Khi thay tã cho bé, bố mẹ thường muốn nhanh chóng dọn đi phần phân và nước tiểu mà quên mất rằng chính nước tiểu và phân lại là gợi ý tốt nhất về tình trạng sức khỏe của con.
Việc kiểm tra phân và nước tiểu của bé không phải là điều quá ghê nếu bố mẹ biết rằng chúng chính là manh mối tốt nhất để hiểu đúng về tình trạng sức khỏe nói chung cũng như chế độ dinh dưỡng ở con nói riêng. Bài viết sau đây sẽ giúp bố mẹ tìm hiểu thông tin sức khỏe của bé thông qua phương pháp kiểm tra nước tiểu và phân nhé.
Những điều cơ bản về phân và nước tiểu của bé
Trẻ sơ sinh có thể đi tiểu và đi cầu nhiều lần mỗi ngày. Phân của trẻ sơ sinh thường có màu xanh đậm (gọi là phân su). Điều này là hoàn toàn bình thường do sự bài tiết những chất thải của trẻ sau khi ra khỏi bụng mẹ.
Nếu tã trẻ ướt nhiều lần trong ngày, đây là dấu hiệu tốt và mẹ không cần lo lắng. Nhưng càng về sau, tần suất đi tiểu và đại tiện của trẻ sẽ ít đi và chỉ diễn ra từ 6 – 8 lần/ngày.
Kiểm tra nước tiểu
Mỗi lần bé đi tiểu, bố mẹ cần kiểm tra dòng chảy hoặc màu của nước tiểu trên tã. Điều này sẽ cho bạn biết rất nhiều về sức khỏe của bé. Nước tiểu có màu hồng nhạt hoặc cam là dấu hiệu hoàn toàn bình thường mà bố mẹ không cần lo lắng. Đó có thể là do phản ứng với những chất hóa học trong bỉm của trẻ.
Nếu nước tiểu của trẻ có màu đậm hơn, đó có thể là dấu hiệu trẻ bị thiếu nước hoặc bú ít. Nếu nước tiểu của trẻ có màu nâu hoặc đỏ hay có lẫn máu, bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra.
Kiểm tra phân
Có rất nhiều yếu tố để xác định phân của trẻ là bình thường khi bố mẹ quan sát phân của bé trông như thế nào, mùi ra sao và khoảng thời gian bao lâu thì bé đại tiện.
Một số bé đại tiện rất nhiều còn một số khác lại không thường xuyên. Đi ị khoảng ba lần một tuần được coi là bình thường. Bé đi ị trong ngay khi hoặc ít phút sau khi ăn là phổ biến. Trường hợp này được gọi là phản xạ dạ dày. Sau một vài tuần trôi qua, cơ thể bé có một số thay đổi về:
- Tần suất đi;
- Màu của phân;
- Độ nhão của phân;
- Mùi của phân.
Thức ăn hằng ngày ảnh hưởng đến đặc điểm phân bé như thế nào?
Sữa mẹ
Trong thời kỳ bú sữa mẹ, phân của trẻ lỏng, có màu giống mù tạt, thường có màu vàng cam nhưng cũng có khi màu xanh lá. Dạng phân này xuất hiện ở trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu tiên. Mùi của phân không khó chịu và ảnh hưởng bởi đồ ăn của bé.
Sữa bột
Trong giai đoạn tiếp theo khi dùng sữa bột, phân của trẻ đặc hơn trước, có thể có nhiều màu khác nhau như màu xám vàng, xám xanh hoặc nâu nhẹ.
Thức ăn rắn
Khi bé bắt đầu ăn dặm, phân sẽ cứng hơn và nặng mùi hơn. Phân của trẻ cũng có thể trông như các chất rắn chưa được phân hủy bởi vì hệ tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển, vì thế đây là điều hết sức bình thường.
Các vấn đề về sức khỏe khi kiểm tra qua phân
Táo bón
Dấu hiệu của trẻ bị táo bón là phân cứng và khô, có hình viên. Khi bị táo bón, bé đại tiện rất khó khăn. Con có thể mất nhiều sức để rặn phân ra, thậm chí chảy máu. Khi đó bố mẹ cần liên hệ với bác sĩ để có biện pháp điều trị nhé. Táo bón thường xảy ra ở những bé bú bình. Nguyên nhân có thể là do trẻ bú sữa bột với lượng nước pha không đủ.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng phân lỏng như nước, xảy ra với tần suất nhiều hơn bình thường. Nếu con bị tiêu chảy đi kèm với nôn mửa thì có thể bé đã bị nhiễm trùng ruột. Trong trường hợp này, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để phòng ngừa tình trạng bé bị mất nước quá nhiều.
Bệnh gan
Nếu con có phân màu nhợt như trắng, xám hoặc vàng nhợt, bé có thể mắc bệnh về gan hiếm gặp. Bạn cần đưa trẻ đi xét nghiệm máu để chắc chắn rằng sức khỏe của trẻ không có vấn đề gì nghiêm trọng. Chụp hình hoặc thậm chí là lấy mẫu phân của trẻ cho bác sĩ kiểm tra là điều cần thiết với bố mẹ.
Bằng cách kiểm tra phân hoặc nước tiểu, bố mẹ dễ dàng biết được tình trạng sức khỏe của con ra sao. Hy vọng với những gợi ý trên, bé yêu của bạn sẽ có được một chế độ dinh dưỡng hợp lý để phát triển thật tốt!