Tâm trạng lo lắng vốn bình thường nhưng nếu cảm giác tiêu cực này kéo dài quá lâu mà không rõ lý do, bạn có thể đã mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể. Vậy bạn phải làm sao để cải thiện tâm lý lo lắng kéo dài dai dẳng này?
Chứng rối loạn lo âu toàn thể không những khiến bạn dễ cáu gắt, mệt mỏi mà còn mang đến nhiều tác động tiêu cực cho thể chất như căng cơ hay run rẩy. Thế nhưng, bạn vẫn có cách cải thiện tâm trạng để những cơn lo lắng không còn đeo bám mình mỗi ngày.
Rối loạn lo âu toàn thể là gì?
Những người bị rối loạn lo âu toàn thể hay còn gọi là generalized anxiety disorder – GAD thường có tâm trạng lo lắng không kiểm soát được về những tình huống bình thường xảy ra mỗi ngày. Thế nhưng, chứng rối loạn này khác với cảm giác lo lắng bình thường.
Ví dụ như ai cũng có những lúc lo nghĩ về tình hình tài chính của mình nhưng người mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể có thể lo lắng một cách thiếu kiểm soát về tài chính nhiều lần trong ngày. Họ thậm chí còn cảm thấy lo lắng ngay cả khi không có lý do chính đáng và cũng thường nhận ra sự lo lắng của mình là vô lý.
Đôi khi những người mắc bệnh chỉ có cảm giác lo lắng mà không rõ mình lo về việc gì. Họ có thể bất an rằng những chuyện không tốt sắp xảy ra hay không thể giữ bình tĩnh. Tâm trạng lo lắng quá mức này có thể rất đáng sợ và có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hoạt động hàng ngày.
Cảm giác lo lắng cũng là một triệu chứng phổ biến của nhiều vấn đề thần kinh như trầm cảm và các nỗi ám ảnh sợ hãi. Tuy nhiên, chứng rối loạn lo âu toàn thể có nhiều điểm khác so với những chứng này.
• Trầm cảm: Khi bị trầm cảm, người bệnh chỉ đôi khi cảm thấy lo lắng chứ cảm giác này không kéo dài.
• Ám ảnh sợ hãi: Đối với những người mắc những chứng ám ảnh sợ hãi, cảm giác lo lắng chỉ tới khi họ thấy một tác nhân đặc biệt gây sợ hãi cho mình như nhện, lỗ hổng, vật nhọn…
Những người bị rối loạn lo âu toàn thể lo lắng về một số chủ đề khác nhau trong một khoảng thời gian dài từ 6 tháng trở lên. Họ có thể không xác định được nguồn gốc của cảm giác lo lắng.
Triệu chứng rối loạn lo âu toàn thể
Các dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu này bao gồm:
- Cáu gắt
- Căng cơ
- Khó ngủ
- Run rẩy
- Khó tập trung
- Tim đập nhanh
- Mệt mỏi và kiệt sức
- Lòng bàn tay ướt mồ hôi
- Đau bụng hoặc tiêu chảy nhiều lần
- Tê hoặc ngứa ran ở các bộ phận khác nhau của cơ thể
Nguyên nhân rối loạn lo âu toàn thể
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây rối loạn lo âu toàn thể là:
- Từng bị lạm dụng khi còn nhỏ
- Có người thân mắc bệnh lo âu
- Có tiếp xúc với các tình huống căng thẳng như bản thân hay gia đình bị bệnh
- Sử dụng quá nhiều caffeine hoặc thuốc lá. Đây là những tác nhân này có thể làm cho tình trạng lo lắng hiện có trở nên tệ hơn.
Theo Mayo Clinic, phụ nữ có khả năng mắc rối loạn lo âu toàn thể cao gấp đôi so với nam giới.
Chẩn đoán rối loạn lo âu toàn thể
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách sàng lọc các vấn đề sức khỏe tinh thần. Họ cũng sẽ đặt một số câu hỏi về các triệu chứng bạn có và thời gian bạn đã có những triệu chứng này. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể làm các xét nghiệm y tế để xác định xem các triệu chứng của bạn có phải do bệnh tiềm ẩn hoặc do lạm dụng thuốc không.
