Tìm hiểu chung
Nội soi bàng quang bằng ống soi cứng là gì?
Nội soi bàng quang là một thủ thuật để kiểm tra xem có điều gì bất thường trong bàng quang của bạn bằng cách sử dụng một ống cứng có một đầu gắn kính để quan sát những hình ảnh bên trong bàng quang của bạn. Đôi khi, nếu bác sĩ của bạn phát hiện có gì bất thường, họ có thể điều trị ngay khi đang làm thủ thuật này.
Nội soi bàng quang được khuyến khích thực hiện nếu bạn bị đau khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu, nhiễm trùng tiểu lặp đi lặp lại, khi bàng quang của bạn bị kích thích (khiến bạn mắc đi tiểu một cách đột ngột và không thể nín được), hoặc bạn không thể kiểm soát được hoạt động tiểu tiện của mình.
Khi nào bạn nên thực hiện nội soi bàng quang bằng ống soi cứng?
Bạn sẽ có thể được thực hiện thủ thuật này khi bác sĩ nghi ngờ bạn có vấn đề về bàng quang. Ví dụ, bạn có thể thấy máu trong nước tiểu, bạn bị nhiễm trùng tiểu lặp đi lặp lại hoặc bàng quang của bạn bị kích thích điều này khiến bạn mắc tiểu đột ngột và và không thể nín được), hoặc bạn không thể kiểm soát được hoạt động tiểu tiện của mình.
Nếu bác sĩ của bạn tìm thấy một vấn đề nào đó trong quá trình nội soi bàng quang của bạn, họ có thể thực hiện sinh thiết (lấy một mẩu mô nhỏ từ tổn thương để phòng thí nghiệm phân tích), hoặc họ có thể điều trị ngay khi đang nội soi.
Nếu kết quả soi bàng quang là bình thường, bác sĩ của bạn sẽ cho bạn biết ngay để bạn có thể yên tâm.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện nội soi bàng quang bằng ống soi cứng?
Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thủ thuật này. Nhưng có làm hay không là ở quyết định của bạn.
Trong trường hợp bạn quyết định không nội soi bàng quang bằng ống cứng, bác sĩ của bạn sẽ không thể xác định chính xác bạn đang bị bệnh gì. Nếu bạn quyết định không thực hiện nội soi bàng quang, bạn nên thảo luận kỹ với bác sĩ của bạn.
Chụp ảnh cắt lớp (CT) có thể đưa ra một số thông tin về nguyên nhân của vấn đề của bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải được nội soi để có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Một số bất thường ở niêm mạc bàng quang chỉ có thể thấy bằng phương pháp nội soi.
Bạn có thể có nội soi bàng quang bằng ống soi mềm, thủ thuật này bạn chỉ cần được gây tê tại chỗ. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có khi không thể điều trị được bất thường ở bàng quang của bạn bằng ống nội soi mềm.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?
Chảy máu trong hoặc sau khi làm thủ thuật: bạn có thể thấy một lượng máu nhỏ ở những lần đi tiểu đầu tiên. Hầu hết nữ giới có thực hiện sinh thiết trong khi nội soi sẽ thấy máu trong nước tiểu của họ. Lượng máu chảy thường là rất ít. Các nhân viên y tế có thể truyền nước thông qua một ống thông vào vào bàng quang của bạn để rửa trôi máu hoặc để loại bỏ bất kỳ cục máu đông còn sót nào (được gọi là ‘rửa bàng quang’).
Nhiễm trùng: nếu bạn cảm thấy phải đi tiểu nhiều lần và mỗi lần chỉ tiểu ra một lượng nhỏ mỗi lần kèm theo cảm giác khó chịu, bạn có thể đã bị nhiễm trùng đường tiểu. Nếu các triệu chứng này tiếp tục xấu đi, hãy báo cho bác sĩ của bạn biết. Bạn có thể cần phải điều trị bằng kháng sinh.
