Sẹo rỗ đáy vuông là một biến thể nặng của sẹo rỗ, thường hình thành sau mụn. Điều trị sẹo rỗ đáy vuông tại nhà thường không đạt hiệu quả cao và mất rất nhiều thời gian. Lúc này, bạn cần phải sử dụng các liệu trình điều trị sẹo chuyên nghiệp để giải quyết chúng.
Sẹo rỗ đáy vuông là gì?
Sẹo rỗ (hay còn được gọi là sẹo lõm) có ba dạng hình thái: sẹo rỗ chân tròn, sẹo rỗ đáy nhọn vào sẹo rỗ đáy vuông.
Sẹo rỗ đáy vuông là dạng sẹo có hố lõm hình vuông, chân sẹo tương đối nông và bằng, có đường kính từ 2 – 4 mm, chiều sâu khoảng 1,5 mm và thường xuất hiện tại vùng má hay thái dương.
Nguyên nhân gây sẹo rỗ đáy vuông
Khi bạn bị mụn trứng cá nặng, cơ thể sẽ cố gắng sản sinh ra nhiều collagen để chữa lành tổn thương. Sẹo rỗ đáy vuông hình thành khi cơ thể bạn có đủ lượng collagen để tái tạo lớp biểu bì mới.
Mụn nang là loại mụn dễ gây sẹo rỗ đáy vuông nhất, đặc biệt là nếu bạn không điều trị tốt hoặc tự nặn mụn không đúng cách.
Cơ địa và di truyền cũng là những yếu tố có thể khiến bạn bị sẹo sau mụn hoặc các tổn thương trên da.
Sẹo rỗ đáy vuông có thể tự biến mất không?
Sẹo rỗ đáy vuông có thể mờ dần, nhưng sẽ không tự biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp bạn cải thiện thêm từ 50 – 70% và không gây chú ý như trước nữa.
Phương pháp điều trị sẹo rỗ đáy vuông
Sẹo rỗ đáy vuông nông sẽ dễ điều trị hơn sẹo rỗ đáy vuông sâu. Trong nhiều trường hợp, bạn cần kết hợp các phương pháp điều trị để đạt được kết quả tốt nhất.
1. Siêu mài mòn da
Phương pháp siêu mài mòn da (microdermabrasion) là một kỹ thuật tái tạo bề mặt da được áp dụng trong ngành thẩm mỹ. Phương pháp này được sử dụng cho cả điều trị sẹo rỗ đáy nhọn và sẹo rỗ đáy vuông. Có hai phương pháp siêu mài mòn là siêu mài mòn da bằng tinh thể thạch anh và siêu mài mòn da bằng mũi kim cương.
Phương pháp điều trị này thường được các chuyên viên spa thực hiện chứ không hẳn là bác sĩ da liễu. Kết quả điều trị của chúng có thể khác nhau tùy vào từng trường hợp.
2. Mài mòn da
Mài mòn da tương tự như siêu mài mòn da nhưng đi sâu hơn để loại bỏ lớp da trên cùng, cải thiện bề mặt da do bị nếp nhăn sâu, sẹo và một số tổn thương khác.
Những người trẻ tuổi có làn da sáng màu sẽ phù hợp với kỹ thuật mài mòn da hơn những người có làn da tối màu. Tác dụng phụ không mong muốn của phương pháp này là khiến bạn dễ bị thay đổi màu da. Những người đang bị mụn trứng cá cũng không nên sử dụng thực hiện điều trị bằng mài mòn da vì có thể dẫn đến dị ứng da hoặc loét da.
Mài mòn da có thể giúp cải thiện sẹo rỗ đáy vuông nông, nhưng không hiệu quả trên những vết sẹo sâu hơn. Nó có thể khiến da bạn bị đỏ lên, đau rát trong vài ngày và dễ bắt nắng hơn trong vài tháng.
