Bố mẹ nào cũng mong thiên thần nhỏ sẽ chào đời trong tình trạng sức khỏe ổn định nhất. Do vậy, trong thời gian mang thai, bạn sẽ cần làm khá nhiều xét nghiệm nhằm đảm bảo bé cưng đang phát triển bình thường, một trong số đó là xét nghiệm tripple test.
Một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với phụ nữ mang thai là nguy cơ em bé có những bất thường chẳng hạn như dị tật ống thần kinh. Sự lo ngại này là điều dễ hiểu bởi ảnh hưởng của bệnh có thể tác động tiêu cực đến bé yêu trong tương lai. Giờ đây, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ được áp dụng vào chẩn đoán y khoa, bạn có thể tìm ra những khiếm khuyết của thai nhi thông qua xét nghiệm tripple test.
Xét nghiệm tripple test là gì?
Xét nghiệm tripple test là hình thức xét nghiệm máu không xâm lấn đơn giản được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 15 – 21 của thai kỳ. Xét nghiệm này sẽ đo lường 3 hormone, cụ thể như sau:
- AFP (alpha-fetoprotein): một loại protein được sản xuất bởi thai nhi đang phát triển
- hCG (human Chorio gonadotropin): một loại hormone được sản xuất bởi nhau thai
- uE3 (estriol không liên hợp): hormone estrogen được sản xuất bởi cả thai nhi và nhau thai
Xét nghiệm này được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu xem thai nhi đang phát triển có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hay không.
Mặc dù các xét nghiệm chưa hẳn chỉ ra được các tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý một cách cụ thể, nhưng chắc chắn nó có khả năng xác định được nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi.
Tại sao tripple test được gọi là xét nghiệm sàng lọc?
Bạn nên tìm hiểu xét nghiệm sàng lọc là gì để có thể thoải mái hơn trong khi thực hiện quá trình này. Xét nghiệm sàng lọc thực chất không phải là công cụ chẩn đoán. Nó so sánh một số thông số như tuổi tác, chủng tộc, kết quả từ các xét nghiệm máu… trước khi đưa ra dấu hiệu của yếu tố rủi ro cho những bất thường nhất định.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về xét nghiệm sàng lọc qua bài viết Xét nghiệm sàng lọc trước sinh: Phụ nữ độ tuổi 35 không nên bỏ qua.
Vì sao nên thực hiện xét nghiệm tripple test?
Thực hiện kiểm tra tripple test sẽ giúp ích rất nhiều cho những mẹ bầu trên 35 tuổi vì có thể cung cấp thông tin quan trọng về việc mang thai, tình trạng sức khỏe của thai nhi, chẳng hạn như:
- Phát hiện hội chứng Down (50 – 70%) và hội chứng Edwards
- Phát hiện sớm hầu hết các trường hợp khuyết tật ống thần kinh (liên quan đến não, cột sống và tủy sống)
- Xác nhận mẹ bầu có mang đa thai hay không nhằm lên kế hoạch cho việc bổ sung vitamin trước khi sinh, chế độ ăn uống và những điều khác
- Tìm ra các bất thường khác nhằm tiến hành thêm những xét nghiệm cần thiết.
Xét nghiệm này rất quan trọng nếu trong gia đình có thành viên bị dị tật bẩm sinh, mắc bệnh đái tháo đường và sử dụng insulin, bị nhiễm virus hoặc đã sử dụng các loại thuốc có hại trong thai kỳ.
Khi nào nên thực hiện xét nghiệm tripple test?
Như đã nói ở trên, xét nghiệm bộ ba trong thai kỳ nên được thực hiện trong khoảng từ tuần 15 – 21 của thai kỳ. Tuy nhiên, kết quả chính xác nhất thu được khi mẹ bầu làm xét nghiệm từ tuần 16 – 18. Kết quả xét nghiệm của bạn sẽ có trong vòng hai đến bốn ngày.
Cần chuẩn bị những gì cho xét nghiệm tripple test?
Đối với loại hình xét nghiệm này, bạn không cần phải kiêng cữ trong ăn uống. Những tác dụng phụ mà xét nghiệm gây ra cũng không đáng kể vì đây là xét nghiệm không chuyên sâu được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu, mức độ rủi ro cho mẹ cũng như em bé đều rất thấp.
Đối tượng mà xét nghiệm tripple test nhắm đến?
Đây là một xét nghiệm nhằm cung cấp cho các bác sĩ cái nhìn sâu sắc về biện pháp cần thực hiện nếu phát hiện bất thường ở thai nhi. Thử nghiệm này đo mức hCG và xác định xem mức hCG cũng như estriol có bình thường hay không. Kết quả sau đó sẽ được đánh giá kèm theo với những yếu tố như tuổi người mẹ, cân nặng, tuổi của thai nhi… để đi đến kết luận cuối cùng.
Trước khi thực hiện xét nghiệm, mẹ bầu nên chia sẻ với bác sĩ các thông tin chính xác về tình hình sức khỏe của bản thân để tránh việc ảnh hưởng đến nhận định sau cùng.
Các bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết trong khi lấy máu để đảm bảo thai nhi không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ mầm bệnh truyền nhiễm nào.
Giải thích kết quả xét nghiệm tripple test
Kết quả của xét nghiệm này là dấu hiệu cho thấy những rủi ro mà em bé đang phát triển trong bụng có thể gặp phải. Chúng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Tuổi tác người mẹ
- Số tuần mang thai
- Cân nặng người mẹ
- Đa thai hay đơn thai
- Người mẹ có mắc phải chứng đái tháo đường hay không.
Kết quả triple test nguy cơ thấp là gì?
Kết quả sàng lọc nguy cơ thấp có nghĩa là nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh (như dị tật ống thần kinh, hội chứng Down và hội chứng Edward) khá thấp. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng bé sẽ chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Nên làm gì khi có kết quả bất thường?
Khi nhận được kết quả bất thường, bác sĩ chắc chắn sẽ muốn tiến hành thêm một vài xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng mà bé đang gặp phải cũng như nguyên nhân gây ra. Siêu âm cũng nằm trong những biện pháp cần thực hiện kèm theo sự chú ý đến não, tủy sống, thận và tim nhằm phát hiện vấn đề.
Những lý do để bạn làm thêm các xét nghiệm khác
Việc thực hiện kiểm tra bộ ba không chỉ có thể giúp xác định hoặc chẩn đoán các khuyết tật bẩm sinh và tình trạng di truyền mà quan trọng hơn còn cho bạn cơ hội để chuẩn bị trước tình huống xấu nhất. Điều này giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn hay cách nuôi dạy con thích hợp qua những yếu tố:
- Biết được nhu cầu của bé
- Nâng cao nhận thức về một tình trạng sức khỏe nào đó có thể xảy ra
- Xem xét tất cả các lựa chọn của trẻ bao gồm: phẫu thuật, thuốc men và liệu pháp thay thế.
Xét nghiệm tripple test sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị cũng như loại trừ các vấn đề có thể xảy ra liên quan đến sức khỏe của thai nhi. Đừng quá lo lắng khi thực hiện xét nghiệm này bởi nó không có tác dụng phụ cũng như rủi ro.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Hiện tượng tăng bạch cầu khi mang thai
- Đau mông khi mang thai: Mẹ bầu phải làm sao?