Thiếu máu ở trẻ em là tình trạng cơ thể trẻ thiếu đi lượng hồng cầu cần thiết. Nếu không được điều trị đúng hướng, bệnh sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ.
Nếu bạn nhận thấy con yêu tỏ ra mệt mỏi, thường xuyên muốn ngủ kèm với những biểu hiện bất thường như làn da xanh xao, gầy gò hoặc thậm chí muốn ăn cả sỏi đá thì rất có thể bé đang bị thiếu máu. Căn bệnh này do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu sắt.
Bài viết sau, Chúng tôi sẽ tổng hợp 6 câu hỏi thường gặp về tình trạng thiếu máu ở trẻ em cũng như những giải đáp đi kèm nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh, từ đó biết cách phòng ngừa cho bé yêu.
1. Thiếu máu ở trẻ em là gì?
Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu ở trẻ em là do trong cơ thể trẻ không có đủ lượng hồng cầu cần thiết. Tế bào hồng cầu là một loại protein sắc tố đặc biệt, có tác dụng cung cấp oxy cho những tế bào khác trong cơ thể. Việc suy giảm tế bào hồng cầu sẽ khiến sức khỏe của bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị thiếu máu nếu gặp một trong các tình trạng liên quan sau:
- Không sản xuất đủ hồng cầu: Điều này sẽ xảy ra nếu bé không nhận đủ lượng sắt hoặc các chất dinh dưỡng cần thiết khác trong chế độ ăn uống.
- Mất tế bào hồng cầu do xuất huyết: Bạn có thể nhận thấy rõ ràng vấn đề này khi máu xuất hiện trong phân của trẻ nhiều lần.
- Cơ thể phá hủy quá nhiều tế bào hồng cầu: Tình trạng thiếu máu này thường xảy ra khi trẻ mắc bệnh tiềm ẩn hoặc bị di truyền rối loạn hồng cầu (ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm).
2. Các dấu hiệu phổ biến của thiếu máu là gì?
Những triệu chứng phổ biến của thiếu máu ở trẻ em bao gồm:
- Ngủ nhiều
- Hay cáu gắt
- Luôn có cảm giác yếu ớt
- Thường xuyên tỏ ra mệt mỏi
- Làn da cơ thể, môi và 2 gò má nhợt nhạt
- Mí mắt và khóe móng tay kém hồng hào so với mọi người
- Trẻ em có tình trạng tế bào hồng cầu bị phá hủy có thể mắc phải chứng vàng da kèm với nước tiểu đậm màu.
Trẻ bị thiếu máu nặng còn có thể biểu hiện thêm những dấu hiệu như:
- Đau đầu
- Tim đập nhanh
- Tay và chân sưng lên
- Chóng mặt và ngất xỉu
- Hội chứng chân không yên.
Một trong những dấu hiệu của thiếu máu ở trẻ em là bé bỗng dưng hứng thú với những thứ không ăn được, ví dụ: đất sét, bìa các tông, giấy, bụi bẩn… Hành vi này được gọi là hội chứng Pica, thường xảy ra nếu lượng sắt trong cơ thể bé quá thấp và có thể gây táo bón. Hội chứng Pica sẽ chấm dứt nếu tình trạng thiếu máu được điều trị bằng cách bổ sung sắt.
Nếu nhận thấy trẻ biểu hiện như những gì được gợi ý bên trên, bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng. Thiếu máu ở mức độ nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tập trung và học hỏi của con yêu. Thiếu máu do thiếu sắt mạn tính còn khiến bé suy giảm khả năng phát triển trong thời gian dài hoặc thậm chí vĩnh viễn.
3. Phương pháp chẩn đoán thiếu máu ở trẻ em
Thông thường, các bác sĩ sẽ xác định trẻ có thiếu máu hay không thông qua hình thức xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC), kết quả kiểm tra đôi khi còn cho thấy tế bào hồng cầu trong cơ thể của bé ở mức thấp hơn bình thường. Các xét nghiệm chẩn đoán khác bao gồm:
- Xét nghiệm sắt: Bác sĩ sẽ xét nghiệm sắt và ferritin trong huyết thanh nhằm xác định xem nguyên nhân thiếu máu có phải do thiếu sắt hay không.
