Núm vú giả có thể mang đến nhiều ích lợi bất ngờ, nhưng cũng tiềm tàng những nguy cơ đối với sức khỏe và sự phát triển của bé mà bạn cần biết rõ.
Một số bé sẽ quấy khóc khi rời vú mẹ dù đã được cho bú đủ và mút ngón tay cái để thay cho núm vú. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, tự hỏi có nên cho con sử dụng núm vú giả hay không. Thực chất, việc dùng vật thay thế này có thể mang đến nhiều ích lợi, nhưng bố mẹ phải cho bé dùng đúng cách và không quá lạm dụng nó.
Núm vú giả mang đến lợi ích gì cho bé?
Khi trở thành bố mẹ, nhất là đối với những cặp vợ chồng mới trải nghiệm cảm giác lần đầu, việc yêu thương, chiều chuộng con cái là một trong những ưu tiên cao nhất. Việc sử dụng núm vú giả cho bé bú cũng là một cách được nhiều phụ huynh áp dụng để khiến bé vui vẻ.
Một số bé chỉ cần được mẹ âu yếm, vuốt ve và ngậm núm vú trong lúc bú mẹ là đã thoải mái và thích thú. Tuy nhiên, có những bé khác lại không thể xa rời nó được, ngay cả khi bé không đói. Nếu con vẫn muốn ngậm núm vú sau khi có sữa mẹ hoặc sữa bình, việc dùng núm vú giả có thể là giải pháp duy nhất. Núm vú giả không thể thay thế cho chất dinh dưỡng, nhưng vẫn có thể làm thỏa mãn bé trong một số trường hợp.
Bên cạnh đó, “đồ chơi” này còn mang lại một lợi ích khá bất ngờ. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả vào giờ đi ngủ và nghỉ trưa có ít nguy cơ mắc hội chứng SIDS (Hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh). Những nghiên cứu này không chỉ ra chính xác bản thân núm vú giả giúp ngăn ngừa SIDS mà nó chỉ nói lên mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng chúng và nguy cơ SIDS thấp hơn. Ngoài ra, thói quen ngậm núm vú giả dễ bỏ hơn thói quen mút ngón tay cái ở trẻ.
Nhược điểm của việc sử dụng núm vú giả là gì?
Việc sử dụng núm vú giả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bé dưới 18 tháng tuổi, nguy cơ bệnh này thường rất thấp, do đó bạn nên cho bé sử dụng núm vú giả cho đến khi bé được khoảng 1 tuổi rưỡi (khi nhu cầu được ngậm núm vú của bé lớn nhất) và sau đó bắt đầu cai cho bé thì sẽ tốt hơn.
Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn nên đợi cho đến khi bé biết bú mẹ thành thạo rồi mới cho con sử dụng núm vú giả. Một số quan điểm cho rằng việc mút núm vú giả quá sớm dễ dẫn đến việc bé từ chối núm vú thật. Nhận định này chưa có căn cứ chính xác.
Dù vậy, việc ngậm núm vú giả và bú sữa mẹ là hai động tác khác nhau, đòi hỏi kỹ thuật riêng của nó, vì vậy tốt nhất bạn nên đợi cho đến khi con có thể bú tốt sữa mẹ và nguồn sữa của bạn đã sẵn có dồi dào trước nhé. Cho bé sử dụng núm vú giả vào lúc 1 tháng tuổi, sau khi bé đã bú no nê là hợp lý nhất.
Việc ngậm núm vú giả thường xuyên sẽ trở thành một thói quen và điều này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nếu bạn muốn khỏi phải giằng co để lấy nó ra khỏi bé, hãy cai cho bé khi con được 1 tuổi. Việc cẩn thận không lạm dụng sẽ giúp bảo đảm bé không bị phụ thuộc vào nó.
Dùng núm vú giả có gây hại cho sự phát triển của răng bé?
Trẻ nhỏ sẽ ít có khả năng bị hư răng nếu bé ngừng sử dụng núm vú giả vào thời điểm 2 hoặc 3 tuổi. Thông thường các bé sẽ bỏ được từ trước đó (khi mà bé chỉ có răng sữa mà thôi), thế nên răng bé sẽ không bị ảnh hưởng. Điều này cũng có nghĩa là, nếu trẻ sử dụng núm vú giả càng lâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của răng càng lớn.
Nếu bạn còn những điều thắc mắc khác, hãy hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ để đảm bảo con có hàm răng chắc khỏe và không có vấn đề gì trong tương lai nhé.
6 nguyên tắc mẹ thông thái dùng khi cho con ngậm ti giả
1. Đừng ép bé
Mẹ hãy để con quyết định thay vì cứ đưa trực tiếp núm vú giả vào miệng bé. Nếu con nhận ngay thì không sao, nhưng nếu con từ chối thì mẹ cũng đừng nên gò ép. Mẹ có thể thử lại lần sau hoặc đơn giản là tìm cách khác để bé vui vẻ và thích thú hơn.
2. Chỉ dùng khi bé không đói
Tốt nhất là bạn nên cho bé ngậm núm vú giả giữa các bữa ăn khi biết chắc là con không đói và tránh sử dụng vật dụng này như một cách để trì hoãn việc cho bé bú hoặc thay thế cho sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Thay vào đó, núm vú giả sẽ hữu ích trong những trường hợp bé cần được vỗ về, ví dụ như trong lúc đi mua hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại hoặc ngồi trên xe.
3. Núm vú giả không phải là cách duy nhất dỗ dành bé
Mẹ hãy thử cho bé ngậm núm vú giả vào lúc ngủ trưa và buổi tối. Nếu nó rơi ra khỏi miệng khi bé ngủ, mẹ đừng gắn trở lại vào miệng con. Lúc con quấy khóc, trước tiên mẹ hãy cố gắng dỗ bằng những cách khác, chẳng hạn như âu yếm, ẵm bé lên hoặc ca hát rồi hẵng nghĩ đến việc dùng núm vú giả.
4. Thận trọng khi đeo núm vú giả trên người con
Bố mẹ đừng buộc núm vú giả quanh cổ hoặc để trên nôi của con. Bé có thể vô tình siết cổ mình lại bằng những dây buộc đó. Sẽ an toàn hơn nếu bạn gắn núm vú giả vào quần áo của bé với một cái kẹp đặc biệt được chế tạo dành riêng cho việc này.
5. Vệ sinh núm vú giả sạch sẽ
Trước hết, bạn hãy chọn loại nào an toàn và thích hợp cho bé và vệ sinh thật sạch bằng cách rửa thường xuyên bằng nước ấm. Ngay khi thấy những vết nứt nhỏ xuất hiện hoặc các dấu hiệu khác, mẹ nên thay ngay cái mới.
Đừng làm sạch núm vú giả bằng cách đưa nó vào miệng bố mẹ nhé. Nước bọt của người lớn có chứa vi khuẩn có thể gây sâu răng cho bé ngay khi răng bé mới bắt đầu nhú ra từ nướu. Bạn cũng không nên nhúng núm vú giả vào nước trái cây hoặc đường vì điều này cũng có thể làm bé bị sâu răng đấy.
6. Thời điểm không nên cho bé ngậm núm vú giả
Trong một số trường hợp dưới đây, núm vú giả sẽ mang đến tác dụng ngược:
- Bé đang có vấn đề tăng cân
- Bé bị nhiễm trùng tai giữa
Việc sử dụng núm vú giả có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi hội chứng SIDS (đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh). Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng nếu bé quá thích thú với món đồ này. Tuy vậy, để an toàn nhất với con, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có nên cho bé dùng núm vú giả hay không nhé!