Một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có liên quan đến tâm lý lo âu là:
- Bệnh tim
- Mãn kinh
- Rối loạn tuyến giáp
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Điều trị rối loạn lo âu toàn thể
Có rất nhiều cách bạn có thể chọn lựa để giải tỏa bớt tâm trạng lo lắng kéo dài.
Trị liệu hành vi nhận thức
Cách điều trị này bao gồm các cuộc gặp mặt thường xuyên với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Mục tiêu của những buổi gặp này là thay đổi suy nghĩ và hành vi của bạn. Trong các buổi trị liệu, bạn sẽ học cách nhận biết và kiểm soát những suy nghĩ lo lắng trong đầu.
Chuyên gia trị liệu cũng sẽ chia sẻ cách trấn an bản thân khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện. Bác sĩ cũng thường kê đơn thuốc để hỗ trợ các buổi trị liệu. Nhiều người cho rằng liệu pháp hành vi nhận thức đã giúp giảm bớt tâm lý lo lắng trong thời gian dài.
Dùng thuốc kê toa
Nếu bác sĩ cảm thấy bạn cần dùng thuốc, họ có thể sẽ cân nhắc kê cả thuốc ngắn hạn và thuốc dài hạn.
Thuốc ngắn hạn làm giảm một số ảnh hưởng thể chất của tâm lý lo lắng như căng cơ và co thắt dạ dày. Những thuốc này được gọi là thuốc chống lo âu. Một số loại thuốc chống lo âu phổ biến là:
- Alprazolam (Xanax)
- Lorazepam (Ativan)
- Clonazepam (Klonopin)
Bạn thường không dùng các loại thuốc này trong thời gian dài vì những thuốc này có nguy cơ gây phụ thuộc và lạm dụng.
Các loại thuốc chống trầm cảm lại thích hợp điều trị lâu dài. Một số thuốc chống trầm cảm phổ biến là:
- Sertraline (Zoloft)
- Buspirone (Buspar)
- Citalopram (Celexa)
- Duloxetine (Cymbalta)
- Escitalopram (Lexapro)
- Desvenlafaxine (Pristiq)
- Venlafaxine (Ef fexor XR)
- Fluvoxamine (Luvox, Luvox CR)
- Paroxetine (Paxil, Paxil CR, Pexeva)
- Fluoxetine (Prozac, Prozac Weekly, Sarafem)
Những loại thuốc này có thể mất một vài tuần mới bắt đầu có tác dụng. Thuốc này cũng có thể có các tác dụng phụ như khô miệng, buồn nôn và tiêu chảy.
Thuốc chống trầm cảm có ít nguy cơ làm tăng suy nghĩ tự sát. Tuy nhiên, bạn cũng cần báo lại với bác sĩ nếu thấy mình có tâm trạng hay suy nghĩ bất thường.
Thay đổi lối sống
Nhiều người có thể cảm thấy bớt căng thẳng khi thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Bạn cũng có thể xây dựng một số thói quen tốt cho mình như:
- Ngủ đủ
- Yoga và thiền
- Ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Nói chuyện với những người bạn tin cậy về những nỗi sợ và sự lo lắng của mình
- Tránh các chất kích thích như cà phê và một số loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm cân và thuốc chứa caffeine
Khi uống rượu bia, bạn có thể cảm thấy bớt lo lắng gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc trầm cảm hơn vài giờ hoặc một ngày sau khi uống. Đồ uống có cồn còn có thể ảnh hưởng tới các thuốc điều trị bạn đang dùng.
Chứng rối loạn lo âu toàn thể gây tâm trạng lo lắng kéo dài, không rõ lý do nên có thể khiến chất lượng sống giảm sút. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh và chữa trị theo chỉ định của bác sĩ.
Như Vũ | HELLO BACSI