3. Mặt nạ hóa học
Mặt nạ hóa học là một liệu trình sử dụng dung dịch hóa học để tẩy đi lớp tế bào chết trên da của bạn nhằm tái tạo da mới. Mặt nạ hóa học tạo ra nhiệt bỏng độ 2 nhằm kích thích sự hình thành lớp da mới thông qua quá trình sản xuất collagen.
Nếu bạn quyết định điều trị sẹo rỗ đáy vuông bằng mặt nạ hóa học, bạn nên thực hiện tại bệnh viện da liễu và do chính các bác sĩ da liễu trực tiếp tiến hành thao tác. Vết sẹo càng sâu, bạn càng dễ gặp phải một số tác dụng phụ như đỏ da, đau rát và bong tróc da.
Mặt nạ hóa học cũng có thể khiến da bạn tối hơn hoặc sáng màu hơn bình thường. Tuy nhiên, tình trạng đổi màu da này chỉ thường xảy ra ở những người có làn da tối màu.
Một số thành phần trong mặt nạ hóa học bao gồm glycolic acid, lactic acid, trichloroacetic acid (TCA) và beta hydroxy acid (BHA).
4. Liệu pháp laser
Liệu pháp laser sử dụng các tia laser bắn trực tiếp vào các vết sẹo, thúc đẩy quá trình tái tạo da mới, bóng khỏe và mịn màng hơn. Đây là một phương pháp điều trị lâu dài và có hiệu quả cao hơn các phương pháp khác. Có hai loại laser được sử dụng trong điều trị sẹo rỗ đáy vuông là laser bóc tách và laser không bóc tách.
Laser bóc tách sử dụng những tia laser nhỏ để loại bỏ một lớp mỏng trên da, tiêu hủy lớp da đầu tiên bên ngoài. Một số tia laser bóc tách phổ biến là Erbium hoặc CO2. Chúng có thể cải thiện tình trạng vết sẹo của bạn sau lần điều trị đầu tiên. Tác dụng phụ của phương pháp này là gây đỏ, sưng đau và phồng rộp.
Laser không bóc tách tác động sâu hơn laser bóc tách, chúng kích thích sản sinh collagen mới và cũng có ít tác dụng phụ hơn so với laser ablative. Một số công nghệ điều trị bằng laser không bóc tách là IPL (Intense Pulsed Light), các tia laser hữu hình và tia laser hồng ngoại.
Cả hai phương pháp điều trị bằng laser đều khiến cho da bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
5. Phương pháp lăn kim
Lăn kim là một trong những kỹ thuật trị sẹo rỗ đầu tiên được đưa vào ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở thẩm mỹ.
Phương pháp này sử dụng các đầu kim nhỏ tác động trực tiếp vào vùng da bị sẹo, tạo nên những tổn thương giả trên da, kích thích quá trình tự lành vết thương của cơ thể bằng cách tăng cường sản sinh collagen, giúp da hồi phục nhanh chóng.
6. Bóc tách sẹo
Bóc tách sẹo là một phương pháp được rất nhiều bác sĩ da liễu trên thế giới lựa chọn trong liệu trình điều trị sẹo rỗ. Phương pháp này giúp giải phóng hoàn toàn lớp bề mặt da, làm sẹo đầy lên một cách tự nhiên.
Do bóc tách sẹo là một phương pháp có tính xâm lấn, nên trong một số trường hợp, bạn có thể bị vài vết thâm trên da sau khi điều trị. Những vết thâm này sẽ mờ dần và biến mất hoàn toàn sau khoảng từ 4-6 tuần (tùy theo cơ địa của mỗi người).
Với những vết sẹo nông, điều trị sớm và đúng cách sẽ có thể giúp bạn lấy lại được làn da mịn màng như lúc đầu. Nhưng đối với vết sẹo sâu, ngay cả khi điều trị bằng các phương pháp chuyên nghiệp thì cũng khó có khả năng khiến chúng biến mất hoàn toàn. Thế nên, việc bạn cần làm là ngăn ngừa sẹo hình thành ngay khi gặp các tổn thương trên da.