- Số lượng hồng cầu lưới: Giúp đếm số lượng các tế bào hồng cầu non, từ đó giúp bác sĩ xem liệu quá trình sản sinh tế bào hồng cầu có đang ở mức bình thường hay không.
- Xét nghiệm phết máu ngoại biên: Máu sẽ được nhỏ trên một phiến kính để kiểm tra các tế bào hồng cầu thông qua kính hiển vi, đôi khi xét nghiệm này còn có thể chỉ ra nguyên nhân gây thiếu máu.
- Điện di hemoglobin: Hình thức xét nghiệm này sẽ xác định bất kỳ loại huyết sắc tố bất thường và chẩn đoán bệnh hồng cầu hình liềm, thalassemia hoặc các dạng thiếu máu di truyền khác.
- Sinh thiết tủy xương: Xét nghiệm này có thể giúp xác định liệu quá trình sản xuất tế bào máu có diễn ra bình thường trong tủy xương hay không. Đây là cách duy nhất để chẩn đoán bệnh thiếu máu bất sản nếu bé đang mắc phải một vài chứng bệnh ảnh hưởng đến tủy xương từ đó gây ra thiếu máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu.
4. Thiếu máu ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Việc điều trị tình trạng thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Đối với thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể kê đơn thuốc dưới dạng thuốc nhỏ (cho trẻ sơ sinh) hoặc dưới dạng lỏng hoặc thuốc viên (đối với trẻ lớn hơn). Thuốc thường phải được sử dụng trong vòng 3 tháng để cơ thể dự trữ lại sắt. Mặt khác, thiếu máu do nhiễm trùng thường sẽ được cải thiện khi nguyên nhân gây ra tình trạng này được điều trị.
5. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ em?
Thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu do thiếu dưỡng chất có thể được ngăn ngừa bằng cách cung cấp cho bé một chế độ ăn uống cân bằng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những gì nên hoặc không nên cho trẻ ăn nếu con đang dùng thêm thực phẩm chức năng để cải thiện tình trạng thiếu máu.
Một số cách để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu dinh dưỡng bao gồm:
- Sau khi con được 12 tháng tuổi, tránh cho bé uống sữa bò quá 2 cốc mỗi ngày (khoảng 500ml) do loại sữa này thường không có nhiều chất sắt nhưng lại khiến bé cảm thấy no và không muốn ăn thêm gì nữa. Đây là nguyên nhân vô tình gây ra tình trạng thiếu sắt ở trẻ nhỏ.
- Chế độ ăn uống cho trẻ từ 3 tuổi trở lên nên có sự cân bằng với đa dạng các thực phẩm chứa sắt bao gồm thịt đỏ, lòng đỏ trứng, khoai tây, cà chua, đậu, mật, đường và nho khô.
- Khuyến khích cả gia đình ăn trái cây họ cam quýt hoặc những thực phẩm khác chứa nhiều vitamin C để tăng khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Mặc dù rau xanh chứa nhiều chất sắt nhưng đôi khi bé sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển hóa, do đó vitamin C đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ, khiến quá trình này diễn ra trơn tru hơn.
6. Cách giúp đỡ trẻ bị thiếu máu
Các biện pháp chăm sóc trẻ bị thiếu máu cũng sẽ phụ thuộc vào dạng thiếu máu, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trẻ em thường chịu đựng tình trạng thiếu máu tốt hơn nhiều so với người lớn. Nhìn chung, các bé mắc phải chứng thiếu máu có thể tỏ ra mệt mỏi hơn so với bạn bè khi thực hiện các công việc đơn giản. Do đó, trẻ cần được theo dõi cẩn thận để tránh bị quá sức. Một số dạng thiếu máu như hồng cầu hình liềm cần đến phương pháp chăm sóc và điều trị cụ thể hơn.
Nếu trẻ bắt đầu có bất kỳ dấu hiệu của tình trạng thiếu máu, hãy đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu xem liệu có thành viên nào trong gia đình mang bệnh sử thiếu máu hoặc gặp các vấn đề về máu khó đông. Khi có hướng điều trị thích hợp, chứng thiếu máu ở trẻ em sẽ được cải thiện nhanh chóng.