khi sử dụng sữa đậu nành giảm cân
- Nên nhớ phải đun sôi kỹ trước khi dùng, bởi sữa sống có các thành phần như saponin và chất ức chế men Trypsin … có khả năng gây buồn nôn, đau bụng đi ngoài hoặc thậm chí ngộ độc
- Nhiều người không hấp thụ được sữa đậu nành. Đậu nành theo đông y có tính thiên hàn. Nên những ai có tỳ vị hư hàn rất dễ bị đầy hơi, bụng chướng, ợ chua… Bệnh nhân bị chứng thận hư, di tinh, thường xuyên đi tiểu đêm… cũng có thể bị nặng hơn khi uống thức uống này.
- Đường đỏ chứa nhiều axit hữu cơ có thể tác dụng với protit, canxi làm biến chất. Nên đừng pha sữa với đường đỏ để tránh ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ.
- Chứa sữa trong bình giữ nhiệt vì đây là môi trường dễ sản sinh vi khuẩn.
- Đánh trứng với sữa đậu nành sẽ tạo kết tủa gây khó tiêu và làm mất chất dinh dưỡng tốt có trong thức uống này.
- Cần uống sữa đậu nành kèm với các loại thực phẩm chứa tinh bột. Không nên chỉ uống sữa đậu nành mà thôi.
- Nếu bạn đang uống các loại thuốc kháng sinh thì nên tránh việc dùng sữa đậu nành. Lý do vì một số loại thuốc có thể làm phân hủy các dưỡng chất có lợi trong sữa. Nếu muốn dùng, nên uống cách khoảng 1 giờ để hạn chế tác động bất lợi này.
Giờ thì bạn đã biết uống sữa đậu nành có giảm cân không hoàn toàn tùy thuộc ở bạn. Nếu uống đúng cách, liều lượng vừa phải và khoa học sẽ đem lại kết quả rất tốt đấy!
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.