Hẹp niệu đạo: gây ra bởi các mô sẹo hình thành trong niệu đạo của bạn. Điều này là không bình thường sau khi nội soi bàng quang lần đầu tiên. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể cần phải phẫu thuật tiếp để chỉnh sửa (rủi ro: ít hơn 1 trong 1000 người).
Thủng một lỗ ở bàng quang: nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ đặt một ống thông trong bàng quang của bạn trong một vài ngày để cho lỗ thủng này lành lại. Nếu lỗ thủng không lành, bạn có thể sẽ cần phải được phẫu thuật.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện nội soi bàng quang bằng ống soi cứng?
Bạn nên báo bác sĩ của bạn biết các loại thuốc mà bạn đang dùng và làm theo lời khuyên của họ. Bạn có thể cần phải ngừng uống warfarin (một loại thuốc chống đông máu) hoặc clopidogrel (một loại thuốc ngăn không cho các tiểu cầu trong máu của bạn kết tập lại để hình thành nên những cục máu đông) trước khi làm thủ thuật.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, điều quan trọng là bệnh tiểu đường của bạn phải được kiểm soát tốt trong khoảng thời gian làm thủ thuật. Bạn hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
Nếu bạn đang dùng beta-blockers (thuốc chẹn thụ thể beta) để kiểm soát huyết áp, bạn nên tiếp tục dùng thuốc của mình như bình thường.
Nếu bạn hút thuốc lá, hãy ngưng hút thuốc lá nhiều tuần hoặc lâu hơn trước khi thực hiện thủ thuật này để bạn có thể làm giảm nguy cơ bị các biến chứng của cuộc phẫu thuật cũng như giúp cải thiện sức khỏe lâu dài của bạn.
Quy trình thực hiện nội soi bàng quang bằng ống soi cứng như thế nào?
Thủ thuật này thường được thực hiện sau khi gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống (thuốc tê được tiêm vào tủy sống sẽ ức chế toàn bộ cảm giác của bạn từ vùng thắt lưng trở xuống). Thủ thuật này thường mất ít hơn 30 phút.
Bác sĩ của bạn sẽ đưa ống nội soi vào bàng quang qua niệu đạo. Họ sẽ sử dụng ống nội soi để tìm xem có gì bất thường trong niêm mạc bàng quang của bạn hay không và thực hiện sinh thiết nếu cần thiết.
Nếu bác sĩ của bạn tìm thấy một khối u nhỏ hoặc sỏi, họ có thể loại bỏ nó bằng một ống nội soi.
Hồi phục sức khỏe
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện nội soi bàng quang bằng ống soi cứng?
Bạn sẽ có thể được về nhà ngay trong ngày, sau khi bạn đã phục hồi khỏi những tác động từ các thuốc gây mê và đi tiểu được bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ có thể khuyên bạn nên ở lại một chút.
Bạn không nên lái xe, vận hành máy móc (hay thậm chí cả nấu ăn) hoặc làm bất cứ hoạt động tiềm tàng nguy hiểm nào trong ít nhất 24 giờ sau phẫu thuật cho đến khi cảm giác của bạn bình phục hoàn toàn. Nếu bạn được gây mê, bạn cũng không nên ký các văn bản pháp luật hoặc uống rượu trong vòng ít nhất 24 giờ.
Bạn có thể bị đau nhói một chút trong vài lần đầu tiên đi tiểu. Bạn nên uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày để giúp nước tiểu của bạn chảy một cách dễ dàng hơn.
Nội soi bàng quang bằng ống cứng thường không gây đau. Nếu bạn có bất kỳ sự khó chịu nào, hãy uống những loại thuốc giảm đau đơn giản như paracetamol.
Bạn sẽ có thể trở lại làm việc vào ngay ngày hôm sau khi thực hiện nội soi bàng quang. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt. Trước khi bạn bắt đầu tập thể dục, bạn nên gặp một thành viên của nhóm chăm sóc y tế hoặc bác sĩ của bạn để được tư vấn.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.