Bạn đã bao giờ bị đứt tay chưa? Vết thương sẽ chảy máu rồi sau đó đông lại thành các cục máu đông giúp cầm máu. Khi vết thương đã lành, chúng sẽ vỡ và rơi ra. Trường hợp các cục máu đông không rơi ra, chúng có thể đi vào các mạch máu của các cơ quan cơ thể và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân nào hình thành cục máu đông? Làm sao để nhận biết vị trí cục máu đông trong cơ thể?
Nếu xác định được nơi cục máu đông tồn tại trong cơ thể mình, bạn sẽ kịp thời tìm đến sự trợ giúp y tế để ngăn chặn những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Dấu hiệu nhận biết vị trí hình thành cục máu đông
Cục máu đông ở chân, tay
Cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch nơi cánh tay, chân hoặc nằm bên dưới bề mặt da được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Cục máu đông ở các vị trí này rất nguy hiểm vì có thể di chuyển đến phổi hoặc tim.
Bạn có nhiều khả năng bị DVT hơn nếu không vận động trong một thời gian dài như sau phẫu thuật hoặc ngồi tàu, xe quá lâu. Tìm đến sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sưng: Có thể xảy ra ở tại vị trí cục máu đông được hình thành hoặc ở toàn bộ chân, cánh tay.
- Thay đổi màu sắc: Cánh tay hoặc chân bắt đầu xuất hiện các vết đỏ hoặc xanh.
- Đau đớn: Khi cục máu đông trở nên tồi tệ, bạn có thể bị đau. Cảm giác có thể từ đau âm ỉ đến đau dữ dội.
- Khó thở: Nếu điều này xảy ra, có nghĩa là cục máu đông đã di chuyển từ cánh tay hoặc chân đến phổi. Bạn cũng có thể bị ho nặng và thậm chí có thể ho ra máu, đau ở ngực và cảm thấy chóng mặt. Lúc này, bạn cần tìm đến sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
- Chuột rút ở chân: Nếu cục máu đông nằm ở bắp chân hoặc bàn chân, bạn sẽ có cảm giác như mình bị chuột rút.
Cục máu đông ở tim
Khi cục máu đông hình thành trong hoặc xung quanh tim, nó có thể gây ra cơn đau tim. Lúc này, bạn hãy để ý các triệu chứng như sau:
- Đau ở ngực và cánh tay
- Đổ mồ hôi
- Khó thở
Cục máu đông di chuyển đến phổi
Cục máu đông trong các tĩnh mạch ở tay và chân có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi, dẫn đến một tình trạng cực kỳ nguy hiểm là tắc mạch phổi.
Tìm đến trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn:
- Cảm thấy khó thở
- Bị đau ở ngực
- Bắt đầu ho
- Bắt đầu đổ mồ hôi
- Cảm thấy choáng váng
Cục máu đông ở não
Các cục máu đông xuất hiện ở não là do sự tích tụ của các chất béo trong thành mạch máu và mang nó đến não. Nó cũng có thể xuất hiện trong não do bị chấn thương ở vùng đầu gây nên. Ngoài ra, có trường hợp các cục máu đông hình thành ở ngực hoặc cổ, sau đó theo máu và đi lên não. Cục máu đông trong não dễ gây ra đột quỵ dẫn đến liệt hoặc tử vong.
Cảnh giác với những triệu chứng sau đây:
- Gặp vấn đề với tầm nhìn hoặc giọng nói
- Động kinh
- Yếu ớt, mệt mỏi
Cục máu đông ở ruột
Các cục máu đông xuất hiện trong các tĩnh mạch ở ruột và gây ra các tình trạng như viêm ruột thừa hoặc bệnh gan.
Hãy đến bác sĩ để kiểm tra nếu bạn gặp các vấn đề như:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau bụng dữ dội và đau nặng hơn sau khi ăn
- Tiêu chảy
- Phân có máu
- Đầy hơi
Cục máu đông ở thận
Cục máu đông trong thận thường gây ra huyết áp cao và suy thận. Điều này rất nguy hiểm, vì vậy hãy chú ý đến các triệu chứng sau:
- Đau một bên bụng, chân hoặc đùi
- Có máu trong nước tiểu
- Sốt
- Buồn nôn, nôn mửa
- Huyết áp cao
- Đột ngột sưng chân nghiêm trọng
- Khó thở
Nguyên nhân hình thành cục máu đông
Nguyên nhân hình thành cục máu đông thường đến từ lối sống ít vận động. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng này nếu:
- Đã làm phẫu thuật gần đây
- Từ 65 tuổi trở lên
- Uống các thuốc tránh thai hoặc sử dụng liệu pháp tránh thai liên quan đến hormone
- Bị ung thư
- Bị gãy xương (xương hông, xương chậu hoặc chân)
- Béo phì
- Bị đột quỵ hoặc liệt
- Bị bệnh giãn tĩnh mạch
- Có vấn đề về tim
- Tiền sử bản thân trước đó đã từng bị cục máu đông
- Tiền sử gia đình có người bị cục máu đông
- Đi tàu, xe, máy bay hơn 1 giờ
Ngăn ngừa hình thành cục máu đông
Bạn hoàn toàn ngăn ngừa được cục máu đông nếu thực hiện những việc đơn giản sau đây:
- Mặc quần áo rộng rãi
- Thỉnh thoảng nâng chân lên cao hơn tim khoảng 15 cm
- Mang vớ y khoa
- Thực hiện các bài tập do bác sĩ hướng dẫn
- Thay đổi vị trí thường xuyên, đặc biệt là trong những chuyến đi dài
- Không đứng hoặc ngồi quá 1 giờ
- Ăn ít muối
- Cố gắng không va đập hoặc làm tổn thương chân của mình
- Điều chỉnh phần cuối giường của bạn cao lên khoảng 10–15 cm.